Nguồn năng lượng mới: Băng có thể đốt cháy

Thứ Sáu, 17/02/2006, 07:32

Tại vùng đáy biển thuộc phía đông bắc đảo Sakhalin, Nga đã phát hiện một mỏ băng (nước đá) có thể đốt cháy, chạy dài vài trăm kilômét. Theo dự đoán của các chuyên gia, băng ở mỏ này có thể đốt cháy và tối thiểu có thể là nguồn năng lượng cung cấp cho nhân loại 1.000 năm.

Băng có thể đốt cháy (băng đốt cháy) là hợp chất rắn được kết hợp từ khí thiên nhiên và nước, trông giống như băng nước đá. Do chứa một lượng lớn khí có thể cháy như khí metan nên rất dễ cháy. Trong điều kiện đồng đẳng, năng lượng sản sinh ra khi đốt cháy loại băng nước đá này, so với than đá, dầu mỏ, khí thiên nhiên nhiều hơn vài chục lần; hơn nữa sau khi cháy không sinh ra bất kỳ chất cặn bã và khí thải nào.

Sự ra đời của loại băng đốt cháy phải có đủ ba điều kiện: đầu tiên là nhiệt độ không quá cao, nếu như nhiệt độ trên 20o C, nó sẽ bị bốc hơi, cho nên nhiệt độ của đáy biển là thích hợp nhất cho sự hình thành của băng đốt cháy. Thứ hai là áp lực cần phải đủ lớn, đáy biển càng sâu thì áp lực chịu càng lớn, băng đốt cháy càng ổn định. Thứ ba là phải có nguồn khí metan, vật trầm tích của xác sinh vật cổ đại dưới đáy biển sau khi bị vi khuẩn phân giải đã sản sinh ra khí metan... Vì vậy, băng đốt cháy được phân bố trong đáy các đại dương trên thế giới.

Kết quả khảo sát của các nhà khoa học cũng cho thấy, chỉ với khu vực đáy biển, diện tích phân bố băng đốt cháy đã đạt tới 40 triệu km2, chiếm 1/4 tổng diện tích đại dương của địa cầu. Hiện nay trên thế giới đã phát hiện có 116 khu vực có băng đốt cháy, độ dày tầng mỏ của chúng so với  các khu vực khí thiên nhiên là không thể so sánh. Các nhà khoa học đánh giá, trữ lượng băng đốt cháy ở đáy biển tối thiểu có thể cho nhân loại sử dụng 1.000 năm.

Ngược lại, các nhà khoa học cũng cho rằng, nếu khai thác không đúng phương pháp, sẽ gây tai họa không nhỏ. Về phương diện dẫn tới toàn cầu nóng lên, tác dụng của metan so với khí cácbonic sẽ lớn hơn tới 1.020 lần. Hơn nữa, mỏ băng đốt cháy chỉ cần bị phá hoại tối thiểu, cũng đủ có thể dẫn đến rò rỉ lớn lượng khí metan, từ đó dẫn đến hiệu ứng nhà kính mạnh mẽ.

Ngoài ra, việc khai thác băng đốt cháy tại khu vực bờ biển bên thềm lục địa sẽ rất khó khăn, một khi xuất hiện sự cố giếng phun có thể tạo nên tai họa như biển động, sóng thần (do động đất đáy biển), sạt lở đáy biển, nhiễm độc nước biển... Các nhà khoa học cho rằng, việc tạo nguồn năng lượng từ sử dụng khai thác băng đốt cháy ở đáy biển sẽ giống như “con dao hai lưỡi”, cần phải nghiên cứu và có giải pháp khoa học công nghệ hết sức cẩn trọng.

Năm 1960, lần đầu tiên trên thế giới Liên Xô đã phát hiện băng đốt cháy  ở Siberi, năm 1969 nghiên cứu khai phá. Năm 1969, Mỹ bắt đầu thực hiện điều tra băng đốt cháy, năm 1998, coi băng đốt cháy là nguồn năng lượng chiến lược của phát triển quốc gia và đưa vào kế hoạch dài hạn cấp quốc gia. Năm 1992, Nhật Bản bắt đầu quan tâm đến băng đốt cháy, hiện nay về cơ bản đã hoàn thành việc điều tra và đánh giá băng đốt cháy ở khu vực biển xung quanh quốc gia này.

Bắt đầu từ năm 2000, việc nghiên cứu và thăm dò băng đốt cháy ở mức cao trào, trên thế giới đã có hơn 30 quốc gia  và khu vực tham gia, trong đó có thể nói kế hoạch của Mỹ  là hoàn thiện nhất. Ủy ban Khoa học kỹ thuật của tổng thống Mỹ đã kiến nghị nghiên cứu khai phá băng đốt cháy. Thượng và Hạ viện Mỹ cũng có nhiều nghị sĩ đề xuất phương án ủng hộ nghiên cứu khai thác băng đốt cháy và một số công ty đã vào cuộc. Từ năm 2000 đến nay, hàng năm Mỹ đã sử dụng nguồn tài chính cho nghiên cứu khai thác băng đốt cháy lên tới trên 10 triệu USD/năm

Nguyễn Mau (theo Khoa học và môi trường)
.
.