Nguy cơ xung đột quân sự mới giữa Ấn Độ và Pakistan

Thứ Năm, 11/12/2008, 08:00
Sau một thời gian bàng hoàng vì vụ khủng bố đẫm máu tại Mumbai, Chính phủ Ấn Độ đã có những tuyên bố buộc tội phía Pakistan có dính líu đến thảm kịch trên. Cùng lúc đó, các báo chí địa phương tại quốc gia này cũng mở một chiến dịch khá quy mô cáo buộc Islamabad đứng đằng sau vụ khủng bố.

Trong một động thái phản ứng lại, Pakistan đã ban hành lệnh báo động chiến đấu, cũng như điều động một số đơn vị quân đội từ biên giới Afghanistan sang khu vực giáp ranh với Ấn Độ. Nhiều chuyên gia cho rằng, hai cường quốc hạt nhân tại Nam Á một lần nữa lại đứng trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh mới...

Theo thông báo chính thức của chính quyền, trong thảm kịch được ví là "11/9 của Ấn Độ" này đã có tổng cộng 183 người thiệt mạng, trong đó có 22 người nước ngoài. Cơ quan an ninh đã tiêu diệt được 9 tên khủng bố, và quan trọng hơn là đã bắt sống được một tên. 

Tên khủng bố 21 tuổi Amir Kassab đã đưa ra những lời khai quan trọng đầu tiên, và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh dựa vào đó đã công khai tuyên bố, những sự kiện đẫm máu tại Mumbai "có sự dính líu của một số thế lực nào đó tại Pakistan".

Trong khi các phương tiện truyền thông đại chúng tại địa phương đều khẳng định, đứng đằng sau vụ tấn công là nhóm Hồi giáo cực đoan Lashkar-e-Tayyiba từ Pakistan.

Nhóm Lashkar-e-Tayyiba - theo ý nghĩa là "Quân đoàn của những người chính giáo" - được cho là đã hình thành từ năm 1989 với sự hậu thuẫn trực tiếp của Cơ quan mật vụ Pakistan để tiến hành các hoạt động phá hoại tại khu vực Kashmir của Ấn Độ. Nhưng sau một thời gian, tổ chức này đã phát triển nhanh chóng và vươn tầm hoạt động ra ngoài phạm vi của bang này.

"Lễ ra mắt" thành công nhất của Lashkar-e-Tayyiba diễn ra vào tháng 12/2001, khi nhóm này tổ chức một vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội của Ấn Độ tại Delhi. Sau sự kiện này chừng một tháng, Chính phủ Pakistan dưới áp lực của Mỹ đã phải tuyên bố loại nhóm vũ trang này ra ngoài vòng pháp luật. Tuy nhiên một số chuyên gia vẫn cho rằng, Lashkar-e-Tayyiba vẫn có được một ảnh hưởng đáng kể trong hàng ngũ nhiều quan chức Pakistan.

Ấn Độ dù sao cũng tìm ra được một "Osama bin Laden" của riêng mình. Theo báo chí nước này, tên khủng bố bị bắt giữ đã khai rằng, hắn cùng các tay súng khác tham gia trong vụ Mumbai vừa qua đã từng được huấn luyện tại một căn cứ của Lashkar-e-Tayyiba ở Pakistan, dưới sự điều hành của Daud Ibrahim - một "bố già" nổi tiếng trong giới mafia của Ấn Độ.

Theo các cơ quan mật vụ phương Tây, Daud Ibrahim từng gây dựng được một tài sản lớn nhờ việc buôn lậu ma túy và buôn người. Tuy nhiên, hồi đầu những năm 90 thế kỷ XX, hắn quyết định tham gia thánh chiến.

Nhiều người cho rằng, chính Ibrahim là kẻ đứng đằng sau hàng loạt những vụ nổ bom cũng tại Mumbai vào ngày 12/3/1993 khiến 257 người thiệt mạng và 700 người bị thương. Sau khi Cơ quan mật vụ Ấn Độå tuyên bố truy nã, Ibrahim đã kịp trốn sang Pakistan.

