Nguy cơ tấn công khủng bố các khu vực sản xuất hạt nhân của Mỹ

Thứ Tư, 13/04/2005, 07:44

Nguy cơ tấn công khủng bố có thể xảy ra ở tất cả 68 nhà máy điện hạt nhân tại 31 bang trên đất Mỹ, kể cả những nhà máy đã đóng cửa. Đó là chưa kể đến hậu quả khôn lường khi hàng ngàn lò phản ứng hạt nhân của Mỹ nằm sâu dưới lòng đất bị trúng bom khủng bố.

Hạt nhân - vấn đề nóng bỏng, gây nhiều tranh cãi và là cái cớ để Nhà Trắng nhằm vào các quốc gia "không ưng ý" với mình nay lại trở thành một mối đe dọa lớn đối với an ninh của nước Mỹ. Tạo hoá thật khéo xoay vần, bởi lẽ khi Mỹ còn chưa chuẩn bị hết cho mình khả năng đối phó với khủng bố hạt nhân thì các mạng lưới khủng bố lại đang lên kế hoạch cho những vụ tấn công mới.

Cái đau của Washington không phải là người nước ngoài mà chính những người trong nhà (Hiệp hội Khoa học quốc gia) đưa ra lời cảnh báo. Không phải tình báo, không phải quân đội hay cảnh sát, chỉ là những người nghiên cứu khoa học một cách thầm lặng, song kết quả mà họ thu được lại khiến cho Nhà Trắng giật mình sửng sốt.  Theo tính toán của các nhà khoa học, đối với các nhà máy hạt nhân có bể chứa ngầm dưới lòng đất thì nguy cơ khủng bố có giảm, song nó lại là một "quả bom" khổng lồ mà bọn khủng bố muốn nhắm tới.

Ngoài ra, chất thải hạt nhân được cất giữ tại 103 lò phản ứng hạt nhân của Mỹ cũng tiềm ẩn nguy cơ khủng bố rất cao. Chỉ cần một lượng nhỏ chất thải này bị đánh cắp, bọn khủng bố có thể sẽ chế tạo ra những loại bom mang tính chất huỷ diệt lớn. Báo cáo cũng cho biết, phương pháp tối ưu nhất mà bọn khủng bố có thể dùng là sử dụng máy bay chở bom đâm thẳng vào nhà máy hạt nhân hoặc lò phản ứng hạt nhân. Nếu vậy, sẽ xảy ra những vụ nổ lớn, khó kiểm soát được đám cháy và khả năng những chất thải hạt nhân phát tán, gây nguy hại cho nhiều người.

Sau vụ 11/9/2001, khủng bố được coi là mối lo hàng đầu của Mỹ. Vì vậy, ngay sau khi xuất hiện báo cáo của Hiệp hội Khoa học quốc gia, Ủy ban Kiểm tra hạt nhân của Mỹ lập tức yêu cầu phải chia sẻ thông tin giữa các nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân và đề nghị cảnh sát, quân đội chi viện thêm lực lượng bảo vệ, đề phòng bất trắc có thể xảy ra.

Tuy nhiên, phòng chống theo "kịch bản" này chưa chắc đã là phương pháp hữu hiệu. Các nhà khoa học cho rằng, Mỹ phải biết phòng ngừa từ chính nội bộ hoặc những người làm công trong khu vực sản xuất hạt nhân. Bảo vệ an ninh cho những nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân chưa bao giờ là muộn nhưng phải thấy rõ ràng trước đây đã có quá nhiều kẽ hở cho bọn khủng bố lợi dụng. Hơn nữa, ai có thể dám chắc được rằng, 90% số chất thải hạt nhân ở Mỹ hiện đang do tư nhân kiểm soát vẫn được đảm bảo an ninh

Huyền Chi
.
.