Những chuyển biến đáng chú ý tại khu vực Nam Mỹ

Thứ Sáu, 15/05/2009, 17:20
Nam Mỹ đang được nhìn nhận như một khu vực có nhiều thay đổi đáng chú ý trong vài năm qua. Một minh chứng cho thực tế trên là hai sự kiện có ý nghĩa trái ngược nhau hoàn toàn lại xảy ra cùng vào một ngày cuối tháng 4 vừa qua.

Đầu tiên là một hiệp ước lịch sử giữa Bolivia và Paraguay, đặt dấu chấm hết cho vụ tranh chấp lãnh thổ kéo dài gần thế kỷ, từng bắt nguồn từ một cuộc chiến đẫm máu. Ở một thái cực hoàn toàn khác, Nam Mỹ lại bắt đầu nảy sinh một cuộc đối đầu ngoại giao gay gắt giữa Venezuela và Peru.

Giải quyết bất đồng cũ

Thủ đô Argentina là nơi chứng kiến sự kiện lịch sử vào ngày 27/4 vừa qua, đánh dấu thời điểm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 80 năm giữa Bolivia và Paraguay, từng mở đầu bằng một cuộc chiến được đánh giá là đẫm máu nhất tại Nam Mỹ trong thế kỷ XX.

Cuối cùng thì Tổng thống Bolivia Evo Morales và đồng nghiệp tại Paraguay Fernando Lugo đã cùng nhau đặt bút ký một hiệp ước quan trọng phân định ranh giới cụ thể giữa hai quốc gia, đồng nghĩa với việc giải quyết hoàn toàn vụ tranh chấp lãnh thổ kéo dài cả thế kỷ giữa hai nước.

Thủ đô Buenos-Aires được lựa chọn cho lễ ký kết này cũng không phải là chuyện hoàn toàn tình cờ - khi chính Argentina vào năm 1938 đã được giao trọng trách đứng đầu một ủy ban đặc biệt nhằm giải quyết xung đột (trong đó còn có nhiều quốc gia khác như Brazil, Chile, Mỹ, Peru và Uruguay).

Sự kiện trên cũng được đánh giá là một thành công về mặt ngoại giao của bà Cristina Kirchner, khi nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Argentina đã biết cách đạt được thỏa thuận của tất cả các thành viên trong Ủy ban giải quyết xung đột để có thể chính thức thống nhất về việc ký kết hiệp ước.

Trong buổi lễ lịch sử vừa qua với sự hiện diện của bà Cristina, cả hai tổng thống Morales và Lugo đều công khai buộc tội về cuộc chiến này cho các tập đoàn kinh tế đa quốc gia (như theo lời Tổng thống Lugo, đây là cuộc chiến "sặc mùi dầu hỏa"), đồng thời cam kết đường biên chung giờ đây sẽ chỉ phục vụ cho quá trình hợp tác và liên kết giữa hai quốc gia. 

Nhìn lại lịch sử, đa số các nhà quan sát đều có chung một đánh giá, cuộc chiến ác liệt giữa Bolivia và Paraguay (còn gọi là cuộc chiến tranh Chaco) trên thực tế là một cuộc chiến hết sức phi nghĩa, do nó nảy sinh từ những đối đầu nhằm tranh giành tài nguyên thiên nhiên giữa các tập đoàn kinh tế đa quốc gia.

Từ đầu thế kỷ XX, chiến trường chính của cuộc chiến là khu vực tỉnh Chaco, được cả Bolivia và Paraguay coi là vùng lãnh thổ của mình. Trong quá khứ, người Paraguay có ưu thế hơn vì đã có một quá trình định cư và khai phá lâu dài.

Nhưng trước thời điểm năm 1928, Bolivia không tỏ ra có sự quan tâm đặc biệt nào tới vùng lãnh thổ tranh chấp này. Mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi khi tại Chaco được xác định có các dấu vết của dầu mỏ, được đánh giá là "vàng đen" của thời đại ngày nay. Được bắt đầu từ những vụ tranh chấp biên giới nhỏ lẻ, nhưng xung đột lãnh thổ trên đến năm 1932 đã trở thành một cuộc chiến quy mô lớn thực sự.

Chính vì bắt nguồn từ quyền lợi kinh tế, nên đứng đằng sau mỗi quốc gia đều có sự hậu thuẫn của các tập đoàn dầu mỏ xuyên quốc gia - bên phía Bolivia là Tập đoàn Standard Oil của Mỹ, còn bên phía Paraguay là Tập đoàn Royal Dutch Shell của Anh và Hà Lan.

Ở một cấp độ cao hơn, chính quyền Mỹ đã hậu thuẫn cho chế độ tại Bolivia, còn London lại nhờ Argentina (khi đó đang có quan hệ thân thiện) để vũ trang cho Paraguay.

