Nhật Bản: Chiến lược an ninh nhằm vào Trung Quốc

Chủ Nhật, 29/12/2013, 10:20

Lần đầu tiên Nhật Bản đề ra một chiến lược an ninh quốc gia, và đối tượng được nhắm tới là Trung Quốc; Tokyo chủ động đề xuất hòa hoãn với Nga về tranh chấp biên giới. Đó là những diễn biến mới nhất cho thấy Nhật Bản đã dồn tất cả cho việc chống lại Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải.

Chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập một vùng nhận dạng phòng không mới trên biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản, chính quyền Tokyo hôm 17/12 đã chính thức thông báo gia tăng đáng kể ngân sách quốc phòng, và nhất là thông qua một chiến lược an ninh quốc gia. Theo đó, kế hoạch quốc phòng cho 5 năm tới lên gần 240 tỉ USD, tăng 5% so với chi phí quân sự năm 2012, đã được tăng 2% sau 11 năm không thay đổi.

Trong bối cảnh quan hệ Nhật - Trung vốn đã không thuận thảo do tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chiến lược mới của Nhật Bản rõ ràng là nhằm củng cố mạnh mẽ hệ thống phòng thủ của mình.

Yếu tố đáng chú ý trong chiến lược này là không chỉ nêu lên một cách chung chung "các thách thức phức tạp và nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia", mà còn đặc biệt nói đến Trung Quốc với "các mưu toan thay đổi hiện trạng bằng sự ép buộc", và sự cần thiết phải "lấy lại và gìn giữ không chậm trễ" các hải đảo xa xôi nếu bị xâm chiếm.

Chiến lược an ninh quốc gia Nhật Bản dự trù tăng ngân sách quốc phòng, chủ yếu dùng để mua thêm thiết bị, vũ khí, nhưng không phải bất kỳ loại nào, mà tập trung vào những phương tiện chuyên dùng trong việc bảo vệ biển đảo, nâng cao năng lực kiểm soát vùng biển và vùng trời ở khu vực quần đảo đang bị Trung Quốc nhòm ngó.

Cụ thể, Nhật sẽ mua thêm 7 khu trục hạm, nâng tổng số tàu chiến loại này lên thành 54 chiếc; thêm 6 tàu ngầm (nâng tổng số lên 22). Một phi đội thứ hai gồm 20 chiến đấu cơ F-15 sẽ được triển khai trên đảo Okinawa, gần vùng Senkaku, cùng với loại máy bay cảnh báo sớm. Quân đội Nhật Bản sẽ cung cấp thêm máy bay không người lái cho lực lượng không quân, và sẽ lần đầu tiên thành lập một lực lượng Thủy quân lục chiến theo mô hình Mỹ.

Điểm đáng chú ý thứ hai trong chiến lược mới của Nhật, đó là Trung Quốc tiếp tục được nêu đích danh trong tài liệu - mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi là "lịch sử" - khi hứa hẹn rằng Nhật Bản sẽ đáp ứng "một cách bình tĩnh nhưng kiên quyết trước đà mở rộng và tăng cường nhanh chóng của các hoạt động hàng hải và hàng không của Trung Quốc".

Tuy nhiên, các nhà phân tích đã ghi nhận một sự thiếu vắng quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhật Bản, đó là không thấy nói đến khả năng "tấn công trước để phòng ngừa", một khái niệm từng được nhiều chính khách trong đảng Dân chủ Tự do của ông Abe ủng hộ, chẳng hạn như tấn công trước vào các căn cứ tên lửa của Triều Tiên, để ngăn ngừa một cuộc tấn công của Bình Nhưỡng.

Giới phân tích nhận định, sự thiếu vắng này chứng tỏ rằng Tokyo biết tự kiềm chế, vì nếu khả năng này được ghi trong chiến lược an ninh của Nhật Bản, điều đó sẽ đánh động các láng giềng của Nhật. Tuy nhiên, chiến lược an ninh quốc gia Nhật Bản được rà soát lại hàng năm, do đó, theo một quan chức chính phủ, việc thiết lập một lực lượng tấn công phủ đầu hoàn toàn có thể được đưa vào chiến lược vào năm tới.

