Nhật Bản muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ: Chưa đủ thiên thời

Thứ Ba, 27/10/2009, 16:30
Từ khi lên nắm quyền hồi tháng 8/2009 đến nay, tân chính phủ trung tả của Thủ tướng Yukio Hatoyama loay hoay mãi vẫn chưa tìm được cách thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ đúng như tôn chỉ của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ).

Như nắm được điểm yếu này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, trong chuyến thăm Tokyo hôm 20/10, đã gần như ra lệnh cho Chính phủ Nhật Bản phải thực thi hiệp ước được chính quyền tiền nhiệm nước này ký về căn cứ quân sự của Mỹ tại Okinawa. Và điều này không phải bàn cãi nhiều.

Đường lối chủ trương ngoại giao của tân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama là bớt lệ thuộc vào Mỹ. Khi còn là đảng đối lập, đảng DPJ của ông Hatoyama đã phản đối việc Nhật tham chiến tại Afghanistan. Sau khi lên nắm quyền hồi tháng 8, đảng này tuyên bố sẽ xem xét lại thỏa thuận ký với Mỹ năm 2006 về việc di chuyển căn cứ quân sự Futema, theo đó căn cứ này sẽ bị đóng cửa và chuyển về địa điểm mới có thể sẽ được xây dựng ở bờ nam đảo Okinawa vào năm 2014. Futema là căn cứ máy bay quân sự Mỹ rộng bằng 1/4 diện tích đảo Okinawa.

Những tuyên bố trên đã làm dấy lên dư luận cho rằng mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật lâu nay sẽ bị phá vỡ khi đảng DPJ lên cầm quyền. Tuy nhiên, tân Thủ tướng Hatoyama ngay sau đó đã lên tiếng khẳng định rằng quan hệ Tokyo-Washington vẫn trước sau như một. Song, giới phân tích nhìn nhận đây chỉ là phát biểu nhằm trấn an dư luận và chính quyền Obama, còn thực chất chủ trương giảm phụ thuộc vào Mỹ của đảng DPJ là không đổi.

Bằng chứng là phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi cuối tháng 9 trên tư cách là tân Thủ tướng Nhật, ông Hatoyama mong muốn tái khởi động dự án xây dựng Cộng đồng Đông Á. Điều này đã được Chính phủ Nhật nhắc lại hai lần sau đó. Thứ nhất là tại Hội nghị Ngoại trưởng ba bên giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tại Thượng Hải, hôm 28/9, và kế đến là trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 10/10 tại Bắc Kinh giữa nhà lãnh đạo của ba quốc gia này.

Bước đi này là biểu  hiện của một chính sách ngoại giao mới, thân thiện hơn với các quốc gia láng giềng và bớt phụ thuộc vào Mỹ. Thật vậy, điều này là phù hợp với nhận thức thực tế hiện nay. Hàng loạt các quốc gia châu Á đang công nghiệp hóa nhanh chóng và đóng góp vào sự thành bại của nền kinh tế nói riêng cũng như của tương lai Nhật Bản nói chung. Chẳng hạn, Trung Quốc hiện là bạn hàng hàng đầu của Nhật. Một tầng lớp chính trị gia thuộc đảng DPJ đã ý thức rằng vận mệnh của Nhật Bản tùy thuộc phần lớn vào sự trỗi dậy của Đông Á và Tokyo cần đóng vai trò đầu tàu để thúc đẩy sự hội nhập kinh tế của khu vực.

Một lý do khác ít được đề cập công khai, đó là trong thời gian qua, Mỹ quá chú trọng đến cuộc chiến chống khủng bố. Hệ quả là Tokyo cảm thấy những mối lo của mình không được người đồng minh chia sẻ đúng mức, đặc biệt trước tình hình hạt nhân tại CHDCND Triều Tiên leo thang.

