Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII:

Nhiều băn khoăn với dự thảo hai Bộ luật lớn

Thứ Ba, 02/06/2015, 10:40
Giữa tuần này, Quốc hội đã dành hai buổi để thảo luận dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi). Mặc dù đều nhất trí phải sửa đổi cho phù hợp với thực tế đời sống để luật vừa là công cụ đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vừa bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn với những quy định mới trong hai dự thảo luật.

Trường hợp nào thì ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can?

Bộ luật Tố tụng Hình sự - TTHS (sửa đổi) có tổng số 486 điều, tăng 140 điều so với bộ luật hiện hành; sửa đổi 294 điều, bổ sung mới 172 điều, bãi bỏ 26 điều, chỉ giữ lại 20 điều.

Hai nội dung thu hút sự quan tâm và góp ý của các đại biểu là dự thảo Bộ luật TTHS đề xuất bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, bị cáo và  "quyền im lặng" của bị can, bị cáo khi bị bắt giam, bắt giữ.

Về bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, ngay trong báo cáo Thẩm tra dự án luật của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng không tán thành với việc dự thảo quy định "Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can".

Theo Ủy ban Tư pháp, thực tiễn trong trường hợp phạm tội quả tang, các vụ án chứng cứ đơn giản, rõ ràng và bị can đã nhận tội thì quy định hiện hành về hoạt động hỏi cung không có vướng mắc gì; còn việc bức cung, nhục hình, nếu có thường xảy ra trước khi khởi tố bị can (khi lấy lời khai người bị bắt, bị tạm giữ) hoặc trong trường hợp phạm tội không quả tang hoặc trong những vụ án phức tạp mà bị can không nhận tội hoặc đổ lỗi cho nhau.

"Vì vậy, để tăng cường hiệu quả chống bức cung, dùng nhục hình, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tránh phát sinh thêm thủ tục rườm rà không cần thiết, đề nghị quy định theo hướng: trong trường hợp phạm tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt chung thân, tử hình hoặc trong trường hợp cần thiết khác thì cùng với việc lập biên bản phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can".

Theo đại biểu Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an Hà Nội) hiện nay, tuy pháp luật không bắt buộc nhưng trong một số vụ án, Cơ quan điều tra đã thực hiện biện pháp này. Thủ tục ghi âm, ghi hình rất chặt chẽ mới có giá trị về mặt pháp lý chứ không phải cứ đặt máy ghi bí mật là được.

Theo đại biểu Nguyễn Đức Chung, hiện nay, tuy pháp luật không bắt buộc nhưng trong một số vụ án, cơ quan điều tra đã thực hiện biện pháp ghi âm, ghi hình khi hỏi cung.

Dẫn con số mỗi năm cả nước bắt giữ gần 100.000 bị can, bị cáo và ít nhất trong hồ sơ 1 vụ án, từ lúc bị bắt cho đến lúc khởi tố phải có 8 bản cung, 8 bản ghi lời khai, có vụ lên tới vài chục, đại biểu Nguyễn Đức Chung đặt câu hỏi: Để thực hiện quy định trên thì phải trang bị hệ thống ghi âm, ghi hình bao nhiêu cho đủ? Kho nào để chứa khối lượng hồ sơ khổng lồ đó? Kinh phí cho việc này ở đâu ra?... vì vậy theo ông quy định này là không phù hợp thực tiễn, tốn kém và khó khả thi.

Đại  biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, chỉ nên bắt buộc đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt chung thân, tử hình, nếu không có thể sau này đưa vào thực tế không thực hiện được.               

Theo đại biểu Đặng Văn Hiếu (Thanh Hóa) việc bắt buộc ghi âm ghi hình hoạt động hỏi cung mục đích chính là nhằm chống bức cung, nhục hình, nhưng có nhiều trường hợp vụ án bắt quả tang, chứng cứ rõ ràng, nhận tội rồi thì không cần thiết ghi âm ghi hình nữa. Trong thực tế cũng không có đủ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện điều này, chưa kể là rất tốn kém…Vì vậy đại biểu Đặng Văn Hiếu đề nghị việc ghi âm, ghi hình chỉ nên thực hiện đối với một số trường hợp phục vụ quá trình điều tra sau này hoặc quá trình tuyên truyền, và với loại tội phạm đặc biệt như chung thân, tử hình.

Đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) lo ngại nếu tiến hành ghi âm, ghi hình hết thì phải bỏ ra chi phí lớn để mua thiết bị ghi âm, ghi hình và việc gỡ tư liệu ra, lưu trữ. "Chúng ta nên thực hiện từng bước, phân loại án nghiêm trọng, phức tạp, lớn thì ghi âm, ghi hình để phục vụ cho quá trình xét xử". Theo đại biểu Chương, việc hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình còn liên quan đến chất lượng cán bộ tham gia tố tụng. Do vậy, cùng với việc tiến hành ghi âm, ghi hình một điều quan trọng là nâng cao chất lượng, trình độ của cán bộ tham gia quá trình tố tụng.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM), Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, quy định như dự thảo sẽ gây tốn kém ngân sách Nhà nước, tạo thủ tục rườm rà không cần thiết.  Một số đại biểu khác đề nghị, phải cân nhắc và quy định chặt chẽ vấn đề này trong luật chứ không thể quy định một cách chung chung, nếu không sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện luật sau này.                        

