Nhà soạn nhạc Beethoven chết vì nhiễm độc chì

Thứ Ba, 27/12/2005, 07:17

Các nhà khoa học cũng không tìm thấy thủy ngân trong cơ thể của Beethoven, như vậy có thể loại trừ giả thiết từ lâu nay rằng ông bị chết bởi bệnh giang mai, căn bệnh thời đó thường được chữa trị bằng thủy ngân.

Sử dụng tia X-quang chiếu vào những sợi tóc và một vài mảnh xương sọ của nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven, các nhà khoa học thuộc Phòng Thí nghiệm quốc gia Argonne, Bộ Năng lượng Mỹ khẳng định đã thu được kết quả chứng minh nhà soạn nhạc thiên tài này đã bị giảm sút sức khỏe hàng chục năm rồi chết trong đau đớn vì nhiễm độc chì vào năm 1827 ở tuổi 56.

“Không nghi ngờ gì nữa... theo tôi ông ấy đã bị nhiễm độc chì”, Bill Walsh, chuyên gia giám định tư pháp và là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. Tuy nhiên, lượng chì mà Beethoven bị nhiễm xuất phát từ đâu thì vẫn còn là điều bí ẩn.

Các nhà khoa học cũng không tìm thấy thủy ngân trong cơ thể của Beethoven, như vậy có thể loại trừ giả thiết từ lâu nay rằng ông bị chết bởi bệnh giang mai, căn bệnh thời đó thường được chữa trị bằng thủy ngân. “Chúng tôi không tìm thấy thủy ngân, như vậy Beethoven không phải bị chết vì căn bệnh trác táng này”, ông Wash nói.

Các nhà khoa học tại Phòng nghiên cứu Argonne đã sử dụng thiết bị nguồn photon công nghệ cao bắn ra các hạt nguyên tử chạy xung quanh một rãnh vòng tròn có chiều dài khoảng nửa dặm với vận tốc gần bằng tốc độ ánh sáng. Khi các hạt electron này đập mạnh vào một chiếc ống, chúng sẽ tạo ra các tia X có độ sáng gấp 100 lần so với ánh sáng mặt trời. Các nhà khoa học có thể chỉnh các tia này hướng vào những mẫu vật nhỏ xíu cần phân tích.

Khi các tia X này đập vào các phân tử trong một mẫu, chúng sẽ làm bật ra các hạt electron, làm phát sinh một năng lượng là dấu hiệu cho thấy loại phân tử tồn tại trong mẫu phân tích. Qua đó họ kết luận, rất nhiều phân tử trong cơ thể của Beethoven là phân tử chì. Lượng chì có trong các mẫu tóc cao hơn bình thường tới 100 lần.

Nhiều năm trước khi nghiên cứu về Beethoven, nhiều người đã đi đến kết luận sức khỏe ông suy sụp ngay từ khi đang ở độ tuổi 20 và ngày càng trở nên tồi tệ. Ông thường đau bụng dữ dội, biểu hiện của nhiễm độc chì. Tới gần 30 tuổi thì ông bị điếc, một căn bệnh khiến các nhà khoa học phân vân bởi điếc hiếm khi liên quan tới việc bị nhiễm độc chì. Nhưng do sức khỏe của Beethoven tồi tệ nên cũng có thể chính các phương pháp và các loại thuốc chữa trị đã khiến cơ thể ông bị nhiễm độc chì. Cũng có thể một số thuốc của ông bị nhiễm chì từ những chai thủy tinh bị nhiễm chì.

Mặc dù kết quả nghiên cứu mới không tìm ra nguyên nhân nhà soạn nhạc Beethoven bị nhiễm chì, nhưng đây cũng là một đóng góp quan trọng làm sáng tỏ nguyên nhân cái chết của ông bằng các phương pháp khoa học chứ không phải chỉ bằng những lối suy diễn từ các triệu chứng căn bệnh của Beethoven

Hà Trần (theo Washington Post)
.
.