Nguyễn Đức Kiên: Từ ông bầu to tiếng đến tội phạm kinh tế

Chủ Nhật, 29/12/2013, 11:30

Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao vừa có cáo trạng truy tố Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm nguyên là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Theo cáo trạng này, bầu Kiên bị truy tố một loạt tội danh: "Kinh doanh trái phép", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Trốn thuế". Đằng sau vẻ thành đạt của ông bầu bóng đá nổi tiếng một thời này là tội phạm kinh tế….

Ông bầu nổi danh nhờ… "chém gió"

Cho tới bây giờ, hẳn nhiều người vẫn nhớ hình ảnh ông bầu của đội bóng Hà Nội ACB Nguyễn Đức Kiên "chém gió" tại Hội nghị tổng kết V-League 2011. Dù đã tham gia làng bóng đá trước đó cả chục năm, nhưng bầu Kiên chẳng có điểm gì nổi bật ngoài việc năm nào CLB của ông ta cũng trong tình cảnh mấp mé... xuống hạng.

Làm bóng đá, nhưng bầu Kiên không quan tâm tới việc đầu tư bài bản mà thường dùng cách của người đi buôn. Bắt đầu là chuyển đội Đường sắt Việt Nam thành CLB ACB năm 2000; sáp nhập với Hàng không Việt Nam thành LG.HN.ACB; tách một đội thành Hòa Phát Hà Nội. Năm 2011, CLB HN.ACB của bầu Kiên trụ hạng nhờ mua lại suất V.League của Hòa Phát Hà Nội.

Giỏi mua đi bán lại, nhưng các CLB của bầu Kiên chưa bao giờ thành một thế lực của bóng đá Việt.

Hơn 10 năm "chơi" bóng đá, bầu Kiên đã chứng minh ông ta không phải là ông bầu giỏi, thậm chí so với bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hiển thì có một khoảng cách lớn, không những thế, bầu Kiên còn nổi tiếng trong làng bóng là ông bầu ki bo. Vì thế, trước khi có màn "chém gió" tại lễ tổng kết V-League 2011, vị thế của bầu Kiên hầu như không có gì. Nhưng, tất cả đã thay đổi sau khi bài phát biểu của bầu Kiên đã chỉ ra nhưng yếu kém của nền bóng đá sau 10 năm được gọi là chuyên nghiệp cùng cách quản lý kém cỏi từ VFF tới CLB, toàn những điều ai cũng biết nhưng không ai dám nói.

Sau rất nhiều năm chờ đợi phải thay đổi, dư luận và người hâm mộ bóng đá Việt Nam, vốn đã chán cái kiểu điều hành của VFF, vì thế sau khi thấy ông Kiên đăng đàn "sỉ vả" không thương tiếc VFF đã ủng hộ nhiệt liệt và kỳ vọng ông ta sẽ là người tiên phong để thay đổi.

Sự hy vọng ấy càng tăng lên khi bầu Kiên đưa ra lộ trình ra đời Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) với những cách làm mới sẽ thay đổi toàn diện bóng đá Việt Nam. Thời điểm ấy, tất cả đều tin ông Kiên sẽ "làm được một cái gì đó" cho bóng đá Việt Nam.

Tuy nhiên, khi tất cả những kế hoạch mà ông Kiên đưa ra vẫn chỉ nằm trên giấy thì tháng 8/2012, ông Kiên bị khởi tố, bắt tạm giam.

Kinh doanh trái phép, trốn thuế và lừa đảo

Trước khi bị bắt, bầu Kiên là nhân vật khá bí ẩn, người ta không biết thực sự ông bầu tướng ngũ đoản với mái tóc bạc trắng này kiếm tiền bằng cách nào, vai trò của ông ở Ngân hàng ACB lớn đến đâu. 

Chỉ tới khi bầu Kiên bị bắt, những câu hỏi này mới dần được giải đáp.

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, năm 1993, Nguyễn Đức Kiên là cổ đông của Ngân hàng Thương mại CP Á Châu (Ngân hàng ACB). Ông Kiên và người thân sở hữu 937.96.506 cổ phần ACB, chiếm 9,03% vốn điều lệ, trong đó ông Kiên sở hữu 31.547.183 cổ phần, chiếm 3,37%.

Đến cuối năm 2007, Nguyễn Đức Kiên không tham gia HĐQT Ngân hàng ACB nhưng đề nghị HĐQT Ngân hàng ACB ra quyết định thành lập Hội đồng Sáng lập Ngân hàng ACB, do chính ông ta làm Phó chủ tịch. Hội đồng Sáng lập Ngân hàng ACB có chức năng tư vấn cho HĐQT; thành viên Hội đồng Sáng lập được tham gia và cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp của HĐQT và Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB, được cung cấp đầy đủ các tài liệu về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB.