Chưa hết, điều khiến Washington cảm thấy "đau" hơn cả là hôm 15/10 vừa qua, Nhật Bản đã thông báo với Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ rằng bắt đầu từ tháng 1/2010, Nhật sẽ ngừng sứ mệnh tiếp nhiên liệu ở Ấn Độ Dương mà nước này đã tiến hành để ủng hộ chiến dịch chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu.

Tuy vậy, Mỹ vẫn thừa biết rằng, Nhật Bản đang có hai lo ngại lớn, thứ nhất là quả bom nguyên tử CHDCND Triều Tiên và thứ hai là việc Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội. Song bản thân Mỹ cũng chẳng hay ho hơn. Liên minh Mỹ - Nhật và Mỹ - Hàn là hai cột trụ trong chiến lược của Washington tại châu Á, nhằm ngăn chặn Trung Quốc và đồng thời, duy trì thế lực của Mỹ. Nếu quan hệ Mỹ - Nhật tan vỡ, Mỹ sẽ chẳng được lợi lộc gì.

Nhưng xét về yếu tố lịch sử thì Nhật Bản đang đứng ở thế yếu trong việc “so găng” với Mỹ. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản bị ràng buộc bởi Hiến pháp chủ hòa và ủy thác an ninh của mình cho Mỹ bảo đảm. Hiện có khoảng 47.000 binh sĩ Mỹ tại Nhật đồn trú trong 90 căn cứ, mà 2/3 ở Okinawa.

Căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa.

Vì ở thế thượng phong mà trong chuyến thăm Tokyo hôm 20/10 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates, đã yêu cầu Nhật nhanh chóng thực hiện hiệp ước về tái bố trí các căn cứ quân sự của Mỹ tại nước này. Năm 2006, hai chính quyền Mỹ và Nhật Bản lúc ấy đã đồng ý trên hai điểm quan trọng: thuyên chuyển 8.000 lính Mỹ từ Nhật qua đảo Guam tại Philippines, đồng thời dời căn cứ không quân Futema nằm giữa một khu vực đông dân cư ở Okinawa, ra một vùng bờ biển ít người hơn. Thỏa thuận này từng bị phe đối lập Nhật Bản phản đối.

Sau khi lên cầm quyền, tân Thủ tướng Hatoyama đã yêu cầu Mỹ xét lại văn kiện này. Mới đây, ông còn lên tiếng kêu gọi Washington tỏ thái độ linh động hơn. Riêng về căn cứ không quân Futema, Thủ tướng Nhật còn cho rằng ông muốn Mỹ di dời hẳn căn cứ này ra khỏi Okinawa do sự tồn tại của nó là nguyên nhân gây ra tình trạng hình sự, ồn ào, ô nhiễm môi sinh và tai nạn.

Để “trả đũa”, ông Robert Gates đe dọa rằng, nếu tân Chính phủ Nhật không thực hiện, phía Mỹ sẽ không chuyển 8.000 lính sang đảo Guam như cam kết.

Theo một số nhà phân tích, rạn nứt trong quan hệ chiến lược Mỹ - Nhật hoàn toàn không có lợi cho Tokyo trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với đà vươn lên cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc, trong lúc mối đe dọa hạt nhân đến từ CHDCND Triều Tiên vẫn hiển hiện ngay bên cạnh. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng Washington không nên cứng rắn quá mức đối với Tokyo, vì lẽ hiện nay Thủ tướng Hatoyama đang phải tìm cách xoa dịu các đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền, vốn đòi hỏi Tokyo phải mạnh mẽ hơn đối với Washington.

Theo các chuyên gia, nếu ông Gates thúc bách Nhật Bản quá đáng thì điều đó có thể khiến chính quyền ông Hatoyama bị mất ổn định, một viễn cảnh không hề có lợi cho Mỹ.

Rõ ràng chủ trương của đảng DJP trong việc thoát khỏi thế kiềm tỏa của Mỹ vào thời điểm này chưa hội đủ được các yếu tố thiên thời, địa lợi để có thể trở thành hiện thực

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.