Nhật – Trung gia tăng cạnh tranh

Thứ Bảy, 13/09/2014, 08:30

Hai cường quốc châu Á, Nhật Bản và Trung Quốc, xưa nay vốn chẳng ưa nhau, đang gia tăng tranh giành ảnh hưởng ở mọi ngóc ngách của thế giới. Ngoài việc mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế của Nhật, chiếc ghế thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) sẽ giúp Tokyo cạnh tranh trực tiếp với Bắc Kinh.

Từ ngày 6 đến ngày 9/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thăm và làm việc tại hai nước Nam Á là Bangladesh và Sri Lanka. Tháp tùng ông Abe trong chuyến công du này là lãnh đạo của 50 công ty hàng đầu của Nhật Bản. Điều đó cho thấy, vấn đề kinh tế là trọng tâm hàng đầu. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản tới Sri Lanka trong vòng 24 năm qua. Hai lĩnh vực hợp tác đã được các bên ký kết.

Sri Lanka đồng ý áp dụng truyền hình kỹ thuật số mặt đất của Nhật và chấp nhận sự hỗ trợ của Tokyo trong việc xây dựng và quản lý các nhà máy nhiệt điện hiệu suất cao. Tiêu chuẩn về truyền hình kỹ thuật số mặt đất của Nhật hiện đang được áp dụng tại các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh. Khi áp dụng kỹ thuật truyền hình của Nhật có nghĩa là Sri Lanka sẽ phải nhập khẩu các thiết bị có liên quan từ Nhật.

Việc Sri Lanka đồng ý áp dụng kỹ thuật này giúp Nhật đặt được một chân vào ngưỡng cửa của các nước Nam Á trong lĩnh vực này. Năm 2004, sóng thần do trận động đất mạnh ở ngoài khơi Sumatra đã gây thiệt hại nặng nề ở Sri Lanka. Kỹ thuật truyền hình số mặt đất được cho là rất có hiệu quả trong việc cảnh báo nhanh động đất và sóng thần. Điều này sẽ dẫn tới việc hợp tác giữa hai nước trong việc chuẩn bị đối phó với thiên tai.

Sau khi nội chiến chấm dứt vào năm 2009, nền kinh tế của Sri Lanka tiếp tục tăng trưởng với mức trung bình khoảng 7% một năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này phần lớn là do việc tái thiết sau chiến tranh, ví dụ như việc xây dựng đường sá và các cơ sở bị tàn phá trong chiến tranh. Nhưng nhu cầu này sẽ giảm dần trong vòng 5 năm tới và có khả năng sẽ ảnh hưởng tới mức độ tăng trưởng của nước này.

Để nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng, Sri Lanka phải nuôi dưỡng các ngành công nghiệp trong nước, như công nghiệp chế tạo xe hơi, đồ dùng dân dụng và các nguyên liệu. Để thực hiện được điều này thì việc cung cấp năng lượng ổn định là ưu tiên hàng đầu. Việc Nhật Bản có thể giúp Sri Lanka trong việc xây dựng và quản lý những nhà máy nhiệt điện hiệu suất cao là rất quan trọng.

Hình ảnh một nước Sri Lanka với cuộc nội chiến kéo dài có lẽ vẫn chưa phai mờ và đây chính là nguyên nhân khiến các công ty Nhật Bản còn lưỡng lự trước khi quyết định đầu tư vào đất nước này. Nhưng 5 năm sau khi nội chiến kết thúc, Sri Lanka đã đạt mức tăng trưởng kinh tế ổn định và chuyến thăm Sri Lanka lần này của Thủ tướng Abe sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản thay đổi cách nhìn đối với đất nước ở Nam Á này.

Kết thúc chuyến thăm Sri Lanka, Thủ tướng Abe và Tổng thống Rajapaksa nhất trí hợp tác về an ninh biển vào lúc mà Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng trong việc xác quyết chủ quyền trên các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Theo tin báo chí Sri Lanka, Nhật Bản sẵn sàng cung cấp tàu tuần tra cho Sri Lanka để giúp nước này tăng cường khả năng bảo vệ lãnh hải.

Còn tại Bangladesh, Thủ tướng Abe thông báo các khoản đầu tư mới vào các dự án cơ sở hạ tầng, như dự án đường hầm dưới dòng sông Brahmaputra. Trong chuyến viếng thăm của Thủ tướng Bangladesh đến Nhật Bản vào tháng 5/2014, Tokyo đã thông báo khoản viện trợ 6 tỉ USD cho Dhaka. Vào tháng trước, Chính phủ Bangladesh cũng đã loan báo là Nhật Bản sẽ cho vay 4 tỉ USD cho dự án nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than, bao gồm cả việc xây dựng một cảng nước sâu.

