Nhật Bản chấn hưng kinh tế

Thứ Năm, 17/01/2013, 20:15

Chính phủ của Thủ tướng Abe Shinzo vừa thông qua đề cương các biện pháp khẩn cấp tái thiết nền kinh tế Nhật Bản. Liệu chương trình mới của Chính phủ Nhật có thể cải thiện được nền kinh tế vốn đang đình trệ và kế hoạch chấn hưng kinh tế của Tokyo còn nhằm mục đích gì khác trong bối cảnh căng thẳng khu vực hiện nay?

Khoản ngân sách khổng lồ cho việc phục hồi kinh tế Nhật

Hôm 8/1, tân Thủ tướng Shinzo Abe đã có động thái cho thấy quyết tâm chấn hưng kinh tế Nhật Bản qua quyết định bổ sung cho ngân sách kích thích các hoạt động kinh tế khoảng 12.000 tỉ yên (tương đương hơn 110 tỉ euro). Cộng thêm vào các kế hoạch phục hồi kinh tế cho các vùng và các doanh nghiệp thì ngân sách phục hồi kinh tế của Nhật có thể lên đến hơn trên 200 tỉ euro. Ông Abe cho biết, Chính phủ Nhật do đảng của ông lãnh đạo đang có những nỗ lực lớn nhằm đưa nước Nhật thoát khỏi tình trạng giảm phát, một căn bệnh ung thư đã bào mòn kinh tế nước này từ 10 năm qua.

Số tiền khổng lồ này sẽ được chi cho các lĩnh vực then chốt như củng cố cơ sở hạ tầng chống động đất cho những nơi có nguy cơ xảy ra động đất cường độ mạnh, tăng cường quỹ đầu tư nhà nước và tư nhân để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ các tập đoàn Nhật Bản mua lại công ty nước ngoài, đầu tư cho khoa học, nhất là ngành phát triển tế bào gốc.

Thủ tướng Shinzo Abe hiện thời chưa ưu tiên vào việc giảm nợ công, mức nợ cao gấp hai hoặc ba lần mức trung bình của các nước châu Âu. Ông cho biết sẽ quan tâm đến vấn đề này khi hoạt động kinh tế đã bình thường trở lại.

Hôm 8/1, tất cả các Bộ trưởng trong Nội các Nhật đã tham gia buổi họp đầu tiên của lực lượng chuyên trách mới chỉ đạo các chính sách cải tổ kinh tế.

Kế hoạch nói trên của tân Thủ tướng Abe chủ yếu dựa vào việc đánh thuế, được dự định sẽ hoàn tất các bước cuối cùng để trình Quốc hội. Dự báo, việc thông qua sẽ rất dễ dàng bởi tại nghị viện, đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe chiếm đa số. Chính phủ Nhật đã thông qua gói kích thích dựa trên đề cương này vào ngày 11/1.

Giới phân tích nhận định, đa số cánh hữu chia sẻ quan điểm của ông Abe và cho rằng, một chính sách khắc khổ theo kiểu châu Âu sẽ có tác dụng ngược trong giai đoạn kinh tế trì trệ như hiện nay.

Câu hỏi được đặt ra là: liệu chương trình mới của Thủ tướng Shinzo Abe và LDP có giúp Nhật Bản cải thiện được nền kinh tế? Sau khi trở lại nắm quyền, LDP đã đưa ra một chương trình nhằm vực dậy nền kinh tế trong nước tỏ ra trì trệ và tăng cường vai trò quốc tế của Nhật Bản. Chương trình của LDP gồm 3 phần: chính sách tiền tệ, chính sách tài chính và chủ nghĩa dân tộc. Chính sách tiền tệ gần đây nhất của Nhật Bản đã thu hút được sự quan tâm của các nhà quan sát và các nhà đầu tư.

Về cơ bản, chính phủ của Thủ tướng Abe muốn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có các hoạt động tích cực hơn nữa. BoJ đã thông qua mục tiêu lạm phát 1% vào đầu năm 2012 nhưng đã không thực hiện được. Chính phủ Nhật Bản muốn nâng mục tiêu lạm phát lên 2% và đây là cơ sở để BoJ thảo luận trong cuộc họp Hội đồng quản trị tiếp theo vào ngày 21 và 22/1 tới.

Chính phủ Abe cũng muốn BoJ thông qua một cam kết mở để mở rộng bảng cân đối kế toán. BoJ đã mở rộng chương trình mua tài sản 5 lần vào năm 2012. Nhưng điều đó không thể hiện rõ ràng về sự khác biệt cơ bản với một cam kết mở. Chính phủ của tân Thủ tướng đã đe dọa sẽ sửa đổi điều lệ để buộc BoJ phải tuân theo. Tuy nhiên, dường như điều này sẽ không được thực hiện nếu BoJ có tỏ thái độ hợp tác. Một số nhà quan sát đã tìm cách để bảo vệ sự độc lập của BoJ, nhưng có một thực tế rằng, sự độc lập của BoJ không đơn giản như nhận thức của một số người. Theo luật hiện hành, Bộ Tài chính Nhật có thể cử đại diện tham dự và có ý kiến tại các cuộc họp của BoJ.

