Nhóm BRICS: Hình thành một trật tự kinh tế thế giới mới

Thứ Tư, 03/04/2013, 06:40

Nhóm 5 quốc gia đang phát triển mạnh nhất (BRICS) vừa nhóm họp tại Nam Phi ngày 27/3 với mong muốn thông qua việc thành lập một ngân hàng quốc tế mang chức năng tương tự như hai định chế tài chính hiện hành là IMF và WB. Sự chuyển động đầy ý nghĩa này là bước đi tiếp theo của BRICS trong chiến lược lập ra một trật tự kinh tế khác dần thay thế hệ thống đã được các nước phương Tây dựng lên từ sau Thế chiến II và nay vẫn nằm trong tầm quyết định của nhóm G-7.

Thất hùng G-7 đã qua thời hoàng kim

Vào năm 1944, khi Thế chiến II sắp kết thúc, Mỹ cùng các nước phương Tây lập ra một kiến trúc tài chính mới cho thế giới, với hệ thống tiền tệ Bretton Woods và hai tổ chức tài chính là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB). Bretton Woods là địa danh của nơi tổ chức hội nghị quốc tế tại tiểu bang New Hampshire của Mỹ.

Kiến trúc ấy vừa giải quyết các nguyên nhân dẫn tới Đại khủng hoảng 1929-1933, vừa tái thiết các nước bị tàn phá trong chiến tranh, vừa mở ra nền tảng phát triển kinh tế toàn cầu theo khuynh hướng tự do. Nhưng hệ thống tổ chức và giao dịch này cũng xác định vai trò của các nước phương Tây trước sự lớn mạnh của Liên bang Xôviết trong thời Chiến tranh lạnh.

Đấy là kiến trúc kinh tế với sức hút rất mạnh cho các quốc gia vừa giành lại độc lập từ ách thực dân của châu Âu vào thập niên 60. Về chuyên môn, IMF vạch ra phương hướng trao đổi và phát triển như một luật chơi chung giữa các nước và có thể tung tiền cấp cứu rồi chỉ đạo phương pháp cải cách tiền tệ và hối đoái cho nước nào lâm nạn và bị khủng hoảng kinh tế hay hối đoái. Phương hướng đó áp dụng quy luật tự do của thị trường với hàng rào quan thuế cực thấp và phương pháp là chấn chỉnh chi - thu công để hạn chế bội chi và ổn định hối đoái.

WB thì viện trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước bị tàn phá vì chiến tranh, chủ yếu là châu Âu, rồi cho các nước nghèo đang chuyển sang kinh tế thị trường theo nguyên tắc tự do, với vai trò chủ chốt của tư doanh.

Hai định chế ấy đều nằm trong thẩm quyền quyết định của các nước phương Tây vì họ góp vốn nhiều nhất và vạch ra điều lệ về tổ chức.  Nhưng trật tự kinh tế đó đã một phần sứt mẻ vào tháng 8/1971 khi Tổng thống Richard Nixon đơn phương quyết định thả nổi đồng USD chứ không neo vào vàng theo tỷ lệ 35 USD ăn một ounce (khoảng 31 gram), nên mới được gọi là Bretton Woods II. Một trong nhiều lý do của quyết định ấy chính là sự hao tốn vì cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam.

Ngày nay, 7 quốc gia công nghiệp của thế giới, được gọi là Thất hùng G-7, vẫn còn cùng nhau quyết định về chủ trương và đường lối kinh tế cho thế giới qua các hội nghị của khối G-7. Nhưng thực lực kinh tế của họ suy yếu dần, nhiều nước bị suy trầm, suy thoái, thậm chí khủng hoảng. Còn lại chỉ có Mỹ vẫn duy trì được một phần trọng lượng, với khả năng sản xuất ở khoảng 22% của sản lượng toàn cầu nhưng lại bị chi phối bởi tinh thần bao cấp, tăng chi và tập trung chú ý vào những nhu cầu ở bên trong.

Trong khi đó, và cũng nhờ sự bảo hộ của Mỹ, nhiều quốc gia đã phát triển mạnh để thành cường quốc công nghiệp và chiếm một tỷ trọng lớn hơn trong sản lượng toàn cầu. Nhưng họ vẫn bị chi phối bởi quyết định của khối G-7 và hai định chế tài chính IMF và WB.