Như vậy, tuy không giữ chức danh do Ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng với vị trí là Phó chủ tịch Hội đồng Sáng lập Ngân hàng ACB và đại diện nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ, Nguyễn Đức Kiên có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB.

Nguyễn Đức Kiên thành lập, đồng thời là Chủ tịch HĐQT/ Hội đồng thành viên của 6 công ty gồm: Công ty CP Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam; Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B; Công ty CP Tập đoàn Tài chính Á Châu AFG; Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội ACBI; Công ty CP Đầu tư Á Châu ACI và Công ty TNHH Đầu tư Á Châu Hà Nội ACI-HN.

Theo cáo trạng, Nguyễn Đức Kiên đã sử dụng 5 công ty B&B, AFG, ACBI, ACI, ACI-HN dù không có chức năng nhưng vẫn kinh doanh tài chính với số tiền gần 10.000 tỉ đồng. Cụ thể:

Công ty B&B có vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng, nhưng thực tế vốn góp là 1.460 tỉ đồng, đăng ký 6 ngành nghề kinh doanh, trong đó có kinh doanh vàng bạc, đá quý. Theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, Công ty B&B chỉ kinh doanh vàng theo giấy phép, còn lại thực hiện kinh doanh tài chính dù không được phép.

Ngày 30/11/2010, Nguyễn Đức Kiên đã phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu của Công ty B&B và bán cho ACB. Số tiền này, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Công ty B&B chuyển 426,3 tỉ đồng cho Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) để mua 36 triệu cổ phiếu của Công ty CP Bất động sản Hòa Phát - Á Châu. Nguyễn Đức Kiên ủy thác cho vợ là Đặng Ngọc Lan 39 tỉ đồng và hai cá nhân khác 285,6 tỉ đồng mua cổ phiếu của Ngân hàng CP Việt Nam  Thương tín (VietBank).

Còn lại, Nguyễn Đức Kiên ủy thác hoặc chuyển cho các công ty, cá nhân mua cổ phần của các công ty khác. Tổng cộng, Công ty B&B đã sử dụng gần 2.349 tỉ đồng mua cổ phần, góp vốn vào các công ty khác.

Tương tự, Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu có vốn điều lệ 3.200 tỉ đồng. Dù đăng ký kinh doanh hơn 10 ngành nghề, nhưng Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo công ty này kinh doanh vàng theo giấy phép, còn lại kinh doanh tài chính.

Tháng 3/2007, công ty sử dụng 3.200 tỉ đồng vốn điều lệ để mua 160.000 trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng ACB (giá 20.000.000 đồng/ 1 trái phiếu) từ 15 cá nhân theo Hợp đồng nhận chuyển nhượng trái phiếu.

Biệt thự của bầu Kiên ở Tây Hồ.

Tháng 3/2008, Công ty AFG phát hành 4.000.000 trái phiếu đợt 1, tổng giá trị 400 tỉ đồng bán cho Ngân hàng Thương mại CP Phương Nam và dùng số tiền này góp vốn 100 tỉ đồng vào Công ty ACI, góp vốn 300 tỉ đồng vào Công ty ACI-HN.

Công ty AFG còn góp vốn 63 tỉ đồng vào Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu; 195 tỉ đồng vào Công ty ACI-HN và góp vốn 210 tỉ  đồng vào Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI).--PageBreak--

Nguyễn Đức Kiên sử dụng pháp nhân Công ty CP Đầu tư ACB HÀ Nội (ACBI) phát hành 800 tỉ đồng trái phiếu bán cho ACB. Tiền thu được từ ACB, công ty này chi gần 700 tỉ đồng để nhận chuyển nhượng 9,67 triệu cổ phiếu Ngân hàng CP Kỹ thương (Techcombank) từ 12 cá nhân. Số còn lại, ACBI chuyển cho Công ty ACI vay để mua cổ phiếu Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Cùng với phát hành trái phiếu để mua cổ phiếu ngân hàng, bầu Kiên còn chỉ đạo ACBI đầu tư hàng trăm tỉ đồng và nắm cổ phần ở hàng loạt công ty.

Tại Công ty CP Đầu tư Á châu (ACI), sau khi nhận được hơn 190 tỉ đồng từ Công ty B&B, 63 tỉ đồng từ Công ty AFG, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo mua 37,5 triệu cổ phần của Công ty CP Đầu tư và thương mại Nhà Rồng, mua 6,375 triệu cổ phần của Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn.

