Nhật Bản – Đài Loan bắt tay, Trung Quốc nổi đóa

Thứ Hai, 15/04/2013, 17:15

Cái bắt tay giữa Nhật Bản và Đài Loan về thỏa thuận khu vực đánh cá chung gần vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 10/4 vừa qua đang khiến chính quyền Bắc Kinh nổi đóa.

Ngày 10/4 vừa qua tại Đài Bắc, các lãnh đạo Nhật Bản và Đài Loan đã thông qua một thỏa thuận mang tính lịch sử, liên quan đến khu vực đánh cá chung. Từ nay, các tàu cá Đài Loan được phép hoạt động trong những vùng biển có nguồn hải sản phong phú ở vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi giao thoa, chồng chéo giữa hai vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố có chủ quyền.

Theo hiệp định này, ngư dân Đài Loan chỉ có thể đánh bắt cá trong vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là vùng biển mà Đài Loan yêu cầu được đánh bắt. Ngoài ra, tàu đánh cá Đài Loan cũng có thể hoạt động tại một số vùng biển, gần Nhật Bản hơn là đường ranh giới do Đài Loan tuyên bố. Trong hiệp định, cả Nhật Bản và Đài Loan đều không đề cập đến chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Thực tế, các cuộc đàm phán song phương về việc thiết lập vùng đánh cá chung giữa Nhật Bản và Đài Loan được khởi động từ năm 1996, nhưng bị đình hoãn vào năm 2009 và được nối lại từ tháng 11/2012. Hiệp định đánh bắt mới đặt trọng tâm vào hai vấn đề chính được coi là trụ cột trong việc đảm bảo môi trường đánh bắt ổn định. Một là hai bên sẽ không áp dụng pháp lệnh nghề cá của mỗi bên mà tạo dựng một "vùng biển không thuộc diện điều chỉnh của pháp lệnh trên" mà cả tàu cá của Nhật Bản và Đài Loan có thể cùng đánh bắt. Hai là hai bên có áp dụng pháp lệnh nghề cá nhưng sẽ tạo dựng "vùng biển hợp tác đặc biệt", trong đó các bên tôn trọng giới hạn tối đa của việc đánh bắt của ngư dân.

Lý do nào khiến Nhật Bản và Đài Loan đạt được thỏa thuận này? Theo giới quan sát, mùa đánh bắt cá ngừ đại dương xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ bắt đầu trong tháng này, nên cần sớm đề ra quy chế đánh bắt, để tránh va chạm giữa các tàu đánh cá của Nhật Bản và Đài Loan.

Nhưng lý do sâu xa để 2 bên đi đến thỏa thuận này là các tàu hải giám của Trung Quốc nhiều lần xâm phạm lãnh hải Nhật Bản, khiến cho tình hình ngày càng căng thẳng. Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố có chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Từ tháng 9/2012, sau khi chính quyền Tokyo quốc hữu hóa một số hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trở nên căng thẳng, các vụ đối mặt giữa tàu bè hai bên thường xuyên xảy ra trong vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo giới quan sát, thỏa thuận về vùng đánh cá chung có tầm quan trọng đối với Nhật Bản, vì điều này giúp gạt bỏ nỗi lo lắng của phía Đài Loan, đồng thời ngăn ngừa được khả năng Đài Bắc bắt tay với Bắc Kinh cùng gây sức ép đối với Tokyo. Qua việc ký kết này, nhà cầm quyền Đài Loan cho thấy, họ không có ý định hợp tác với Trung Quốc về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trong thời gian gần đây, người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu đã cải thiện quan hệ với Trung Quốc và tăng cường quan hệ kinh tế với lục địa, nhưng ông nghĩ rằng, nếu phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc thì Đài Loan sẽ bất lợi. Đặc biệt là quan hệ giữa Đài Loan với Mỹ rất tế nhị, vì Mỹ bảo vệ an ninh cho Đài Loan. Sở dĩ ông Mã Anh Cửu không hợp tác với Trung Quốc, là để tránh gây căng thẳng trong vùng về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng như để có được sự tin tưởng của Mỹ.

Trước đây, ông Mã Anh Cửu bày tỏ muốn gác lại vấn đề tranh chấp quần đảo này, để hợp tác khai thác tài nguyên thiên nhiên. Vì thế, thông qua hiệp định này, ông Mã Anh Cửu muốn cho cộng đồng quốc tế thấy rằng, mặc dù có mâu thuẫn, nhưng ông có khả năng giải quyết vấn đề một cách ôn hòa. Phát biểu với báo Asahi của Nhật, ông Mã Anh Cửu tuyên bố: "Cho dù chúng ta không thể chia sẻ chủ quyền, nhưng chúng ta có thể chia sẻ nguồn tài nguyên". Giới phân tích nhận định, với hiệp định này, người đứng đầu chính giới Đài Loan đã thành công trong việc đòi được quyền đánh cá, là do ông tách riêng vấn đề này với vấn đề lãnh thổ.

