Những điểm mới trong dự thảo sửa đổi, bổ sung bộ luật hình sự

Thứ Ba, 11/11/2008, 11:00
Tại kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã có tờ trình với Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999. 8 năm qua, BLHS 1999 đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh trật tự xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tuy nhiên, BLHS hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế đòi hỏi phải được khắc phục...

Bỏ hình phạt tử hình tại 17/29 điều luật

Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS lần này đề cập đến 48 điều luật của BLHS hiện hành và bổ sung mới 16 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản theo hướng hạn chế phạm vi áp dụng của hình phạt tử hình. Dự thảo Luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại 17/29 điều luật hiện hành, chiếm tỉ lệ khoảng 58,6%.

Tuy nhiên, dù bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm quy định tại 17 điều luật thì cũng không giảm án tử hình trên thực tế được bao nhiêu. Bởi thực tế số án tử hình chủ yếu tập trung vào một số tội phạm vẫn còn giữ lại hình phạt tử hình, nhất là tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy được quy định tại Điều 194 BLHS.

Do vậy, để góp phần giảm án tử hình trên thực tế, Dự thảo Luật cũng đề xuất sửa đổi Điều 194 về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý theo hướng tách riêng tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194a) và bỏ hình phạt tử hình đối với tội này. Chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (Điều 194).

Quy định này góp phần cá thể hóa các đối tượng phạm tội để bảo đảm chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với những người phạm tội đến mức đáng phải chịu như vậy.

Nếu chứng minh được hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép nằm trong quy trình mua bán trái phép chất ma túy, tiếp tay cho hoạt động mua bán trái phép chất ma túy thì người có hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy bị xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn nếu chỉ đơn thuần là hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy mà không liên quan đến việc mua bán thì hình phạt cao nhất là tù chung thân đối với người phạm tội. Dự thảo cũng đề xuất phi hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Bổ sung thêm các quy định về miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội đang chấp hành án phạt tù.

Xử lý hình sự hành vi đầu cơ, thêm 3 tội mới về môi trường

Dự thảo Luật sẽ sửa đổi, bổ sung tội đầu cơ theo hướng mở rộng, tạo ra khả năng xử lý về hình sự đối với những hành vi đầu cơ, đồng thời tăng chế tài phạt tiền nhằm góp phần ổn định thị trường, giá cả.

Bổ sung vào tội trốn thuế thêm hành vi gian lận thuế, đồng thời, nâng các mức định lượng số tiền trốn thuế, lậu thuế để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thiết kế lại cấu thành của tội xâm phạm quyền tác giả và tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ cần phải xử lý hình sự trên cơ sở các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Dự thảo Luật bổ sung một số tội phạm mới trong lĩnh vực tài chính - kế toán và trong lĩnh vực chứng khoán nhằm góp phần đấu tranh có hiệu quả với các hành vi phạm tội mới trong các lĩnh vực này. Đó là: tội in, phát hành, mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước; tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước; tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội gian lận, lừa đảo trong giao dịch chứng khoán; tội thao túng giá chứng khoán.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số tội phạm về môi trường theo hướng: hợp nhất 3 tội gây ô nhiễm môi trường (không khí, nguồn nước và đất) thành một tội gây ô nhiễm môi trường.

Để xử lý hình sự đối với các tội phạm này cần có hành vi thải vào không khí, nguồn nước, chôn vùi vào đất các chất gây ô nhiễm môi trường vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác.

Sửa tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường thành tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam với nội dung xử lý về hình sự đối với người lợi dụng việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế liệu hoặc hóa chất, chế phẩm sinh học hoặc bằng thủ đoạn khác đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam.

Bổ sung thêm 3 tội mới về môi trường nhằm góp phần răn đe, phòng ngừa và xử lý đối với những hành vi vi phạm về môi trường có khả năng gây hậu quả rất lớn cho sức khỏe, tính mạng con người. Đó là: tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường và tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại.

Để góp phần khắc phục một bước những bất cập về mặt pháp luật liên quan đến việc quy định các tội phạm liên quan đến mạng máy tính, Dự thảo Luật xác định lần sửa đổi, bổ sung này tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện các quy định hiện hành và bổ sung thêm 2 tội phạm mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đó là: tội truy cập bất hợp pháp vào mạng viễn thông, mạng máy tính, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác; tội sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, mạng Internet hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Sửa đổi, bổ sung tội buôn người, khủng bố, rửa tiền

Lý giải về những điểm sửa đổi, bổ sung liên quan tới tội buôn bán phụ nữ trẻ em, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng tại Việt Nam, trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, tình hình mua bán phụ nữ, trẻ em xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, đặc biệt, vừa qua đã xuất hiện một số vụ buôn bán nam giới. BLHS 1999 chỉ quy định tội mua bán phụ nữ và tội mua bán, chiếm đoạt, đánh tráo trẻ em. Chính vì vậy, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để trừng trị những hành vi buôn bán nam giới từ đủ 16 tuổi trở lên.

