Nhà nước Hồi giáo đang khiêu khích Mỹ dấn sâu hơn vào Iraq

Thứ Tư, 10/09/2014, 15:20

Sau vụ hành quyết nhà báo James Foley, Tổng thống Obama đang chịu áp lực nặng nề về chiến lược tại Iraq mà cho đến nay được thể hiện qua sự dè dặt trong việc làm suy yếu khả năng quân sự của Nhà nước Hồi giáo, ngoài các cuộc oanh kích hạn chế.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã cảnh báo: Nhà nước Hồi giáo (IS) tượng trưng cho một "mối đe dọa lâu dài vượt quá những gì mà người ta đã biết, kể cả Al-Qaeda. Phong trào này kết hợp lý tưởng và sự tinh nhuệ về kỹ năng quân sự, chiến thuật và chiến lược, đồng thời lại được tài trợ rất tốt. Các thành viên của IS đến từ phương Tây cũng có thể là một mối đe dọa nếu họ trở về châu Âu hay Mỹ. Nếu IS bành trướng khắp khu vực và định đặt một thể chế califat, khu vực Trung Đông sẽ bị thay đổi một cách sâu sắc, điều đó đe dọa nghiêm trọng môi trường an ninh. Do vậy sự can dự của Mỹ vào Iraq vẫn chưa kết thúc".

Hiện tại nỗ lực của Mỹ chỉ gói gọn trong 7 lần thả dù hàng cứu trợ cho các thường dân chạy loạn, khoảng 60 chuyến bay thám sát mỗi ngày và 89 vụ oanh kích các vị trí của IS ở phía bắc Iraq. Tướng Dempsey, Tham mưu trưởng liên quân Mỹ cũng có cùng ý kiến và cho rằng "Muốn thế phải tấn công tại Syria. Phải tấn công cả 2 bên biên giới Iraq-Syria vốn không còn hiện hữu nữa. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi Mỹ có một liên minh đủ khả năng chiến thắng IS".

Lầu Năm Góc cũng dự trù sẽ gửi thêm 300 quân sang Iraq theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng để bổ sung cho 800 quân hiện có tại thực địa nhưng Nhà Trắng chưa chấp thuận.

Sau vụ hành quyết nhà báo James Foley, Tổng thống Obama đang chịu áp lực nặng nề về chiến lược tại Iraq mà cho đến nay được thể hiện qua sự dè dặt trong việc làm suy yếu khả năng quân sự của Nhà nước Hồi giáo, ngoài các cuộc oanh kích hạn chế. "Vụ hành quyết nhà báo James Foley là cuộc khủng bố đầu tiên chống lại nước Mỹ mà phe thánh chiến cực đoan đã nhận trách nhiệm với ý đồ đe dọa" - cựu Phó Giám đốc CIA Michael Morell nhận định và cho rằng, Mỹ không nên giảm áp lực mà phải gia tăng các hoạt động.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, IS tìm cách khiêu khích để Mỹ tham gia nhiều hơn nữa vào cuộc chiến tại Iraq và hy vọng nhờ thế sẽ tuyển mộ được thêm chiến binh trong hàng ngũ cộng đồng Sunni tại Iraq. Điều này gợi ra một cuộc tranh cãi ở Mỹ và châu Âu về sự cần thiết phải đáp trả cứng rắn hơn trước một đạo quân khủng bố Hồi giáo đang tuyển quân tại châu Âu và Mỹ.

Các chuyên gia quân sự lấy làm tiếc về sự thiếu vắng một chiến lược toàn diện của Mỹ tại Iraq và dường như cái chết của James Foley không làm thay đổi sách lược tham gia hạn chế hiện nay.

Chiến binh Peshmerga canh gác tại con đập Mosoul.

Trong khi đó tại Iraq, trận chiến đập Mosoul đã kết thúc. Đó là chiến dịch liên hợp đầu tiên giữa các chiến binh Kurd, quân đội Iraq và quân đội Mỹ (hỗ trợ từ trên không). "Chúng tôi có 500 chiến binh Peshmerga phân ra 3 mặt trận với sự trợ giúp của 170 binh sĩ đặc nhiệm Iraq" - Masrour Barzani, chỉ huy chiến dịch chiếm lại đập Mossoul, cho biết.

