Nhật Bản: “Cuộc khủng hoảng ngôi báu” sẽ chấm dứt?

Thứ Tư, 15/02/2006, 09:15

Tin con dâu thứ của Nhật hoàng - Công nương Kiko - có bầu được cả nước đón nhận với một tâm trạng hết sức đặc biệt. Hy vọng về việc Công nương Kiko sẽ sinh con trai rất có thể sẽ trở thành yếu tố chính giúp giải quyết "cuộc khủng hoảng ngôi báu" đang có nguy cơ tác động sâu sắc đến chính trường Nhật Bản.

Chỉ mới trước đó vài ngày, một nhóm bộ trưởng đã công khai lên tiếng chống đối Thủ tướng Junichiro Koizumi, sau khi ông dự định thay đổi Hiến pháp để cho phép phụ nữ có thể lên ngai vàng tại Nhật Bản. Hậu quả của vụ bê bối này từng được đánh giá là rất khó có thể lường trước - từ nguy cơ chia rẽ mới trong thành phần đảng cầm quyền cho tới khả năng về một vụ ly hôn đầu tiên trong Hoàng gia Nhật Bản...

Tin tức tốt lành trên do Hãng thông tấn NHK thông báo đã nhận được những tràng pháo tay rầm rộ ngay giữa phiên họp của Quốc hội, nơi đang có mặt Thủ tướng Koizumi. Thậm chí, thủ lĩnh Okada của đảng Dân chủ đối lập còn đề nghị “ăn mừng nhân dịp có tin lành này cùng với nhân dân”.

Sự vui mừng của người Nhật đối với cái tin Công nương Kiko có bầu không có gì là quá khó hiểu. Từ vài năm gần đây, người ta ngày càng bàn tán nhiều về một cuộc khủng hoảng ngai vàng thực sự trong Hoàng gia Nhật. Vấn đề là con trai cả của Nhật hoàng - Thái tử Narushito - cũng mới chỉ có một con gái là Công chúa Aiko. Trong khi con trai thứ - Hoàng tử Akishino cùng Công nương Kiko lại có toàn con gái.

Theo Hiến pháp Nhật được phê chuẩn từ năm 1947, chỉ đàn ông mới được lên kế vị ngai vàng. Vấn đề là trong Hoàng gia Nhật đã không hề có con trai từ suốt 40 năm qua, khiến nguy cơ không có người nối ngai vàng rất có thể trở thành sự thực.

Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Koizumi đã đưa ra đề xuất thay đổi Hiến pháp để cho phép phụ nữ cũng có thể lên ngai vàng. Dự định này đã nhận được sự ủng hộ đông đảo trong xã hội Nhật (kết quả thăm dò cho thấy có 63% người Nhật ủng hộ). Tuy nhiên, trong hàng ngũ các chính trị gia cao cấp lại có quan điểm hoàn toàn khác.

Tuần vừa rồi, một nhóm các bộ trưởng (đứng đầu là Bộ trưởng Ngoại giao Taro Aso) đã công khai lên tiếng phản đối dự luật của ông Koizumi. Những người chống đối (có không ít thuộc hàng ngũ đảng cầm quyền) cho rằng, dự luật mới có thể phá vỡ truyền thống gia hệ của hoàng gia, hay có thể giúp đưa lên ngôi một đứa con có dòng máu ngoại lai (nếu như nữ hoàng được nối ngôi trong thời gian học tập ở nước ngoài lại lấy chồng tại đó).

Thế là sau thắng lợi thuyết phục trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, ông Koizumi lại phải tiếp tục đối đầu với một thử thách chính trị mới, lần này lại từ chính những người có khả năng kế vị ông vào thời gian tới. Nhóm chống đối dường như còn sẵn sàng cho những bước đối đầu quyết liệt hơn. Thậm chí có tin đồn họ sẽ sẵn sàng từ chức hàng loạt, nếu ông Koizumi cố tìm cách thông qua đạo luật về kế vị mới.

Nhiều tờ báo Nhật quả quyết, Công nương Masako dường như không chịu nổi với cuộc sống nhàm chán trong cung đình, cũng như với áp lực về việc không thể sinh con trai. Đó là những lý do khiến tin vui của Công nương Kiko đã có tác dụng quan trọng như thế nào đối với chính trường Nhật. Thủ tướng Koizumi cũng cho biết sẽ rất có thể tạm hoãn việc đưa ra xem xét dự luật kế vị ngai vàng một thời gian trong một nỗ lực nhằm hàn gắn những rạn nứt trong nội các cầm quyền

Đinh Linh (Tổng hợp)
.
.