Do được chuẩn bị tốt hơn, nên phía Bolivia ban đầu đã chiếm được ưu thế cả về số quân và trang bị vũ khí. Trong khi Paraguay khi đó vẫn chưa kịp phục hồi sau gần nửa thế kỷ chiến tranh với Argentina, Brazil và Uruguay, khiến quốc gia này bị mất tới cả nửa lãnh thổ cùng 80% dân số.

Tuy nhiên càng về sau, Paraguay không những đã chặn được bước tiến của quân đội Bolivia, mà còn chuyển sang phản công. Đến năm 1934, chiến sự đã diễn ra trên lãnh thổ Bolivia.

Sau một loạt những thất bại nặng nề, Chính phủ Bolivia đã buộc phải đồng ý ngừng bắn vào ngày 12/6/1935, trước khi một hiệp ước hòa bình được ký kết vào tháng 10. Thỏa thuận chính thức sau đó được ký vào năm 1938 cũng tại Buenos-Aires. Theo đó, 3/4 diện tích của tỉnh Chaco thuộc về Paraguay.

Cuộc chiến Chaco được đánh giá là một xung đột vũ trang đẫm máu nhất tại Nam Mỹ trong thế kỷ XX, với con số người thiệt mạng theo các đánh giá khác nhau từ 100 ngàn đến 250 ngàn người - một thiệt hại hết sức to lớn nếu biết rằng dân số cả hai nước vào thời điểm đó chỉ có gần 4,5 triệu người.

Tuy nhiên, những tranh chấp về đường biên vẫn tiếp tục diễn ra gây căng thẳng thường xuyên trong quan hệ giữa hai nước trong suốt hàng chục năm sau, trước khi được chính thức chấm dứt vào thời điểm hôm 27/4 vừa qua. Cần nói thêm là dù cả hai nước đều phải trả giá rất đắt cho cuộc chiến này, nhưng những mỏ dầu có ý nghĩa kinh tế thực sự tại Chaco đã không được tìm thấy.

Bùng phát xung đột ngoại giao Venezuela - Peru

Nếu như phía nam khu vực Nam Mỹ vừa diễn ra một sự kiện trang trọng trong quan hệ Bolivia - Paraguay, thì tại phía bắc lại nhen nhóm một tiến trình có ý nghĩa hoàn toàn trái ngược. Những dấu hiệu của một cuộc xung đột ngoại giao gay gắt mới đã bắt đầu, sau khi Venezuela cho triệu hồi đại sứ của mình khỏi Peru.

Quyết định này được đưa ra là để phản đối việc chính quyền tại Lima đã cho phép tị nạn chính trị đối với Manuel Rosales, thủ lĩnh phe đối lập tại Venezuela, từng là đối thủ của Tổng thống Hugo Chavez trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2006.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Peru là Jose Antonio Garcia Belaunde đã chính thức thông báo chấp nhận đơn xin tị nạn chính trị của Rosales, người khi đó đang có mặt tại Peru với tư cách khách du lịch. Bộ Ngoại giao Venezuela ngay lập tức đã gọi quyết định trên là "trò nhạo báng luật pháp quốc tế", do chính Interpol đã ban hành trát truy nã quốc tế đối với chính trị gia đối lập trên. Caracas kèm theo đó cũng cảnh báo sẽ xem xét lại mức độ quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Những cáo buộc về tội tham nhũng đối với Manuel Rosales - đang lãnh đạo đảng đối lập "Thời mới" (Un Nuevo Tiempo), đồng thời là Thị trưởng thành phố Maracaibo tại Venezuela - đã bắt đầu xuất hiện sau cuộc bầu cử địa phương năm 2008.

Đến tháng 3/2009, những lời buộc tội chính thức đã được đưa ra, liên quan đến giai đoạn thủ lĩnh phe đối lập này làm thống đốc tại bang Zulia, khu vực khai thác dầu mỏ hàng đầu tại Venezuela. Trong đó đáng chú ý có các tội danh làm giàu trái phép từ việc phân phối các gói thầu và tham nhũng. Nếu được tòa án thừa nhận, Rosales có nguy cơ phải đối đầu với bản án từ 3 tới 10 năm tù.

Hiện vẫn chưa thể đánh giá rõ ràng hậu quả cuộc xung đột ngoại giao giữa Peru và Venezuela. Xét riêng về quan điểm kinh tế, lưu lượng hàng hóa trao đổi giữa hai nước không quá lớn, đồng nghĩa với khả năng gây áp lực kinh tế của Caracas lên Lima vẫn có nhiều hạn chế.

Tuy nhiên do Tổng thống Hugo Chavez được đánh giá là một người có những hành động bất ngờ và kiên quyết, nên hậu quả chính trị từ cuộc xung đột ngoại giao trên là không thể lường trước. Trước mắt, mâu thuẫn ngoại giao Peru - Venezuela sẽ trở thành một điểm nóng mới không dễ giải quyết trên bình diện khu vực

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.