Sự phát triển mạnh mẽ của chính sách tiền tệ có thể là điểm son của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của LDP sẽ tiếp tục theo đuổi một chính sách tài chính tích cực hơn. Việc được triển khai gói 12.000 tỉ yên như trên đã nói nằm trong chiều hướng này. Ngân sách năm 2012-2013 cũng đang được soạn thảo. Gói kích thích tài chính ngắn hạn không được gắn với củng cố tài chính dài hạn. Chính phủ của ông Abe cũng đã tuyên bố việc xem xét các khoản đầu tư trực tiếp trong một số công ty để giúp họ đối phó với tình hình kinh tế. Bên cạnh đó, ông Abe và LDP dường như đã thành công hơn trong việc can thiệp làm suy yếu đồng yên.

Việc đồng yên suy yếu đã thúc đẩy chỉ số Nikkei tăng lên. Các nhà đầu tư nước ngoài, những người đã mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ Nhật Bản hồi đầu năm 2012, cũng đã trở thành những người mua cổ phiếu Nhật Bản lớn nhất vào cuối năm 2012. Trong một môi trường đồng yên yếu, cổ phiếu Nhật Bản tốt hơn trái phiếu. Lợi suất trái phiếu Nhật Bản 10 năm gần đây chỉ tăng đôi chút, nhưng đã thực sự vượt trội so với trái phiếu kho bạc Mỹ, trái phiếu Đức và Anh trong những tuần gần đây.

Đến nay, dường như có rất ít sự phản đối với chính sách tiền tệ và tài chính của LDP. Việc đồng yên suy yếu cũng không gây ra những phản ứng từ các nước khác. Tuy nhiên, những nguy cơ suy giảm của kinh tế Nhật Bản vẫn hiện hữu trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ như Hàn Quốc và Trung Quốc.

Về nợ công, chính phủ của ông Abe tuyên bố sẽ không tuân thủ trần nợ công được thông qua từ thời chính phủ trước và sẽ cho phát hành thêm nhiều trái phiếu để lấy tiền phục vụ cho kế hoạch chi tiêu mới. Dự trù cho kế hoạch kinh tế của chính phủ Abe, ước tính lượng trái phiếu được phát hành sẽ vượt mức 50.000 tỉ yên/năm, trong khi mức trần được đưa ra dưới thời chính phủ tiền nhiệm là 44.000 tỉ yên.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang cần các khoản đầu tư để lấy lại thế mạnh cho dây chuyền sản xuất.

Nội lực của xứ sở hoa anh đào

Cũng trong ngày 8/1, Nhật Bản còn có hai quyết định rất thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, đó là việc nước này tăng ngân sách quân sự để canh tân trang thiết bị, tăng cường lục quân và triệu Đại sứ Trung Quốc lên Bộ Ngoại giao với lời cảnh báo nghiêm khắc: "Chấm dứt hành động xâm lấn chủ quyền bằng máy bay và tàu thủy". Xin mở ngoặc thêm rằng đây là lần tăng ngân sách quốc phòng đầu tiên trong hơn một thập niên qua khi căng thẳng leo thang giữa Nhật Bản và Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên biển Hoa Đông. Giới quan sát cho rằng, tất cả ba động thái trên đều nhắm tới một mục đích chung: khẳng định nội lực của xứ sở hoa anh đào.

Một quyết định khác cũng mang ý nghĩa quan trọng. Thủ tướng Shinzo Abe sẽ dành chuyến công du đầu tiên đi thăm ba nước Đông Nam Á là Indonesia, Thái Lan và Việt Nam trong tháng này thay vì đi sang Mỹ như đã dự kiến. Giới bình luận cho rằng, dù Tokyo lý giải như thế nào, do Tổng thống Obama bận cải tổ nội các hay "khó khăn sắp xếp chương trình thăm viếng" thì quyết định chọn Đông Nam Á để đi thăm đầu tiên, là một chiến thuật ngoại giao khéo léo: vừa xác định Nhật Bản là một cường quốc đáng tin cậy cho các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, vừa chứng tỏ tinh thần tự cường của Tokyo mà Bắc Kinh phải dè chừng.

Thái độ của chính quyền Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh tranh chấp chủ quyền các hòn đảo ở biển Hoa Đông được Hãng tin Asia News so sánh như sau: Shinzo Abe không khoan nhượng trên quần đảo Senkaku nhưng chủ trương thiết lập quan hệ xây dựng với Trung Quốc. Trong khi đó thì Trung Quốc dường như không muốn giải quyết xung khắc bằng giải pháp ôn hòa.

Bắc Kinh còn viện dẫn "khoa học" trong một tập hồ sơ dày 11 trang đưa lên Liên Hiệp Quốc khẳng định khu vực tranh chấp, nơi đáy biển có nhiều tài nguyên, là thuộc thềm lục địa của Trung Quốc. Học viện Chính trị xã hội ở Bắc Kinh, cơ quan tư vấn của Chính phủ Trung Quốc, trong một bản phúc trình hồi cuối năm 2012,  còn đưa ra "tiên đoán": Sẽ không tránh khỏi một cuộc xung đột vũ trang tại biển Hoa Đông!

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.