Để đầu tư cổ phiếu Công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ngày 10/3/2008 ACI phát hành 500 tỉ đồng trái phiếu bán cho Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL. ACI chi 350 tỉ đồng cho 10 công ty để đầu tư cổ phiếu Sabeco.

Tương tự, Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu - Hà Nội (ACI-HN) cũng phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng để lấy tiền đầu tư tài chính. Ngày 29/7/2010, ACI-HN phát hành 350 tỉ đồng trái phiếu và bán cho VietBank, sau đó tiền được chuyển cho Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) để mua lại hơn 11 triệu cổ phiếu ACB.

Đến ngày 10/11/2010, ACI-HN phát hành 11 triệu trái phiếu, sau đó bán 6,5 triệu trái phiếu cho ACB được 650 tỉ đồng và chuyển cho các ông Nguyễn Văn Hòa (Kế toán trưởng ACB), Đỗ Minh Toàn (thành viên Hội đồng thành viên ACBS), Lê Vũ Kỳ, Huỳnh Vân Sơn để đứng tên thay cho Nguyễn Đức Kiên mua cổ phần Ngân hàng Đại Á (DaiABank). Một phần khoản tiền trên tiếp tục được ACI-HN ủy thác cho ACB 58,5 tỉ đồng để mua 58.500 cổ phiếu của VietBank.

Công ty ACI-HN sử dụng hơn 234 tỉ đồng mua 15.770.800 cổ phiếu Eximbank trên sàn giao dịch chứng khoán; sử dụng hơn 35,8 tỉ đồng tiền vay để mua 3.457.100 cổ phiếu Công ty Ximăng Bút Sơn trên sàn giao dịch chứng khoán.

Ngoài tiền bán trái phiếu, ACI-HN còn sử dụng tiền của mình, ủy thác cho ACB mua 17.500 cổ phiếu của VietBank; sử dụng 198 tỉ đồng thông qua các ông Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Đàm Văn Tuấn đứng tên mua 19,8 triệu cổ phiếu KienLongBank; sử dụng hơn 129 tỉ đồng và thông qua các ông Đỗ Minh Toàn, Nguyễn Văn Hòa, Huỳnh Vân Sơn để mua gần 20 triệu cổ phần DaiABank.

Không chỉ kinh doanh tài chính trái phép, từ tháng 5/2007 đến tháng 8/2012, Nguyễn Đức Kiên còn thông qua 6 công ty này để kinh doanh vàng trái phép với tổng số tiền hơn 21.490 tỉ  đồng.

Không những thế, trong năm 2009, Công ty B&B thực hiện các lệnh ủy thác cho ACB mua bán vàng trạng thái (còn gọi là vàng tài khoản) thu lãi hơn 100 tỉ đồng. Lợi dụng việc Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo vợ ký Hợp đồng và Phụ lục hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính, Công ty B&B đã chuyển lợi nhuận kinh doanh trạng thái vàng của công ty cho em gái Kiên là bà Nguyễn Thu Hương thụ hưởng để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỉ đồng.  

Không chỉ kiếm tiền bằng "nghề" kinh doanh trái phép trốn thuế, bầu Kiên còn tham gia cả vào việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong phi vụ này, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty ACBI ký hợp đồng thế chấp 22,497 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát cho ACB để đảm bảo việc Công ty ACBI phát hành trái phiếu trị giá 800 tỉ đồng tại Ngân hàng ACB, mặc dù chưa được sự đồng ý giải chấp của Ngân hàng ACB và Công ty ACBS nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo Trần Ngọc Thanh giám đốc và Nguyễn Thị Hải Yến kế toán trưởng lập khống Biên bản họp HĐQT, lập khống Quyết định của HĐQT và chỉnh sửa sai lệch thông tin về thời gian trên các văn bản của HĐQT thể hiện chủ trương Công ty ACBI bán 20.000.000 cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát cung cấp cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát.

Tháng 5/2012, Giám đốc đại diện Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát ký hợp đồng mua 20 triệu cổ phần này và chuyển 264 tỉ đồng cho ACBI. Nguyễn Đức Kiên sau đó đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền này.

Ngoài ra, bầu Kiên còn bị cáo buộc  "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" khi cùng Thường trực HĐQT ACB chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiết kiệm hơn 718,9 tỉ đồng vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè. Số tiền này sau đó bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, chiếm đoạt

Nguyễn Thiêm
.
.