Cũng có thông tin cho biết, hắn đã có dịp gặp trực tiếp với Osama bin Laden tại đây và được trùm khủng bố giúp đỡ tổ chức một kênh chuyển ma túy từ Afghanistan sang phương Tây. Phía Ấn Độ cho rằng, chính quyền Pakistan đã cố tình lờ đi mọi hoạt động tội phạm của Ibrahim, nếu như không nói là từng cộng tác với hắn.

Với tất cả những thông tin trên, nhiều chuyên gia bắt đầu tỏ ý lo ngại, đợt bùng phát tâm lý chống đối Pakistan tại Ấn Độ bắt nguồn từ vụ khủng bố tại Mumbai lần này rất có thể sẽ đưa hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân tới bờ vực của xung đột.

Công luận tại Ấn Độ từng lên tiếng cho rằng, chính phủ "quá mềm yếu" của Manmohan Singh cần phải "đặt Islamabad vào đúng chỗ" sau vụ đánh bom Đại sứ quán Ấn Độ tại Kabul hồi tháng 7 năm nay (hầu hết người dân Ấn Độ đều tin chắc Pakistan có đứng đằng sau sự kiện này).

Người dân Ấn Độ đang đòi hỏi phải trừng phạt những kẻ đứng đằng sau tội ác vừa tiến hành, mà theo họ đang bình an vô sự trên đất Pakistan. Đó là lý do khiến New Delhi đã chính thức ban hành tình trạng báo động và tăng cường các đơn vị quân đội dọc theo biên giới với Pakistan.

Phản ứng trước động thái trên, đại diện Tổng tư lệnh quân đội Pakistan cũng tuyên bố, đã ban bố lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu đối với tất cả các đơn vị quân đội để sẵn sàng giáng trả bất cứ hành động xâm lược nào từ bên ngoài. Một số đơn vị quân đội Pakistan trên khu vực biên giới với Afghanistan đang được khẩn trương điều động tới vùng biên giới với Ấn Độ.  Những nguy cơ trong cuộc đối đầu mới này giữa Ấn Độ và Pakistan không chỉ hiện diện riêng trong quan hệ giữa hai nước.

Theo đánh giá của các nhà quan sát, việc nhiều đơn vị của Pakistan rút khỏi khu vực biên giới Afghanistan rất có thể tạo điều kiện cho các phần tử khủng bố tràn sang từ phía Afghanistan, giành lại nhiều khu vực đã bị mất trước đó từ những chiến dịch của quân đội Pakistan. Hậu quả cuối cùng rất có thể sẽ khiến cả khu vực này rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế trước mắt chủ yếu là những lời kêu gọi cả hai bên cần kiềm chế, tránh nguy cơ xung đột. Tổng thống Pakistan Ali Zardari ngoài việc công khai tuyên bố lên án vụ khủng bố tại Mumbai cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác với chính quyền Ấn Độ trong hoạt động điều tra. Tuy nhiên, ông này cũng cảnh báo New Delhi không nên đưa ra "những kết luận vội vàng".

"Nếu như có bất cứ một bằng chứng rõ ràng nào liên quan đến một cá nhân hay tổ chức nào trên lãnh thổ Pakistan, tôi sẽ triển khai ngay một loạt các biện pháp công khai trước cả thế giới" - ông Zardari đã phát biểu như vậy trong một bài trả lời phỏng vấn truyền hình Ấn Độ.

Tất cả những đánh giá khách quan đều không nghi ngờ về việc, vụ khủng bố tại Mumbai vừa qua là nhằm phá hoại tiến trình hòa bình New Delhi-Islamabad.

Nhưng không loại trừ khả năng Ấn Độ nhân vụ việc này sẽ tăng cường áp lực quân sự nhằm buộc Pakistan phải mạnh tay hơn trong việc thanh toán các nhóm khủng bố.

Vấn đề là khi xung đột giữa hai bên nổ ra, những hậu quả chắc chắn sẽ khó có thể kiểm soát nổi.

Đó là lý do Ngoại trưởng Condoleezza Rice của Mỹ sẽ tới Ấn Độ vào giữa tuần này với một sứ mạng hòa bình mới đầy khó khăn

Hồng Sơn(Tổng hợp)
.
.