Nhiều nước muốn đảm bảo an ninh tại eo biển chiến lược Malacca

Thứ Tư, 07/12/2005, 07:19

Với vị trí chiến lược, eo biển Malacca hiện là một trong những yết hầu giao thông hàng hải quan trọng nhất thế giới. Một số nước như Mỹ,  Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan đang tìm mọi cách để được phép tham gia "đảm bảo an ninh" ở đây vì những lợi ích khác nhau.

Eo biển Malacca nằm ở giữa hai bán đảo Sumatra và Malaysia, phía đông tiếp giáp biển Nam Trung Hoa, phía tây tiếp giáp biển Adaman. Đây là eo biển nối liền giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đồng thời nối liền châu Á, châu Âu và châu Phi. Eo biển Malacca dài 600 hải lý (1 hải lý = 1.852m), nơi rộng nhất 10 hải lý, nơi hẹp nhất chỉ có 1 hải lý nên thường xảy ra tình trạng tắc nghẽn do lượng tàu bè qua lại quá đông, thế nên về mặt quân sự, eo biển này rất dễ bị khống chế.

Đi đầu trong cuộc cạnh tranh quyền đảm bảo an ninh eo biển Malacca phải kể đến Mỹ. Để phục vụ ý đồ chiến lược làm chủ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoài việc thâm nhập quân cảng Changi của Singapore, Mỹ còn tìm mọi cách có mặt hợp pháp ở eo biển Malacca nhằm khống chế tuyến đường biển sinh tử này của một số nước.

Tháng 6/2005, khi tới dự Hội nghị An ninh châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ D.Rumfeld đã nhiều lần đề xuất việc quân Mỹ vào đóng tại eo biển Malacca vì “lo ngại” lực lượng hải quân các nước ven eo biển này khó lòng đối phó được với nạn khủng bố và cướp biển. Mỹ tình nguyện đứng ra thành lập và bảo trợ đội tuần tra hỗn hợp đảm bảo an ninh tại eo biển Malacca nhưng đề xuất này vẫn bị cự tuyệt.

Với Nhật Bản, eo biển Malacca là điểm then chốt giao thông hàng hải có tính chất sống còn, bởi 90% lượng dầu thô và 30% hàng hóa của Nhật Bản đều phải lưu thông qua eo biển này. Có mặt tại eo biển Malacca, Nhật vừa mở rộng được cửa ngõ thông thương đường biển, và tăng cường uy tín đối với một số nước trong khu vực. Chính vì thế mấy năm gần đây, Nhật luôn tích cực tìm cách gây ảnh hưởng tại khu vực này.

Nhật chủ động đề xuất viện trợ tiền, kỹ thuật cũng như đề nghị các nước Đông Nam Á tập trận quân sự chung tại Malacca để “chống cướp biển”. Nhật còn thường xuyên đứng ra tổ chức các hội nghị quốc tế về chống cướp biển, từ đó tìm cơ hội xuất hiện quân sự ở eo biển Malacca. Ngày 14/3/2005, một tàu hàng của Nhật Bản bị bắt cóc ở vùng biển giáp Malaysia, Nhật đã gợi ý để máy bay và tàu chiến Nhật tham gia giải cứu, song chưa được chấp nhận. Hiện Nhật Bản đang tìm cách “tiến vào” Malacca thông qua Indonesia.

Đối với Ấn Độ, eo biển Malacca như cánh cửa thông từ Ấn Độ Dương vào Thái Bình Dương, là con đường chính trị, kinh tế, ngoại giao tất yếu mà nước này đã và đang nỗ lực thực hiện. Về góc độ quân sự, trong số 5 eo biển ra vào Ấn Độ Dương mà Hải quân Ấn Độ muốn xác lập quyền tham gia bảo đảm an ninh thì eo biển Malacca giữ vị thế quan trọng hàng đầu.

Chính vì vậy, ngoài việc xây dựng Bộ Tư lệnh Hải quân mới trên đảo Nicoba, biển Adaman, Ấn Độ còn ra sức đẩy mạnh các cuộc diễn tập quân sự với Malaysia, Singapore, nhiều lần bày tỏ ý định muốn cử đội tàu hải quân viễn du Đông Nam Á tham gia cùng tuần tra chung đảm bảo an ninh tại eo biển Malacca.

Sau khi Mỹ đề xuất sáng kiến Phối hợp phòng vệ eo biển Malacca vào năm 2004, giữa 3 nước đảm trách an ninh chung tại eo biển Malacca là Singapore, Malaysia, Indonesia nảy sinh ý kiến khác nhau. Singapore đồng ý cho Mỹ tham gia, còn MalaysiaIndonesia kiên quyết phản đối. Cuối cùng, 3 nước cũng đã thỏa thuận được quan điểm chung là phản đối bất kỳ nước lớn nào tham gia trực tiếp đảm bảo an ninh tại eo biển Malacca.

Theo các nhà phân tích quốc tế thì việc Singapore, Malaysia, Indonesia quyết định cho Thái Lan tham gia tuần tra chung đảm bảo an ninh eo biển Malacca là hợp lý và khôn ngoan. Miền Nam Thái Lan tiếp giáp với Malaysia cách eo biển Malacca không xa, tàu thuyền xuất phát từ các đảo của Thái Lan tại Vịnh Adaman tới Malacca chỉ mất 1 giờ.

Bên cạnh đó, hầu hết nhu cầu dầu mỏ của Thái Lan đều dựa vào nhập khẩu. Thái Lan từng có ý định xây dựng tại miền Nam các công trình lớn như: Hệ thống cầu vận tải trên biển và trên bộ Faya và Kênh đào vận tải Songkhla nhằm biến chúng thành một “Kênh đào Panama ở châu Á”. Các phương án này không thực hiện được, vì vậy Thái Lan đặt hy vọng vào eo biển Malacca.

Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia đều là những nước giàu trong khối Asean, có nhiều lợi ích chung trong các lĩnh vực hợp tác đa phương và song phương nên có đầy đủ cơ sở và điều kiện để hợp tác. Đây chính là nhân tố rất quan trọng để Singapore, Malaysia, Indonesia cân nhắc mời Thái Lan tham gia đảm bảo an ninh tại eo biển Malacca

Quốc Long (theo Globe Times)
.
.