Về đề xuất quyền im lặng, đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đồng tình việc cho phép người bị tạm giam, tạm giữ có quyền được im lặng để đảm bảo quyền của bị can, bị cáo, lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Quyền lưu ý phải cân nhắc đến hiệu quả phòng chống tội phạm, nếu mở quá thì yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm khó có thể đạt được.

Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng không cần thiết có quy định này. Các đối tượng tình nghi có quyền nhận tội hoặc không nhận tội nhưng khi bị thẩm vấn, hỏi cung phải trả lời câu hỏi, không được im lặng, thể hiện rõ trách nhiệm của bị can, bị cáo…

Một nội dung nữa cũng được các đại biểu đưa ra phân tích, góp ý là mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo đại biểu Trịnh Xuyên (Thanh Hóa), xu hướng giao thêm không phù hợp, mà phải là xu hướng chuyên sâu hóa các Cơ quan điều tra. Hoạt động điều tra phải có bộ máy, có điều tra viên, có nghiệp vụ điều tra. Giao thêm cho các lực lượng này nhưng không có bộ máy điều tra, không có điều tra viên thì không phù hợp, không nên, không cần thiết, và trong thực tế sẽ không làm được.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng không thể ngành nào cũng muốn được điều tra, thứ nhất là trái Nghị quyết của Đảng, thứ hai cũng không phù hợp với nhu cầu thực tiễn, thứ ba là qua khảo sát và giám sát, các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành khởi tố điều tra rất ít. Đó là điều đáng báo động, không khéo giao cho anh quyền, nó trở thành "con ngáo ộp".

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng chỉ ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, bị cáo đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt chung thân, tử hình.

Theo đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) nên giữ nguyên như quy định hiện hành là phù hợp. Cùng với đó, đại biểu Khánh chỉ ra nhiều cơ quan khác cần hơn lại không được đề cập, như: Thanh tra, Quản lý thị trường (đấu tranh, phát hiện nhiều hành vi vi phạm), Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện nhiều sai phạm. Tuy vậy, những cơ quan này không nhất thiết phải điều tra hình sự.

Nên bỏ tử hình với tội danh nào?

Thảo luận Bộ luật Hình sự (sửa đổi), một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu là nên bỏ tử hình với những tội danh nào.

Theo tờ trình của Chính phủ, đến thời điểm 30/6/2014 đã có 162 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bãi bỏ án tử hình theo luật hoặc trên thực tế, trong đó: 100 nước đã bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình; 55 nước có quy định hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế; 7 nước đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với "các tội thông thường", duy trì hình phạt tử hình đối với các tội ngoại lệ như một số tội theo luật quân sự trong hoàn cảnh đặc biệt; 37 nước và vùng lãnh thổ vẫn còn duy trì hình phạt tử hình đối với các tội phạm thông thường.

Trong 10 nước thành viên ASEAN, Campuchia và Phillipines đã bỏ hình phạt tử hình; 3 nước vẫn còn duy trì hình phạt tử hình hoặc có quy định hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế.

Dự thảo Bộ luật Hình sự bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh: cướp tài sản; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh (các điều 167, 316, 407, 413, 436, 437, 438); tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình, đó là người từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng không nên bỏ án tử hình đối với tội vận chuyển ma túy.

Vì lợi nhuận trong việc vận chuyển ma túy, buôn bán ma túy quá lớn, nên người đứng đầu các đường dây chỉ hy sinh người khác, họ toàn hy sinh dân nghèo để cuối cùng chỉ cần ngồi kiếm đủ tiền cất vào kho. Nên việc này phải triệt cả những người vận chuyển thì lúc bấy giờ sợ, không ai đi vận chuyển, không ai làm thuê nữa thì sẽ khắc phục được việc này đến cùng".

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), trong dự thảo luật quy định theo hướng đối với tội phạm về ma túy phải theo hướng nặng hơn chứ không thể nương nhẹ hoặc giảm nhẹ xuống. Ở đây, ngoài hành vi mua bán, liên quan đến tội chủ mưu cầm đầu các đường dây vận chuyển, tàng trữ chất ma túy cũng rất nguy hiểm có thể nói còn nguy hiểm hơn cả việc mua bán trái phép nữa, cho nên dự thảo cũng không nên hạn chế án tử hình đối với hành vi này.

Đại biểu Đặng Văn Hiếu (Thanh Hóa) nêu ý kiến cần phải cân nhắc đối với một số tội, như cướp tài sản rất nghiêm trọng, nguy hiểm, có nên bỏ án tử hình hay không. Hay như tội phá hoại công trình quan trọng gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cũng nên có mức tử hình.

Nguyễn Thiêm
.
.