Cơ quan viện trợ của Nhật đã tỏ ra rất quan tâm đến dự án xây cảng nước sâu ở miền Nam Bangladesh, dự án mà ban đầu chính quyền Dhaka đã muốn nhờ Trung Quốc xây dựng. Chính quyền Dhaka còn dự trù xây một khu công nghiệp dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Hiện nay, đầu tư của Nhật vào Bangladesh còn thấp hơn nhiều so với đầu tư của Trung Quốc và Hàn Quốc.

Khi kinh tế đã thông thì vấn đề chính trị trở nên khá dễ dàng. Trong cuộc gặp với ông Abe hôm 6/9, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina ủng hộ việc Nhật Bản ra tranh cử chức ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Bà nói Bangladesh sẽ rút lui không ra tranh cử.

Trước đó, Nhật Bản và Bangladesh đều tranh chiếc ghế không thường trực ở Hội đồng Bảo an (HĐBA) cho nhiệm kỳ 2015-2016. Trên thực tế, Nhật chưa bao giờ che giấu tham vọng trở thành thành viên thường trực của HĐBA. Tokyo từng kêu gọi mở rộng quy chế thành viên thường trực ở HĐBA cho Nhật, Brazil, Ấn Độ và Đức.

Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, tháng 7/2014.

Chuyến công du cuối tháng 7/2014 của Thủ tướng Shinzo Abe đến Nam Mỹ, Trung Mỹ và Caribê không chỉ được thiết kế như một nỗ lực xây dựng quan hệ kinh tế với khu vực nhằm cạnh tranh với Trung Quốc mà còn là một chiến dịch vận động hành lang để tạo sự ủng hộ một ghế thành viên không thường trực HĐBA, trong cuộc bầu cử tháng 10/2015.

Ngoài việc mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế của Nhật, chiếc ghế thường trực HĐBA sẽ giúp Tokyo cạnh tranh trực tiếp với Bắc Kinh. Trung Quốc là nước phản đối gay gắt nhất việc cải tổ mở rộng HĐBA vì nếu điều này được thực hiện, Nhật chắc chắn sẽ được bầu vào vị trí thành viên thường trực. Tháng 4/2005, khi cuộc thảo luận mở rộng HĐBA trở thành đề tài nóng, hàng chục ngàn người biểu tình Trung Quốc đã tràn xuống đường tại nhiều thành phố lớn nước này và thể hiện sự bất bình bằng loạt hành vi vô văn hóa như ném đá vào văn phòng các cơ quan ngoại giao Nhật và đập phá nhà hàng Nhật!

Trong khi đó, Trung Quốc là nước gây nhiều tranh cãi nhất ở tư cách thành viên thường trực HĐBA. Một mặt họ ra vẻ luôn sẵn sàng biết điều, biết chơi, biết ứng xử… khi tham gia vào một số hoạt động của LHQ. Họ không muốn bị cho là nước lớn đứng ngoài lề đối với những chuyện lớn. Mặt khác, họ dè dặt lảng tránh những vấn đề không có lợi riêng cho quốc gia, dù cộng đồng quốc tế đang đòi hỏi và muốn Trung Quốc thể hiện thái độ quyết đoán nhất định.

Bangladesh cũng như Sri Lanka đều nằm trên tuyến hàng hải giữa vùng Trung Đông giàu nguồn dầu hỏa với vùng Đông Á. Trung Quốc đã giúp xây nhiều hải cảng tại các quốc gia nằm trên tuyến đường có tính chất huyết mạch này. Nay đến lúc Nhật Bản mở cuộc phản công để đối lại với ảnh hưởng của Bắc Kinh ở các nước này.

Trung Quốc và Nhật Bản không chỉ tranh giành ở Bangladesh và Sri Lanka. Chuyến công du hai nước Nam Á này của Thủ tướng Abe diễn ra tiếp theo sau chuyến viếng thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Tokyo. Trong đó, hai nước, mà hiện đều gặp căng thẳng với Trung Quốc, đã đồng ý sẽ nâng quan hệ song phương lên một "cấp độ mới".

Xa hơn một chút, ngay khi ông Joko Widodo tuyên bố thắng cử Tổng thống Indonesia, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đã có mặt ở Jakarta để tranh thủ sự ủng hộ của tân chính quyền Jakarta với những tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông, thông qua quan điểm của ông Widodo về tình hình Biển Đông

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.