Nhật: Tưởng niệm nạn nhân vu ném bom khủng khiếp nhất trong Thế Chiến II

Thứ Sáu, 08/04/2005, 07:46
Những nghi lễ tưởng niệm theo truyền thống đạo Phật vừa được diễn ra trên khắp nước Nhật, nhằm tưởng niệm các nạn nhân của cuộc ném bom kinh hoàng của không quân Mỹ tại Tokyo vào đêm 10/3/1945. Thảm kịch 60 năm về trước đã cướp đi mạng sống của gần 100.000 người.

Để ghi nhớ về thảm kịch này, người Nhật đã dựng lên một đài tưởng niệm tại Ueno Park (Tokyo). Mặc dù Chính phủ Nhật không đưa ra những tuyên bố công khai, nhưng báo chí và truyền hình trong nước khi nói về sự kiện này đều khẳng định: tháng 3/1945, người Mỹ đã tổ chức một vụ thảm sát dân thường hàng loạt tại Tokyo.

Cho đến đầu năm 1945, người Mỹ vẫn hết sức sợ hãi khi phải đương đầu với quân Nhật - họ là những người lính luôn chiến đấu ngoan cường dù cả trong tuyệt vọng, phần lớn sẵn sàng dùng lưỡi lê đánh giáp lá cà chứ không chịu đầu hàng. Washington hết sức buồn bực trước những tổn thất to lớn trong thời gian đánh chiếm những vùng lãnh thổ của quân Nhật.

 

Giải pháp duy nhất theo người Mỹ là phải đập tan tinh thần chiến đấu của quân Nhật bằng những đòn không kích. Để phục vụ cho mục đích này, Mỹ đã chế tạo những quả bom cháy M-69 đặc biệt, có tính toán đến những công trình bằng gỗ dễ cháy theo truyền thống của người Nhật.

Tháng 1/1945, Tập đoàn Không quân số 21 của Mỹ tại quần đảo Marian đón nhận một chỉ huy mới là viên tướng Curtis LeMay - được một số người coi là huyền thoại của không quân Mỹ, trong khi một số khác lại gọi là “kẻ điên cuồng chuyên nướng người”. Trong chiến dịch kinh hoàng diễn ra vào đêm 10/3 đó, LeMay đã tung ra tổng cộng 334 chiếc pháo đài bay (tên gọi của loại máy bay B-29 lớn nhất của không quân Mỹ thời bấy giờ).

 

Toàn bộ số máy bay này đã quần đảo tấn công Tokyo từ một độ cao chưa từng có - chỉ có 2.000 mét so với độ cao thông thường của các đợt không kích là 9.000 mét. LeMay cho rằng quân Mỹ không còn gì phải lo ngại, khi hệ thống phòng không vốn đã yếu kém của Nhật Bản đã bị đánh tan từ những đợt không kích trước. Hơn nữa, LeMay còn ra lệnh tháo gỡ tất cả những khẩu súng máy được lắp trên chiếc B-29 để lấy thêm chỗ chứa bom.

Vào cái đêm kinh hoàng đó, ngay khi hồi còi báo động bắt đầu vang lên trên khắp thành phố, Tokyo còn đang chìm trong giấc ngủ, máy bay Mỹ bắt đầu quần đảo thả hàng loạt những quả bom M-69 có nhân là hỗn hợp cháy. Cả Tokyo sáng rực lên trong ánh lửa. Chỉ trong vòng hai giờ, các “pháo đài bay” B-29 đã ném xuống thủ đô nước Nhật khoảng nửa triệu quả bom với tổng trọng lượng lên tới 1.700 tấn.

 

Các nhân chứng kể lại, họ nhìn thấy bom rơi xuống từ trên trời như một cơn mưa. Sau đợt không kích ác liệt này, những người dân còn sống sót của thành phố Tokyo - gần như đã vắng sạch đàn ông do lệnh tổng động viên - chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ con lại phải lao vào cuộc chiến với ngọn lửa bằng nước và cát.

Tuy nhiên, viên tướng LeMay không phải vô cớ đã nghiên cứu trước các thông tin dự báo thời tiết - đợt gió đông bắc đã kết hợp những đám cháy riêng biệt biến Tokyo thành một lò lửa khổng lồ. “Người dân gần như bị rơi vào những chiếc phễu lửa, chúng liên tục cuộn lên những cột lửa khủng khiếp” - một nhân chứng đã mô tả như vậy. Những người còn sống sót vội dìu nhau chạy ra những chỗ trống để tránh lửa nhưng rồi phần lớn cũng chết vì ngạt thở.

Những cột khói bốc lên từ thành phố có độ cao tới 6km. Tất cả 270.000 ngôi nhà đã bị cháy rụi trong một diện tích 41km2 của Tokyo. Theo những số liệu đầu tiên của Cảnh sát Nhật, có gần 84.000 người đã chết. Nhưng về sau, các chuyên gia Nhật và Mỹ đều thống nhất ý kiến cho rằng, nếu tính toán cả những thi thể không được nhận dạng và người mất tích, con số người chết phải lên tới 100.000.

Viên tướng LeMay trong báo cáo chính thức đã viết rằng, chiến dịch ném bom này “đã cho những kết quả tuyệt vời: chưa bao giờ một đợt không kích lại gây ra thiệt hại nặng nề đến như vậy cho đối phương”. Sau sự kiện ngày 10-3, những đòn không kích của Mỹ còn được triển khai rộng khắp trên các thành phố của Nhật với đỉnh điểm là hai quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào ngày 6 và 9/8/1945.

 

Người Mỹ đã đạt được mục đích của mình khi chiếm được nước Nhật mà không phải đánh giáp lá cà! Điều đáng mỉa mai là viên tướng LeMay về sau còn được phong tặng Huân chương Mặt trời mọc hạng nhất của Nhật Bản vì đã “giúp đỡ phục hồi lực lượng không quân” của đối thủ cũ sau chiến tranh

Q.L. (Tổng hợp)
.
.