Xung đột Israel - Palestine:

Nguy cơ từ tranh chấp lãnh thổ thành chiến tranh tôn giáo

Thứ Năm, 03/08/2017, 09:34
Sự bế tắc liên quan tới khu vực thánh địa Jerusalem của người Hồi giáo và Do Thái báo hiệu rằng cuộc xung đột dai dẳng Israel - Palestine đang chuyển từ cái từng được coi là tranh chấp lãnh thổ sang thành tranh cãi tôn giáo, thậm chí nếu không kiểm soát, nó sẽ châm ngòi cho cuộc chiến tôn giáo.

Giới hạn đỏ Jerusalem

Cuộc khủng hoảng mới đây nhất ở một trong những điểm dễ “bắt lửa” nhất ở Trung Đông hiện đã được làm lắng dịu, song lại đẩy các lãnh đạo ở Israel, Jordan, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Arab tới các quan điểm cứng rắn hơn có thể dẫn tới những sự đối đầu mới.

Trong thông cáo của mình đưa ra cách đây ít ngày, Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Abul Gheit cảnh báo, Israel đang “đùa với lửa” khi áp dụng các biện pháp an ninh tại khu vực đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa (mà Israel gọi là Núi Đền), ở thành cổ Jerusalem.

“Jerusalem là lằn ranh đỏ. Không người Arab hay người Hồi giáo nào chấp nhận bị xâm phạm”, thông cáo viết. Chưa bao giờ thế giới Arab lại đoàn kết như vậy trước một Israel, kể từ năm 1967, năm nhiều nước trong khối Arab đã tấn công Israel và nhận phần thất bại.

Sự việc được bắt đầu từ ngày 14-7, 3 người Arập từ một khu lô cốt đã bắn súng vào các cảnh sát Israel làm 2 người thiệt mạng ở khu vực đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Vụ bắn súng này đã khiến cảnh sát Israel phải đứng chặn các lối vào khu vực đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa, để truy tìm vũ khí đối với những người mộ đạo khi họ vào khu vực do người Hồi giáo điều hành này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phê chuẩn đề nghị của phía cảnh sát về việc lắp đặt các máy dò kim loại trước sự phản đối của giới quân sự Israel và cơ quan an ninh quốc gia. Biện pháp mới này khiến người Hồi giáo lo ngại rằng Israel đang cố gắng mở rộng sự kiểm soát khu vực dưới chiêu bài an ninh - một cáo buộc mà Israel bác bỏ.

Núi Đền là một ngọn đồi tại thành cổ Jerusalem và là một trong những địa điểm tôn giáo quan trọng nhất thế giới, được cả người Do Thái, người Cơ Đốc giáo và người Hồi giáo tôn kính. Trên Núi Đền có một sân rộng hình thang dài gần 500 mét và rộng khoảng 300 mét, chiếm 1/6 diện tích của thành cổ Jerusalem. Trên sân rộng này có 2 đền thờ lớn của Hồi giáo được xây dựng.

Cảnh sát Israel bảo vệ khu vực đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa (mà Israel gọi là Núi Đền). Ảnh: Al Jazeera.

Theo thỏa ước nguyên trạng, do Hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Ðệ tam đưa ra vào năm 1853, khu vực Núi Đền thuộc quyền tài phán của Jordan. Kể từ khi Israel bắt đầu chiếm đóng vùng phía Đông Jerusalem và khu thành cổ Jerusalem vào năm 1967, người Do Thái đã được phép đến thăm vùng này, nhưng không được cầu nguyện.

Khu vực này được điều hành bởi các cơ quan chức năng Hồi giáo dưới sự giám hộ của Jordan. Trong thời gian gần đây, nhiều nhóm Do Thái tụ tập ngày càng nhiều tại khu vực này khiến người Hồi giáo lo sợ người Do Thái đang âm thầm muốn chiếm khu vực này.

Ai đang "đùa với lửa"?

Người Palestine ở Jerusalem, dưới sự lãnh đạo của các giáo sĩ Hồi giáo, đã bắt đầu tiến hành các buổi cầu nguyện đông đảo trên phố để phản đối, và 4 người Palestine đã bị giết trong các cuộc đụng độ với quân đội Israel và 1 người Palestine đã giết chết 3 thành viên trong một gia đình người Israel ở khu định cư Bờ Tây. Căng thẳng đã lắng xuống sau khi Israel dỡ bỏ các máy dò kim loại và các thiết bị khác. Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ.

Khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trở về sau chuyến thăm Trung Quốc, ông Abbas tuyên bố ngừng phối hợp an ninh với Israel cho đến khi tình hình ở khu thánh địa được khôi phục lại như trước ngày 14-7. Ở bên kia, ông Netanyahu bị mọi phía tấn công. Phe trung tả cáo buộc ông đã có những quyết định hấp tấp đối với một khu vực không ổn định, nơi đã từng gây ra rất nhiều vụ bạo lực giữa Israel và Palestine.

