Nhật Bản: Vụ kiện đòi bãi bỏ điều luật mang tính hủ tục

Thứ Ba, 26/01/2016, 17:00
Vào trung tuần tháng 12-2015, sau khi giới chức Nhật Bản tái khẳng định không thay đổi Bộ Luật Gia đình trong đó có điều khoản vợ chồng phải mang cùng một họ sau khi kết hôn, tức thì Tòa án thành phố Tokyo tiếp nhận một lá đơn kiện tập thể, đòi được bồi thường thỏa đáng vì là nạn nhân của thứ chính sách đã lỗi thời.

Nhóm nguyên đơn 5 người gồm 4 nữ và 1 nam, yêu cầu Chính phủ Nhật phải bồi thường số tiền tổng cộng là 6 triệu yên (55.000USD), vì đã bị cản trở bởi những ràng buộc trong cuộc sống. Đồng thời các nguyên đơn đòi giới hữu trách phải bãi bỏ tập tục cũ, cho phép cô dâu chú rể khi đăng ký kết hôn có quyền mang những họ khác nhau. Tại Nhật gần 1,2 thế kỷ qua, đạo luật quy định vợ chồng phải cùng họ được áp dụng. Theo đó các cặp mới cưới có thể tự quyết định sẽ mang họ của chồng hay của vợ. Dựa vào truyền thống lâu đời tuyệt đại đa số đều lấy họ của người chồng.

Một đám cưới “2 vợ chồng cùng họ” theo nghi thức truyền thống trên đường phố Tokyo.

Nhật Bản là quốc gia duy nhất thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển (G-8) buộc các cặp vợ chồng phải sử dụng chung một họ, bất chấp sự phản đối sâu rộng trong giới trẻ xứ Phù Tang suốt một thời gian dài. Đến năm 1996, nhằm thích ứng với xu thế hội nhập quốc tế, Hội đồng lập pháp thuộc Bộ Tư pháp Nhật đã đề nghị Chính phủ ban hành nghị quyết, cho phép các cặp vợ chồng mới cưới tùy chọn họ của mình, tạo điều kiện giải phóng phụ nữ bằng việc phái yếu được mang một họ duy nhất cho đến hết đời.

Nhưng bước “đột phá pháp lý” này đã bị giới thủ cựu trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền khi ấy thẳng thừng bác bỏ. Thậm chí năm 2009, Liên Hiệp Quốc đã chính thức lên tiếng, thúc giục Tokyo phải nhanh chóng sửa đổi thứ điều luật cổ hủ mang tính phân biệt đối xử đó đi.

Trở lại vụ kiện chưa có tiền lệ nói trên, nguyên đơn cao niên nhất là bà Kyoko Tsukamoto, 75 tuổi, giáo viên nghỉ hưu ở tỉnh Toyama, miền Trung nước Nhật. Bà Tsukamoto trình bày: “Trọn nửa thế kỷ nay tôi luôn chờ đợi cái điều luật phi lý ấy phải được thay đổi. Đến lúc này tôi buộc phải đệ đơn kiện đòi được đền bù những mất mát của cá nhân tôi”. Bà cũng cho biết khi còn đi dạy bà thường dùng tên họ thời con gái, trái ngược với các giấy tờ chính thức mang họ của chồng. “Thật là hết sức bất tiện! Tuy vẫn yêu thương chồng, nhưng tình cảm và họ tên là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt”, bà Tsukamoto khẳng định.

Một nguyên đơn khác là bà Emi Kayama 39 tuổi, một nhà báo tự do đã kết hôn vào năm 2000. Khi phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến danh tính cá nhân, vợ chồng họ quyết định ly hôn để bà Kayama có thể sử dụng họ từ thời con gái cho thuận tiện trong công việc. Thực ra, vợ chồng họ vẫn tiếp tục sống với nhau từ đó đến nay mà không có giấy hôn thú. Cách đây 3 tháng cả hai quyết định tái hôn, với điều kiện được giữ lại họ riêng của mình nhưng đã bị nơi cấp giấy đăng ký hôn nhân từ chối. Rốt cục người chồng quyết định tham gia khởi kiện chính phủ cùng với vợ...

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây ở Nhật cho thấy vẫn tồn tại những ý kiến trái ngược nhau: 37% số người được hỏi ủng hộ việc cần thay đổi quy định buộc vợ chồng phải cùng một họ; trong khi 35% số người khác lại tán thành nên tiếp tục duy trì điều khoản xưa cũ.

Thu Hường (tổng hợp)
.
.