Nhìn lại cuộc chiến của Mỹ tại Iraq hơn 3 năm qua

Thứ Tư, 03/05/2006, 08:00

Đã hơn 3 năm đi qua kể từ khi Mỹ cầm đầu liên quân ồ ạt tấn công xâm lược Iraq, chính quyền Mỹ vẫn chưa thực hiện được những mưu toan “cuộc chiến dầu lửa” của họ mà đang bị dư luận trong và ngoài  nước tố cáo, lên án. Còn người dân Iraq vẫn ngày đêm sống trong mất mát, khổ cực, khủng bố, chết chóc và lo sợ...

Iraq là một nước lớn ở Trung Đông, là nước độc lập có chủ quyền và là thành viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ), có nguồn dầu lửa lớn thứ 3 trên thế giới. Lúc đương nhiệm Tổng thống S.Hussein không phụ thuộc vào Mỹ, không bị chi phối bởi đường lối ngoại giao “ép buộc” của Mỹ, dám chống lại Mỹ. Cái gọi là “Hussein” đã làm cho chính quyền Mỹ nhức mắt, đau đầu và lên kế hoạch tiêu diệt Saddam Hussein.

Để phát động cuộc chiến tiêu diệt chính quyền Saddam Hussein, Mỹ, Anh đã dựng đứng câu chuyện Iraq có vũ khí giết người hàng loạt (WMD). Để bao biện cho âm mưu đó, ngày 5/2/2003 tại Hội đồng Bảo an LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ - Powell đã công bố các bức ảnh tạp chí Vệ tinh, chứng tỏ Iraq có vũ khí WMD (?!).

Đầu năm 2003, Tổng thống W.Bush lệnh cho cơ quan tình báo nghe lén điện thoại, do đó biết được nhiều thành viên không nhất trí tấn công Iraq, vì thế Tổng thống Mỹ đã không đưa bản dự thảo nghị quyết do Mỹ, Anh soạn thảo về kế hoạch tấn công Iraq ra Hội đồng Bảo an LHQ.

Ngày 31/1/2003, Tổng thống Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair đã gặp và bàn với nhau một kế hoạch “đặc biệt” là cho máy bay do thám U2 bay trên bầu trời Iraq để “chọc tức” S.Hussein, để Hussein “ra tay” trước, tạo cớ để Mỹ, Anh tấn công Iraq hòng tránh dư luận của cộng đồng quốc tế.

Sau khi chính quyền S.Hussein sụp đổ, Mỹ đã đầu tư xây dựng nhiều căn cứ kiên cố để thực hiện âm mưu cắm chốt lâu dài tại Iraq. Tất cả các hợp đồng dầu khí trị giá nhiều chục tỉ USD mà Iraq ký với các nước trước đây bị hủy bỏ. Những công ty Mỹ độc chiếm lĩnh vực kinh doanh dầu khí Iraq.

Ba năm sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước Iraq điêu tàn, dưới sự kìm kẹp bằng vũ lực của đội quân xâm lược. Lực lượng yêu nước Iraq lúc nào cũng sẵn sàng tấn công quân Mỹ, Anh và các nước liên minh xâm lược. Hậu quả chiến tranh thật nặng nề, nhiều công trình văn hóa, nhiều di tích lịch sử bị hủy hoại, môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng nề. Điều kiện sống của người dân tồi tệ. 800.000 người tị nạn, 200 trường học bị phá hủy. 30.000 người bị giết, 120.000 người bị thương.

Tình hình an ninh chính trị ở Iraq hiện đầy bất ổn, người dân sống trong nơm nớp lo sợ. Iraq thành “bãi tập” cho các phần tử khủng bố. Trong cùng một thời gian, khủng bố trên thế giới tăng 2 lần, khủng bố ở Iraq tăng 9 lần. Xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh giành quyền lực ở Iraq liên tục xảy ra.

Sau sự kiện Đền Vàng (ngôi đền có 1.200 năm tuổi – là chốn linh thiêng nhất của người Hồi giáo dòng Shiite) bị đánh bom phá hủy ngày 22/2/2006; tiếp đến hàng chục ngôi đền khác của Sunni bị tấn công. Từ đó đến nay đã có hơn 400 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và gần 190 ngôi đền thờ bị đập phá.

Để “bảo đảm an ninh” ở Iraq, từ tháng 5/2003 đến nay Mỹ đã tiến hành hơn 120 chiến dịch lớn nhỏ để hòng tiêu diệt cái mà Mỹ cho là lực lượng “nổi dậy”, nhưng cũng không ngăn cản được. Điều đáng nói là càng mở rộng chiến dịch tiêu diệt, lực lượng nổi dậy càng phát triển rộng khắp, sẵn sàng đánh lại quân Mỹ mọi nơi, mọi lúc, mọi địa hình, trên lãnh thổ Iraq.

Mỹ đã hoàn toàn bất ngờ trước quy mô chiến tranh “du kích” của người Iraq, và ngày càng lún sâu vào vũng lầy Iraq với hơn 2.300 lính Mỹ thiệt mạng, 15.000 lính bị thương, nhân dân Mỹ ngày càng phản đối chiến tranh, phản đối chính quyền Mỹ.

Tại Mỹ, hàng trăm nghìn người biểu tình phản đối chiến tranh và đã có ít nhất 1.700 người bị bắt. Khi điều kiện sống của người dân Mỹ ngày càng khó khăn, thanh niên thất nghiệp nhiều thì ngược lại chính quyền Bush lại đổ hàng tỉ USD vào các cuộc chiến tranh mà thế giới mãi mãi lên án (chiến tranh Vùng Vịnh: 61 tỉ USD, chiến tranh Afghanistan: 17 tỉ, chiến tranh Iraq trên 100 tỉ USD). Kể từ khi phát động chiến tranh Iraq, uy tín Tổng thống Bush tụt dốc nhanh chóng. Sự ủng hộ ông chỉ còn 36%, mức thấp nhất so với uy tín của các tổng thống trước đó.

Mặc dù hoạt động ngoại giao của chính quyền Mỹ liên tục diễn ra, nhưng hậu quả của chiến tranh  Iraq vẫn luôn đè nặng và tác động không nhỏ tới tình hình an ninh thế giới. Nhiều tổ chức trong các khu vực bị chia rẽ như: EU, NATO, ASEAN... đều không có sự nhất trí trong vấn đề Iraq. Quan hệ giữa Mỹ và EU căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến nay. Các tổ chức khu vực nảy sinh mâu thuẫn, rạn nứt liên kết. Nội bộ nhiều nước trong “liên minh” cũng diễn ra không mấy suôn sẻ.

Xâm lược Iraq, Mỹ chiếm được lãnh thổ, đánh đổ S.Hussein, nhưng không ổn định được tình hình Iraq, người dân Iraq quyết tử đứng lên chống Mỹ, khiến Mỹ bị tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, tham vọng bá quyền và lòng tham dầu mỏ khiến Mỹ tìm cách trụ lại Iraq, bất chấp bị dư luận trong và ngoài nước ngày càng  lên án, bất chấp bị sa lầy ngày càng trầm trọng. Song tham vọng của Mỹ có trở thành hiện thực hay không? Câu hỏi vẫn không có câu trả lời. Còn hiện tại, độc lập - tự do của Iraq vẫn là công việc nội bộ của người Iraq giải quyết

Lê Quang
.
.