Ông Netanyahu đã đáp trả bằng một loạt tuyên bố cứng rắn. Ông ra lệnh khôi phục các kế hoạch xây dựng một khu định cư mới ở Bờ Tây và được cho là đã bật đèn xanh cho việc soạn thảo một văn bản đưa một số khu định cư Bờ Tây vào dưới sự quản lý của Israel. Ông cam kết “đánh bật Al Jazeera ra khỏi Israel”, cáo buộc đài vệ tinh đóng tại Qatar đã kích động bạo lực do cuộc khủng hoảng ở vùng thánh địa.

Và ông kêu gọi kết án tử hình, hình phạt mà Israel đã không sử dụng trong hơn nửa thế kỷ qua cho kẻ đã sát hại 3 người trong một gia đình Israel hôm 14-7. Khi cả ông Netanyahu và ông Abbas cũng lãnh đạo nhiều nước Arab đều có các quan điểm cứng rắn hơn, cơ hội để các cuộc đàm phán hòa bình dường như đang về con số 0.

Quốc vương Jordan Abdullah II đã công khai thể hiện sự tức giận trước cái mà ông gọi là hành vi “khiêu khích” của ông Netanyahu. Những lời nói gay gắt từ một nhà lãnh đạo Arab vốn có tiếng là chừng mực là do hai cuộc khủng hoảng diễn ra đồng thời trong quan hệ giữa hai nước và báo hiệu mối quan hệ nhạy cảm đã bị tác động. Liên đoàn Arab cáo buộc Israel đang "đùa với lửa" tại thành cổ Jerusalem.

Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Abul Gheit cáo buộc Chính phủ Israel đang có hành động phiêu lưu, đồng thời cho rằng hành động này có thể gây ra cuộc "khủng hoảng trong thế giới Hồi giáo và các nước Arab". Liên đoàn Arab và các nước khu vực hối thúc Israel tránh những chính sách làm căng thẳng tình hình có thể gây nguy cơ châm ngòi cho một “cuộc chiến tranh tôn giáo”.

Các ngoại trưởng Liên đoàn Arab đã lên án các kế hoạch và chính sách của Israel nhằm Do Thái hóa thành phố Jerusalem bị chiếm đóng, cũng như "bóp méo bản chất Arab và Hồi giáo" của thành phố này. AL cũng khẳng định: "Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Palestine Riad al-Malki tuyên bố những thách thức và nguy hiểm đối với Palestine nói chung và đặc biệt là Jerusalem đang trở nên lớn hơn bao giờ hết do các biện pháp chiếm đóng bất hợp pháp, ngày càng tăng mà Israel thực hiện.

Liên minh nghị viện Arab (AIPU) đã ra tuyên bố coi những biện pháp an ninh mà Israel áp dụng tại đền Al-Aqsa là "hành động hiếu chiến và khiêu khích của lực lượng chiếm đóng, và là một giai đoạn mới trong một loạt hành động nhằm tước đoạt các quyền của nhân dân Palestine".

Tuyên bố nêu rõ: "Các biện pháp này cũng như các vụ sát hại và trấn áp của Israel vi phạm quyền căn bản nhất của con người". AIPU cũng kêu gọi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) thể hiện trách nhiệm bảo vệ các mảnh đất của Palestine đã được công nhận là Di sản thế giới.

Liên quan tới các biện pháp an ninh gây tranh cãi của Israel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đánh giá quyết định của Israel loại bỏ máy dò kim loại tại khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa là một bước đi đúng hướng, nhưng vẫn chưa đủ. Phát biểu tại văn phòng tổng thống ở Ankara, ông Erdogan cáo buộc Israel đang "cố phá hủy bản chất Hồi giáo ở Jerusalem".

Ông cho rằng Israel nên tránh các chính sách nhằm đẩy khu vực này vào "lò lửa" và chấm dứt đe dọa người khác nếu muốn chung sống trong hòa bình trên thế giới này.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cảnh báo việc Israel cho triển khai các biện pháp an ninh đã cho thấy sự thiếu tôn trọng của Israel trước 2 đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa và đền thờ Mái vòm đá thuộc quần thể Haram al-Sharif mà phía Israel gọi là Núi Đền. Ông cảnh báo Israel sẽ phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề nhất vì điều này. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Israel cho rằng phát biểu của ông Erdogan là "ảo tưởng, vô căn cứ và méo mó".

Người dân Palestin phải hành lễ ở ngoài khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Ảnh: Dawn.

Sự việc đang vượt ra khỏi khu vực Trung Đông khi hàng nghìn người ủng hộ đảng bảo thủ Saadet của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30-7 đã tham gia tuần hành tại Istanbul nhằm phản đối các biện pháp an ninh gây tranh cãi do Israel triển khai tại khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Palestine.