Sự đột phá trong cuộc điều đình về quyền đánh cá đã nhận được sự tán thưởng ở Đài Loan, nơi mà ông Mã Anh Cửu đã bị một số người chỉ trích là không chú trọng tới lĩnh vực ngoại giao. Anna Kao, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan, cho biết thỏa thuận ngư nghiệp này là thành quả của những nỗ lực của Đài Loan nhằm cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Bà Kao nói rằng, Đài Loan đã cố gắng cải thiện quan hệ với Nhật Bản và nhờ vào đó mà đôi bên mới đạt được sự đồng thuận về quyền đánh cá.

Các tàu đánh cá của Đài Loan xưa nay vẫn hoạt động trong vùng biển có tranh chấp nằm cách Đài Bắc khoảng 220 km về hướng đông, nhưng họ thường bị các tàu tuần duyên Nhật xua đuổi. Truyền thông Đài Loan cho biết, những người trong ngành công nghiệp đánh bắt hải sản của đảo quốc này rất vui mừng khi nghe tin về thỏa thuận đạt được với Nhật Bản. Mỗi năm có khoảng 800 chiếc tàu của Đài Loan đến đánh bắt cá ở vùng biển có tranh chấp này.

Các nhà quan sát cho rằng, Nhật Bản vừa dành cho Đài Loan một sự nhượng bộ hiếm hoi trong vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo dai dẳng cũng có sự dính líu của Trung Quốc. Sự nhượng bộ này không ảnh hưởng tới quyền kiểm soát trong 40 năm qua của Nhật Bản đối với vùng biển có 8 hòn đảo không có người ở. Nhưng diễn tiến này cho thấy Tokyo muốn Đài Loan đứng về phía mình thay vì về phía Trung Quốc.

Nathan Liu, giáo sư chính trị của Đại học Minh Truyền ở Đài Bắc, nói rằng Nhật Bản sợ Đài Loan bắt tay với Trung Quốc. Ông Liu nói: "Tôi nghĩ rằng Nhật Bản đã nhượng bộ vì những việc xảy ra năm ngoái, vì vụ quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, và vì Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn. Nhật Bản cảm thấy lo ngại về việc Đài Loan có thể hợp tác với Trung Quốc. Đó chính là lý do khiến cho họ phải nhượng bộ".

Tàu của lực lượng tuần duyên Nhật Bản trong một lần tranh chấp với tàu Đài Loan gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngay sau khi Nhật Bản và Đài Loan ký thỏa thuận về khu vực đánh cá chung gần vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chính quyền Bắc Kinh đã tỏ thái độ tức giận. Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 10/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: "Chúng tôi rất quan ngại về các cuộc thảo luận và việc ký kết giữa Nhật Bản và Đài Loan về một thỏa thuận đánh cá". Cả Nhật Bản và Đài Loan đều chưa đưa ra bình luận nào về phản ứng gay gắt nêu trên của Trung Quốc.

Có hai yếu tố làm cho Bắc Kinh tức giận: trước tiên, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Thứ hai, từ năm 1972, Nhật Bản đã cam kết thừa nhận Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong tuyên bố ngày 10/4, phát ngôn viên Hồng Lỗi thúc giục Nhật Bản tuân thủ lời cam kết chỉ thừa nhận một nước Trung Hoa và hãy có thái độ thận trọng trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới Đài Loan. Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với Đài Loan và ngăn không cho 170 nước có bang giao với Trung Quốc, trong đó có Nhật Bản, không được có những hành động mang ý nghĩa thừa nhận Đài Loan là một quốc gia riêng.

Chính quyền Tokyo hiện nay duy trì quan hệ kinh tế và văn hóa với Đài Loan, trấn an rằng thỏa ước ngày 10/4 chỉ là vấn đề quản lý nguồn hải sản.

Theo giới phân tích, việc nhượng bộ Đài Loan về chủ quyền biển đảo nằm trong kế hoạch tổng thể đối phó với Trung Quốc của Nhật Bản. Thực tế Tokyo hiện đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với nhiều nước như với Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Nhưng thông qua những hành động vừa qua của Nhật có thể thấy chính quyền Tokyo đã xác định được mâu thuẫn với Trung Quốc đang là mâu thuẫn chủ đạo. Muốn tập trung giải quyết điều này, Nhật tạm gác tranh chấp với Hàn Quốc, nhượng bộ với Đài Loan và đề xuất đàm phán với Nga.

Trong cuộc gặp trước thềm Hội nghị ngoại trưởng G8 ngày 10/4 tại London, các ngoại trưởng Nhật Bản và Nga đồng ý rằng, chuyến thăm Nga sắp tới của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sẽ tạo cơ hội để nối lại cuộc đàm phán lãnh thổ liên quan đến 4 hòn đảo, mà Nhật Bản đòi chủ quyền nhưng hiện do Nga kiểm soát.

Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida Fumio nói với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng, ông hy vọng chuyến thăm đã lên kế hoạch của ông Abe sẽ thúc đẩy phát triển quan hệ Nhật - Nga và giúp mang đến tầm nhìn dài hạn trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh. Theo ông, điều quan trọng là nối lại các cuộc thương lượng về lãnh thổ nhằm giải quyết vấn đề liên quan những hòn đảo ở Bắc Thái Bình Dương. Đây vẫn là một trong những vấn đề chưa được giải quyết giữa hai nước.

Về phía mình, ông Lavrov bày tỏ: Moskva chia sẻ thiện ý từ phía ông Abe hướng tới thúc đẩy phát triển quan hệ song phương

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.