Nhật Bản cải tổ nội các để có “chính phủ mạnh nhất”

Thứ Bảy, 22/01/2011, 13:20
Ngày 14/1 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã tiến hành cải tổ nội các để thành lập "chính phủ mạnh nhất", với mục đích khôi phục lòng tin của người dân và tìm kiếm sự hợp tác của phe đối lập đối với dự thảo ngân sách cho năm tài khóa 2011 và các dự luật quan trọng khác mà chính phủ đệ trình trong kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Đây là lần thứ hai ông Naoto Kan cải tổ nội các kể từ khi nhậm chức tháng 6/2010. Nội các mới của ông Naoto Kan, cũng giống như lần trước, gồm 17 thành viên, trong đó 4 vị bộ trưởng được thay thế. Các vị trí chủ chốt như: Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và Tài chính, vẫn được giữ nguyên. Xét về tổng thế, Thủ tướng Kan muốn thông qua lần "thay máu" nội các này để nỗ lực vực dậy nền kinh tế và mở rộng tự do thương mại nhằm giữ vững sự cạnh tranh toàn cầu.

Điểm sáng lớn nhất trong lần cải tổ này là nội các mới chứng kiến sự có mặt của cựu Bộ trưởng Tài chính Kaoru Yosano. Ông Yosano đã ly khai khỏi LDP (Dân chủ Tự do) để thành lập đảng Bình minh Nhật Bản (SPJ) vào tháng 4/2010. Ông Yosano, 72 tuổi, người chủ trương ủng hộ việc tăng thuế tiêu dùng nhằm bù đắp chi phí an sinh xã hội đang ngày càng gia tăng, được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh phụ trách chính sách kinh tế - tài chính và cải cách an sinh xã hội.

"Lần cải tổ nội các này diễn ra đúng vào thời điểm khó khăn đối với Nhật Bản. Nội các mới đảm bảo sự cân bằng giữa già và trẻ. Điều này cho phép mỗi người trong chúng ta làm việc tốt hơn" - Yukio Edano, tân Phát ngôn viên chính phủ Nhật, cho biết. Ông Yosano - người từng giữ nhiều vị trí trong nội các dưới thời chính phủ của đảng LDP, cũng được đánh giá có thể tăng cường sự đồng thuận giữa các đảng phái.

Phát biểu với báo giới, ông Yosano cho biết: "Tôi muốn cống hiến quãng đời chính trị còn lại của mình cho tương lai nước Nhật. Nếu việc gì tôi có thể làm được, tôi sẽ làm để góp sức với chính phủ". Vị cựu Bộ trưởng Tài chính cho biết, ông muốn khôi phục sức mạnh kinh tế, cải cách an ninh xã hội và thúc đẩy thương mại tự do.

Theo giới quan sát, việc ông Yosano được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh phụ trách chính sách kinh tế, tài chính và cải cách an sinh xã hội là chỉ dấu cho thấy Thủ tướng Kan có ý định xử lý món nợ quốc gia đang phình ra gần gấp hai lần GDP, hơn nữa, sự góp mặt của ông Yosano sẽ giúp sức cùng đương kim Bộ trưởng Tài chính Yohihiko Noda tìm lại được sự cân bằng cho ngân sách nhà nước.

Hai nhân vật khác bước vào nội các cải tổ lần này là Satsuki Eda, cựu Chủ tịch Thượng viện và là người đứng đầu nhóm nghị sĩ ủng hộ Thủ tướng Kan, được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Tư pháp và Kansei Nakano, cựu Phó chủ tịch Thượng viện, được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban An toàn công cộng quốc gia, thay ông Tomoki Okazaki.

Ngoài ra, Bộ trưởng về Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (Meti), Akihiro Ohata, người tỏ ra lưỡng lự trước quan điểm của Chính phủ Naoto Kan trong việc gia nhập Đối tác tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã đổi ghế sang nắm Bộ Giao thông - Vận tải. Meti được giao cho ông Banri Kaieda, Quốc vụ khanh phụ trách chính sách kinh tế và tài chính của nội các cũ.

4 nhân vật đã phải trả giá trong lần cải tổ nội các này. Ông Yoshito Sengoku, người bị Thượng viện Nhật khiển trách hồi cuối năm ngoái, thôi chức Chánh Văn phòng Nội các và được bổ nhiệm làm quyền Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ). Quyền Tổng Thư ký DPJ Yukio Edano nay giữ chức Chánh Văn phòng Nội các. Cùng với ông Sengoku, Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Sumio Mabuchi cũng rời khỏi nội các.

Phe đối lập từng đe dọa sẽ tẩy chay các buổi thảo luận về ngân sách tại Quốc hội nếu các ông Sengoku và Mabuchi vẫn được giữ lại trong chính phủ mới. Các đảng phái cánh hữu khiển trách hai nhân vật này vì đã xử lý kém vụ đụng độ giữa tàu hải quân của Nhật với tàu đánh cá Trung Quốc hồi tháng 9/2010 ở khu vực vùng biển tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tuyên bố cải tổ nội các.

Đảng LDP đối lập chính tại Nhật Bản cho rằng, nội các mới của Thủ tướng Kan rõ ràng cho thấy DPJ đang thiếu hụt nhân sự. Phó chủ tịch LDP Tadamori Oshima nói: "Thủ tướng Kan đang không có đủ sự khiêm tốn và chân thành để xúc tiến các cuộc đối thoại nghiêm túc với phe đối lập".

Nợ ngân sách của Nhật hiện chiếm đến 200% GDP, vấn đề này lại đang bị trầm trọng hóa bởi sự già đi của dân số Nhật do sức ép về trợ cấp xã hội và y tế gia tăng. Đảng DPJ đang bị thúc ép phải thông qua ngân sách trên 92.400 tỉ yen (tương đương 850 tỉ euro) cho năm tài khóa từ tháng 4/2011 đến 3/2012, mà gần một nửa trong số đó lại được lấy từ tiền bán công trái. Phe cánh hữu đối lập, do đảng LDP và đảng Komeito lãnh đạo, đang kiểm soát Thượng viện và có khả năng gây khó khăn cho việc thông qua khoản ngân sách trên.

Ngay sau cuộc cải cách nội các trên, kết quả thăm dò dư luận mới nhất của Hãng tin Kyodo News cho thấy, tỉ lệ ủng hộ đối với tân nội các của Thủ tướng Kan đã tăng 8,6 điểm lên mức 32,2%. Kết quả thăm dò cho thấy có 54,3% trong số người được hỏi ủng hộ việc tăng thuế tiêu dùng, cao hơn 11 điểm so với số người phản đối kế hoạch này. Tỉ lệ ủng hộ việc Nhật tham gia Đối tác tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương lên tới 56,9%, cao hơn rất nhiều so với con số 25,4% người phản đối kế hoạch này

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.