BRICS muốn thoát cái bóng quá khứ của cựu lục địa

Trong số các nước đang lên, 5 quốc gia của nhóm BRICS (Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi) là cường quốc kinh tế cấp vùng và thấy rằng họ bị gạt ra ngoài tiến trình quyết định của Thất hùng G-7. Họ lập ra một cơ chế hợp tác với nhau để có vai trò mạnh hơn trong hệ thống kinh tế thế giới. Họ muốn tiến tới một trật tự kinh tế khác để cạnh tranh và có thể thay thế hệ thống phương Tây đang suy yếu.

Năm 2001, kinh tế gia người Anh là Jim O'Neill, nhân viên cao cấp của tổ hợp đầu tư Goldman Sachs của Mỹ, đã lần đầu tiên dùng 4 chữ tắt là BRIC để nói về 4 nền kinh tế đang tiến lên hàng ngũ các nước phát triển, đó là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Từ nguyên thủy, đấy chỉ là một sự tiện dụng ngôn ngữ cho báo chí vì nhiều nền kinh tế khác cũng đang vươn thành cường quốc, như Hàn Quốc hay Mexico hoặc Indonesia. Nhưng các nền kinh tế này có thể đã hiện diện trong khối OCDE do các nước phương Tây lập ra tại Paris từ năm 1948 và cải danh từ năm 1961 như một diễn đàn trao đổi thông tin và kiến thức về kinh tế. Ban đầu là các nước châu Âu trong khối được phối hợp để sử dụng viện trợ Mỹ trong khuôn khổ kế hoạch Marshall, sau này mới mở rộng ra ngoài và khối OCDE hiện có 34 thành viên gồm các nước công nghiệp hóa phương Tây và các nước mới nổi của thế giới và cùng chấp nhận một quy luật chung về kinh tế dựa trên thị trường tự do.

Nhóm BRIC không thuộc vào khối đó. Nhu cầu có tiếng nói riêng, để làm lực đối trọng hay đối lập với các nước dân chủ phương Tây khiến lãnh đạo của nhóm BRIC thường xuyên gặp nhau, rồi mở rộng vòng kết hợp để đón thêm Cộng hòa Nam Phi. Dù chưa là cường quốc kinh tế ngang bằng với các nước mới nổi Đông Á và với dân số chỉ có khoảng 52 triệu, Nam Phi vẫn là một biểu tượng của châu Phi và tham gia diễn đàn BRIC, từ đó nhóm này có tên là BRICS.

Với dân số 3 tỉ người, BRICS có sản lượng kinh tế chung gần 15.000 tỉ USD, bằng 20% của toàn cầu và gần bằng Mỹ, và khối dự trữ ngoại tệ 4.000 tỉ, 3/4 là của Trung Quốc. Đây là thế lực kinh tế rất đáng kể.

BRICS nổi lên thay thế nền kinh tế của các nước G-7 đang trong cơn suy thoái.

Ngân hàng BRICS - Trung Quốc lại là “sếp sòng”

Muốn tiếng nói có trọng lượng, nhóm BRICS phải góp phần giải quyết khó khăn kinh tế cho các nước khác mà khỏi cần đến hai định chế phương Tây là IMF và WB. Chiều hướng đó đã xuất hiện từ lâu, thí dụ như với Sáng kiến Chiang Mai vào năm 2000.

Rút kinh nghiệm từ vụ khủng hoảng Đông Á 1997-1998, các nước nhận ra nhu cầu góp chung một số ngoại tệ để lập quỹ cứu trợ. Ban đầu thì hai nước giao dịch với nhau có thể thỏa thuận về một hợp đồng trao đổi ngoại tệ 5-10 tỉ để nước nào nhất thời mà cần ngoại tệ thì sẽ trích từ quỹ chung, đó là quy tắc "currency swap". Căn bản ở đây là những thỏa thuận song phương giữa hai nước.