Tàu tuần duyên Trung Quốc xâm nhập vùng biển chung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, ngày 22/12 vừa qua.

Ngay khi chiến lược này được công bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Tokyo "thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc". Bắc Kinh lại càng tức giận hơn sau nhận định của Thủ tướng Abe nhân Hội nghị Thượng đỉnh tại Tokyo với các lãnh đạo Đông Nam Á trong hai ngày 13 và 14/12. Ông Abe khi ấy đã khuyên các đồng nhiệm, trong đó có lãnh đạo 4 nước hiện đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông, là phải coi vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc trên biển Hoa Đông là một vấn đề đáng quan ngại đối với toàn khu vực.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Nhật Bản là đã "vu khống" Trung Quốc một cách thâm hiểm. Theo giới quan sát, cái đặc biệt đau đớn cho Trung Quốc là các nước Đông Nam Á chắc hẳn đã cho rằng ông Abe có lý.

Chưa dừng lại ở đó, chỉ vài hôm sau khi thông qua chiến lược an ninh quốc gia, Nhật Bản đã khai trương một cuộc đối thoại chiến lược với Nga. Sự kiện này là một dấu hiệu mới khẳng định sự chuyển hướng chiến lược phòng thủ của Tokyo, hòa hoãn với Nga ở mặt bắc, để dồn sức xuống phía nam.

Một cách kín đáo, ngày 21/12 vừa qua, Ngoại trưởng Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã gặp gỡ các đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov và Sergei Shoigu tại nhà khách của chính phủ ở Tokyo. Nhân cuộc họp gọi là 2+2 này, Nhật Bản và Nga đã đồng ý hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và hải tặc, tăng cường đối thoại trong lĩnh vực an ninh tin học.

Một cách cụ thể, hai bên sẽ tổ chức các cuộc tập trận hải quân hỗn hợp để nâng cao năng lực hợp tác chống khủng bố và cướp biển, đồng thời khởi động cơ chế "Đối thoại an ninh mạng Nhật-Nga", cũng như đẩy mạnh các cuộc thảo luận khác về an ninh và quốc phòng, trong đó có các cuộc họp cấp bộ.

Đối thoại cấp cao liên Bộ Ngoại giao - Quốc phòng là một cơ chế thảo luận về an ninh, từng được Nhật Bản áp dụng với nhiều nước, đặc biệt là với các đồng minh nặng ký như Mỹ, Úc. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên mà cơ chế này được Nhật Bản khai mở với Nga, nước cũng đang có tranh chấp với Nhật tại một vùng quần đảo mà Tokyo muốn đòi lại.

Theo giới phân tích, các cố gắng của Nhật Bản nhằm cải thiện bang giao với Nga phải được lồng vào trong bối cảnh quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh căng thẳng hẳn lên trong thời gian gần đây. Bị Trung Quốc ép ở vùng biển đảo Senkaku/Điếu Ngư ở phía nam, Nhật Bản cần phải mưu cầu sự hòa dịu ở phía bắc để rảnh tay dồn lực đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng ở phía nam đến từ Trung Quốc.

Không phải là ngẫu nhiên mà nhịp độ gặp gỡ giữa các lãnh đạo Nhật - Nga trong những tháng gần đây càng lúc càng dồn dập. Trong 6 tháng vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có đến 4 lần tiếp xúc tay đôi. Đây quả là một tần số bất thường đối với những cuộc gặp cấp cao như vậy. Hai ông Abe và Putin đã có vẻ rất tâm đầu ý hợp.

Tóm lại, chiến lược của Tokyo càng lúc càng rõ nét: hòa hoãn với đối thủ ở phương bắc, đồng thời tìm cách liên kết với tất cả các nước ở phía nam cùng chung một suy nghĩ với mình. Dĩ nhiên là trên bình diện chính thức, Tokyo không thể nào nêu bật dụng tâm của mình.

Sau cuộc họp đánh đấu sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Tokyo và Moskva trong lĩnh vực an ninh vào cuối tuần qua, Ngoại trưởng Kishida đã nhấn mạnh rằng đối thoại song phương Nhật - Nga không hề nhằm giải quyết một vấn đề, cũng như không hề nhắm vào một quốc gia cụ thể nào

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.