Nhân loại trước nỗi lo biến đổi khí hậu và nước biển dâng

Thứ Ba, 22/07/2008, 16:00
Nhân loại đang đối mặt với sự biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến hết sức phức tạp. Cùng với sự nóng lên của trái đất, hiện tượng băng tan, thời tiết biến động bất thường, nước biển dâng cao, hạn hán, rét đậm kéo dài và những trận bão lũ, sóng thần, động đất gây thảm họa ở một số quốc gia trong thời gian gần đây là một minh chứng cụ thể. Đằng sau sự biến đổi đó là dịch bệnh, lương thực, thực phẩm thiếu hụt...

Chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng thế giới, một cuộc hội thảo tham vấn về "Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng" vừa được Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức tại Việt Nam.

Mặc dù các nhà khoa học trên thế giới đã quan tâm đến vấn đề BĐKH từ lâu, nhưng đến đầu thế kỷ XXI mới thu thập được những chứng cứ chứng minh hành vi của con người xâm hại môi trường trái đất, mà cụ thể là nạn phá rừng hoành hành ở nhiều quốc gia; việc sử dụng than đá, dầu hỏa và tốc độ phát triển công nghiệp hóa đã đẩy vào bầu khí quyển nhiều loại khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân chính khiến cho trái đất nóng dần lên. Và sau những cuộc hội thảo quốc tế, nhiều nước đã có những động thái tích cực như xây dựng chiến lược, triển khai thực hiện các chương trình hành động quốc gia ứng phó với BĐKH.

Tuy nhiên, các nhà khoa học trên thế giới vẫn bày tỏ sự lo ngại khi kết quả quan trắc nhiệt độ cho thấy, chưa bao giờ sự nóng lên toàn cầu của hệ thống khí hậu làm cho băng tuyết tan nhanh  trên diện rộng đã dẫn đến sự dâng cao của mực nước biển.

Theo các báo cáo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cho thấy, trong vòng một thế kỷ qua, nhiệt độ trung bình tăng 0,74oC, chỉ riêng nửa thế kỷ gần đây, mỗi thập niên nhiệt độ trung bình tăng lên 0,13oC. Từ năm 1980 đến nay, ở vùng Bắc Cực nhiệt độ trung bình tăng 1,5oC, nên lớp băng vĩnh cữu trên đỉnh Bắc bán cầu cũng tăng lên 3oC. Tính theo chuỗi quan trắc từ năm 1850 đến nay, thì 10 năm gần đây là khoảng thời gian nóng nhất.

Trở lại với vấn đề băng tuyết tan, thời gian 40 năm (1962-2003) tăng 1,8mm mỗi năm, thì 10 năm cuối của khoảng thời gian nêu trên (1993-2003) mực nước biển trung bình tăng mỗi năm 3,1mm. Các kết quả quan sát từ vệ tinh đã xác định các lớp băng ở Bắc Cực, Nam Cực, Greenland và một số núi băng ở Trung Quốc đã thu hẹp dần do tan chảy bởi sự nóng lên của khí hậu.

Việt Nam cũng là 1 trong 4 quốc gia không nằm ngoài sự ảnh hưởng của BĐKH và mực nước biển dâng cao. Trong khoảng thời gian 70 năm gần đây (1931-2000), mỗi năm nhiệt độ trung bình ở Việt Nam tăng lên 0,7oC, số đợt không khí lạnh giảm hẳn, trong khi đó số cơn bão mạnh đang có xu hướng gia tăng và diễn biến hết sức bất thường.

Con số thống kê của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho thấy, trong hai thập niên qua, số đợt không khí lạnh 29 đợt mỗi năm trong chuỗi thời gian 10 năm (1971-1980) đã giảm xuống còn 16 đợt mỗi năm trong giai đoạn 1994-2007. Mùa bão kết thúc muộn dần, quỹ đạo của bão bất thường, khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ phải chịu ảnh hưởng nhiều cơn bão hình thành ngoài biển Đông. Ở miền Bắc, lượng mưa phùn mỗi năm 30 ngày,  từ năm 1961 đến 1970. Từ năm 1991 đến 2000 giảm xuống còn 15 ngày.

Hiện tượng hoang mạc hóa đã xuất hiện do lượng mưa giảm và biến đổi không nhất quán ở các vùng, miền, hạn hán xảy ra trên diện rộng và tập trung ở khu vực Nam Trung Bộ.

Hàng chục năm gần đây, hiện tượng Nino và Nina đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với Việt Nam, dẫn đến những đợt rét đậm hoặc nắng nóng kéo dài hơn so với trước. Theo dự báo của các nhà khoa học ở Việt Nam, đến năm 2010, số đợt và số ngày nắng nóng tăng lên, đẩy nhiệt độ trung bình ở nước ta lên khoảng 30oC, theo đó mực nước biển dâng cao khoảng 1m. Lúc đó, hậu quả nước biển dâng sẽ là vấn đề đáng lo ngại, vì nước mặn sẽ xâm thực vào đất liền không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến nguồn nước ngầm tự nhiên, nước sinh hoạt mà còn xâm hại đất sản xuất, ít nhất khoảng 12,2% diện tích đất liền là nơi cư trú của 23% dân số sẽ bị nước biển "chiếm dụng".

Hiện tượng BĐKH và nước biển dâng sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Dự báo có khoảng 45% diện tích đất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn cục bộ vào năm 2030, đương nhiên sản xuất nông-lâm-công nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt hải sản sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn. Nghiêm trọng hơn nữa là sự khan hiếm nước ngọt, thiếu thốn lương thực và dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm cũng sẽ phát sinh do hậu quả nước biển dâng.

Cũng theo các nhà khoa học, dự báo có khoảng 1,8 tỉ người trên hành tinh gặp khó khăn về nước sạch, 600 triệu người trên thế giới suy dinh dưỡng do thiếu lương thực khi sự BĐKH trên toàn cầu xảy ra trong những năm tới.

Mới đây, nhóm các nước công nghiệp phát triển đã thỏa thuận đầu tư hơn 10 tỉ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ chống nguy cơ nóng lên toàn cầu. Theo đó, những cuộc nghiên cứu chôn khí CO2 vào lòng đất được các nhà khoa học trên thế giới chính thức thông qua tại Hội nghị cấp cao G8 tổ chức tại Nhật Bản từ ngày 7 đến 9/7-2008. Cũng tại hội nghị này, mục tiêu giảm thiểu khí nhà kính được đặt ra cho từng quốc gia từ năm 2013. Chính vì vậy việc xây dựng một "Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và nước biển dâng" là vấn đề hết sức cấp thiết, mà các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chung tay ứng phó

Phan Thế Hữu Toàn
.
.