Trong khi đó, Thủ tướng Jordan Hani Mulki khi hội đàm với người đồng cấp Ai Cập Sharif Ismail tại thủ đô Amman của Jordan đã cảnh báo chống lại các ý định thay đổi nguyên trạng tại đền Al-Aqsa. Hai bên nhấn mạnh Israel cần kiềm chế các biện pháp nhằm thay đổi nguyên trạng của ngôi đền, đồng thời kêu gọi tăng cường nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi dạng thức.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nói thêm, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi khẳng định Israel phải bảo đảm cho người Palestine thực hành quyền tự do tôn giáo của mình cũng như đảm bảo an ninh cho tất cả các thánh địa, đặc biệt là đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa.

Nhà ngoại giao Ai Cập cho rằng Israel đang khiêu khích người Arab và Hồi giáo trên toàn thế giới với các bước đi bất hợp pháp và khiến căng thẳng leo thang. Ai Cập yêu cầu Israel tuân thủ Công ước Geneva, trong đó cấm các hành động tấn công nhằm vào những nơi thờ tự.

Ông Shoukry cho biết thêm "hành động của Israel tiếp tục chiếm đóng các vùng lãnh thổ Palestine mà không có một kế hoạch rõ ràng cho hòa bình dựa trên giải pháp hai nhà nước sẽ gây thất vọng cho người dân Palestine và sẽ tác động mạnh mẽ đến khu vực". Các tổ chức khủng bố sẽ lợi dụng tình hình này để tuyển mộ thanh niên trong khu vực Arab.

Lo ngại trước những diễn biến có thể leo thang, trong một thông báo của Bộ Ngoại giao Ai Cập, Ngoại trưởng nước này Sameh Shoukry và người đồng cấp Jordan Ayman Safadi đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận về "những vi phạm nguy hiểm chống lại người Palestine của các lực lượng chiếm đóng Israel".

Cairo bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về những hậu quả sau khi Israel áp đặt các biện pháp an ninh ngày một leo thang cũng như "ác cảm mạnh mẽ" trước việc lực lượng an ninh Israel sử dụng vũ lực gây nhiều thương vong cho người dân Palestine.

Các chuyên gia nhận định, từ tranh chấp lãnh thổ tới thánh chiến không còn xa nếu các bên không kìm chế. Những diễn biến gần đây cho thấy xung đột ở vùng thánh địa không còn là tranh chấp lãnh thổ có thể giải quyết bằng các ý tưởng phân chia đất được nữa.

Những nỗ lực như vậy đã bế tắc từ 1 thập niên trước, và sự thiếu vắng một giải pháp đã tạo cho yếu tố tôn giáo một vai trò lớn hơn. Cuộc tranh cãi về vùng thánh địa đang ngày càng cho thấy nó đã trở thành một cuộc chiến “có tổng bằng không” giữa các tôn giáo.

Không có hòa bình trong một vỏ bọc quân sự

Giới lãnh đạo Israel chắc chắn nhận thấy họ đang ở trong một bối cảnh rất phức tạp về mặt chiến lược. Di sản của nhiều thập kỷ đối đầu vũ trang liên tục đã thúc đẩy các chính phủ kế tiếp của Israel dành ưu tiên cho việc duy trì an ninh thực địa. Các chiến dịch liên tiếp cố gắng hủy diệt nhà nước Do Thái của các quốc gia Arab cũng làm hằn sâu cảm giác của “căn bệnh hoang tưởng về an ninh” vào ký ức chung của cả đất nước.

Hệ quả là tính hợp pháp trước công chúng của các nhà lãnh đạo chính trị Israel chủ yếu gắn chặt với khả năng cung cấp và bảo vệ an ninh quốc gia của họ. Với việc nhiều lãnh đạo của Israel đảm nhận chức vụ chính trị sau khi giữ các vị trí trong quân đội, các quyết định chính trị được đưa ra mà liên quan tới an ninh quốc gia thường được diễn giải dưới lăng kính quân sự.

Thay vì coi sự chiếm đóng đang diễn ra ở Bờ Tây và sự phong tỏa Gaza như là nguyên nhân gốc rễ chiến lược cho sự bất mãn của người dân Palestine và cuối cùng tình trạng mất an ninh của Israel, Israel lại dựa vào các cách tiếp cận tác chiến ngắn hạn nhằm cung cấp an ninh quốc gia của mình. Trong khi tất cả các biện pháp này đều phục vụ mục tiêu của Israel là phục hồi an ninh quốc gia, bản thân chúng không phải là các biện pháp toàn diện và chúng cũng không phục vụ một chiến lược chính trị được xác định rõ ràng.

Nguyên nhân gốc rễ chiến lược của cuộc xung đột Israel-Palestine vẫn chưa được giải quyết trong khi ban lãnh đạo quân sự của Israel lại được giao phó nhiệm vụ gần như bất khả thi, đó là áp dụng nghệ thuật tác chiến để chữa trị các triệu chứng của thất bại chiến lược chính trị.

Khi vấn đề chiến lược là quyền tự quyết của người Palestine vẫn chưa được giải quyết, các giải pháp quân sự của Israel trên cấp độ tác chiến sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia của nước này về dài hạn, trong khi tạo gánh nặng xã hội với chi phí gia tăng của việc thiếu vắng hòa bình.

Hoa Huyền
.
.