Theo hướng đó, ASEAN mở ra khuôn khổ đối thoại với 3 nước Đông Á là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhóm ASEAN+3 này khai triển Sáng kiến Chiang Mai qua một cơ chế hoán đổi ngoại tệ "currency swap" ngày càng có tính chất đa phương thay vì song phương. Tính đến năm ngoái thì khối dự trữ ngoại tệ chung của Sáng kiến Chiang Mai đã lên tới 240 tỉ USD. Nghĩa là các nước cam kết sẵn với nhau 240 tỉ USD để khi hữu sự thì giúp nhau vượt qua sóng gió mà khỏi phải cầu cứu Quỹ IMF.

Lần nhóm họp mới đây nhất, nhóm BRICS còn trù tính chung tiền để lập ra một ngân hàng quốc tế gọi là Ngân hàng BRICS để vừa tài trợ nước nào cần tiền đầu tư, là chức năng của WB, vừa giúp các nước ổn định về hối đoái khi thiếu ngoại tệ, là chức năng của Quỹ IMF.

Ngân hàng BRICS không chỉ hoạt động song hành với hai định chế có sẵn của phương Tây, mà còn có điều kiện yểm trợ dễ dãi hơn, chứ không đòi hỏi cải tổ cơ cấu kinh tế cho tự do và phải tôn trọng nhân quyền, dân chủ, hoặc bảo vệ môi sinh như các nước phương Tây vẫn muốn. Người ta thấy ra một thế cạnh tranh mới, trong khi các nước phương Tây bị khủng hoảng và mắc nợ vì chính sách tăng chi để duy trì chế độ bao cấp.

BRICS đang lập ra một trật tự kinh tế khác với hậu quả địa dư chiến lược lớn lao hơn những tính toán về tài chính hay ngân hàng. Không chỉ góp phần yểm trợ các nước nghèo, Brics còn muốn giúp những quốc gia đã bị gạt ra khỏi khuôn khổ trợ giúp của Mỹ. Họ muốn tranh giành ảnh hưởng với Mỹ và các nước phương Tây già nua ở đằng sau.

Thí dụ như Brazil có thể qua Ngân hàng BRICS giúp Argentina vượt qua sóng gió về hối đoái và tăng cường ảnh hưởng với nước láng giềng ở miền Nam, trở thành hậu phương yểm trợ nhiều quốc gia trong khu vực và thu hẹp ảnh hưởng của Mỹ. Liên bang Nga và Trung Quốc cũng sẽ có một định chế tác động và viện trợ các nước châu Á xưa nay vẫn nương tựa vào Mỹ.

Họ tiến xa hơn Sáng kiến Chiang Mai để mở ra một cơ hội hợp tác kinh tế nằm bên ngoài hệ thống phương Tây và thống nhất quan điểm ngoại giao khác với chủ trương của Mỹ. Tất nhiên là với dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỉ USD và cả ngàn tỉ khác được trao cho các ngân hàng chính sách, đứng đầu là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc ECB, Trung Quốc sẽ giữ vị trí trọng yếu trong Ngân hàng BRICS và là hậu phương lớn của nỗ lực bành trướng kinh tế qua châu Phi, châu Á và châu Mỹ. Khi ấy, những tính toán về địa dư chiến lược của Bắc Kinh có thể chi phối cơ chế vận hành của Ngân hàng BRICS - thí dụ như lấy nhiều rủi ro tín dụng và chấp nhận điều kiện tài trợ dễ dãi hơn.

Chưa ra khỏi những chật vật của cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ lại trôi vào những khó khăn tài chính và bế tắc chính trị suốt 5 năm qua, với sự thắng thế của khuynh hướng bao cấp và chủ hòa. Trong khi đó, châu Âu lụn bại, dân số bị lão hóa, kinh tế bị suy trầm. Và khối euro chưa ra khỏi khủng hoảng. Trong hoàn cảnh đó, các cường quốc hạng nhì đã nổi lên và đòi có tiếng nói và thế lực mạnh hơn trên diễn đàn quốc tế. Nhưng ở ba khu vực khác nhau, với nhiều bài toán riêng bên trong từng nước, nhóm BRICS có thể thách đố Thất hùng già nua G-7 hay không? Câu trả lời còn ở phía trước

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.