Bộ Tham mưu Iraq cho biết rằng, một bộ chỉ huy phối hợp các chiến dịch đã được lập ra tại Erbil, nhưng chính lực lượng đặc nhiệm của Iraq đã mở cuộc tấn công trực tiếp, còn các chiến binh Peshmerga chỉ bảo vệ những ngôi làng lân cận. Phía người Kurd đã bác bỏ lời tuyên bố đó.

"Nhờ không quân Mỹ oanh kích nên chúng tôi có thể tiến công. Chiến dịch là một chiến thắng của quân Peshmerga và họ đang kiểm soát con đập" - một cố vấn bên cạnh Chính phủ Kurdistan cho biết.

"Con đập Mossoul và nhiều nơi khác là vùng đất của người Arập. Nếu người Kurd đòi hỏi quá mức, họ sẽ đối mặt với nhiều vấn đề. Hiện thời người ta đang trợ giúp họ. Nhưng họ đã liều lĩnh khi chiếm lấy tất cả các đất đai đó" - chuyên gia Denise Natali của Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc gia ở Washington giải thích. Sự tham lam của người Kurd khiến chính quyền trung ương Iraq lo lắng và muốn giám sát kỹ hơn số vũ khí cung cấp cho người Kurd. Nhưng giữa Iraq và Mỹ đã có một sự tiến triển: máy bay của Mỹ giờ đây có thể cất cánh từ những căn cứ của Iraq, từ đó có thể tấn công trên đất Syria.

Tuy Chính phủ Mỹ vẫn lo ngại một sự tái sa lầy tại Iraq và Tổng thống Obama có vẻ như đang hướng đến một sự can thiệp quan trọng hơn và về lâu dài trước mối hiểm nguy IS. Theo hướng đó, Mỹ sẽ gia tăng các chiến dịch chống khủng bố với sự tham gia của những đồng minh châu Âu và Trung Đông. Cho đến nay, mục tiêu của sự can thiệp dường như chỉ là ngăn chặn thay vì hủy diệt. Tướng Martin Dempsey đã ngụ ý rằng, Mỹ có thể tấn công trên lãnh thổ Syria để chống lại phong trào thánh chiến hơn 10.000 người đó.

Một cố vấn an ninh quốc gia ở Nhà Trắng cho biết: "Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ người dân Mỹ và để công lý được thực thi sau cái chết của phóng viên James Foley. Chúng tôi đang xem xét những gì cần thiết để đáp trả lại mối đe dọa đó và sẽ không bị hạn chế bởi các đường biên giới".

Vụ hành quyết dã man phóng viên James Foley hiển nhiên đã đóng vai trò kích động, nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ quay ngoắt 1800, thậm chí có thể hợp tác với Tổng thống Al-Assad như nhiều người nghĩ. "Đây là một loạt các bước đi thận trọng, logic và thực tiễn nhằm đánh vào tim của phong trào IS" - chuyên gia Brian Katulis ở Trung tâm Vì sự tiến bộ Mỹ nhận định.

Ông cho rằng, nhờ sự phẫn nộ của dân chúng từ vụ hành quyết phóng viên James Foley, Tổng thống Obama có thể lấy lý do bảo vệ kiều dân Mỹ để biện minh cho những vụ tấn công trên lãnh thổ Syria. Nhưng cũng không có chuyện đưa bộ binh vào Iraq. Cho đến nay chiến lược của Tổng thống Obama là nhằm làm nhẹ áp lực trên các chiến binh Peshmerga và tạo sức ép để chính phủ Iraq thiết lập một quân đội phi sắc tộc, có thể hòa hợp người Sunni và chống lại IS.

Đồng thời chính quyền Mỹ cũng muốn nhắc nhở các đối tác trong khu vực Vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu nên cắt đứt sự trợ giúp về chính trị, ngoại giao và tài chính cho Nhà nước califat. Các nước Vùng Vịnh được hối thúc làm cạn kiệt nguồn tài trợ cho phiến quân thánh chiến, Thổ Nhĩ Kỳ được yêu cầu đóng biên giới để ngăn chặn phiến quân thánh chiến châu Âu đi sang Syria

Minh Luân (tổng hợp)
.
.