  Bên cạnh đó, các yếu tố cấu thành của tội mua bán phụ nữ, tội mua bán trẻ em theo quy định hiện nay còn những điểm chưa thật sự phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Để tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn bán người ở nước ta và thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, Dự thảo Luật dự kiến quy định tội buôn bán người. Các tình tiết tăng nặng định khung của tội buôn bán người được nghiên cứu bổ sung đầy đủ. Khung hình phạt được rút ngắn, đồng thời bổ sung thêm hình phạt tịch thu tài sản và nâng mức phạt tiền bổ sung. Đối với những hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để lạm dụng, bóc lột trẻ em thì sẽ bị trừng trị theo tội buôn bán người. --PageBreak--

BLHS hiện hành mới chỉ có quy định về tội khủng bố "nhằm  chống chính quyền nhân dân hoặc gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của Việt Nam". Quy định này mới chỉ đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia của Việt Nam mà chưa tính đến yêu cầu đấu tranh với các hành vi khủng bố mang tính quốc tế. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản cả về mặt hành vi cấu thành lẫn về tính chất tội phạm cho phù hợp với các điều ước quốc tế và các văn kiện pháp lý quốc tế khác liên quan đến chống khủng bố.

Hành vi khủng bố được thực hiện nhằm vào 1 trong 3 mục đích: gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng; ép buộc chính quyền làm hoặc không làm một việc nhất định theo yêu cầu của những kẻ khủng bố; ép buộc tổ chức quốc tế làm hoặc không làm một việc nhất định theo yêu cầu của những kẻ khủng bố. Dự thảo Luật cũng dự kiến bổ sung thêm tội tài trợ khủng bố.

Liên quan tới tội rửa tiền, trong BLHS hiện hành, điểm bất cập lớn nhất của hai tội phạm này là chưa bao quát được hết các hành vi rửa tiền xảy ra trên thực tế, như: sử dụng tiền, tài sản do phạm tội mà có vào việc đánh bạc hợp pháp (casino), làm quà tặng, làm từ thiện, tài trợ cho các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và các hoạt động phi lợi nhuận khác; dịch chuyển tài sản biết rõ là do phạm tội mà có từ nơi này sang nơi khác nhằm mục đích che giấu hoặc ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản; che giấu, ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản bằng các biện pháp như: ngụy trang các thông tin về chủ sở hữu, về nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản; sử dụng tài sản mà không kèm theo việc chiếm hữu tài sản.

Để tiếp tục hoàn thiện các quy định về tội rửa tiền, Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung theo hướng bao quát các hành vi rửa tiền được đề cập trong Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC) và các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), cụ thể, tội rửa tiền gồm 4 nhóm hành vi:

Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền hoặc tài sản khác biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó.

Sử dụng tiền hoặc tài sản khác biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác.

Che giấu các thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền hoặc tài sản khác biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó.

Thực hiện một trong các hành vi nêu trên đối với tiền hoặc tài sản khác biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Tham ô và nhận hối lộ: chung thân hay tử hình?

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, có một số ý kiến cho rằng, trong khi Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng thì việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô (Điều 278) tội nhận hối lộ (Điều 279) trong thời điểm hiện nay là chưa thích hợp.

Về vấn đề này Chính phủ thấy rằng, đặc trưng của tội tham ô và tội nhận hối  lộ là người phạm tội vì động cơ vụ lợi mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi bất chính bằng cách thực hiện chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý hoặc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào.

Để đấu tranh có hiệu quả chống tham nhũng điều quan trọng không phải là tước đoạt sinh mạng của họ mà phải kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó đáng chú ý là các biện pháp loại bỏ, triệt tiêu các nguyên nhân, điều kiện phạm tội (không cho tiếp tục đảm nhiệm chức vụ) và thu hồi lại các khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà họ có được từ việc phạm tội, loại trừ khả năng tẩu tán hoặc hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có.

Do vậy, đối với tội tham ô và tội nhận hối lộ, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân kết hợp với các hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, đồng thời áp dụng các biện pháp tư pháp để thu hồi các khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội là đã đủ để răn đe, trừng trị đối với người phạm tội, bảo đảm được tính phòng ngừa chung, góp phần hạn chế và đấu tranh có hiệu quả với tình trạng tham nhũng.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thì Ủy ban Tư pháp cho rằng không nên loại bỏ hình phạt tử hình đối với 2 tội danh này vì hiện nay tệ nạn tham nhũng được coi là quốc nạn và theo Báo cáo của Chính phủ thì vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp; đấu tranh phòng, chống tham nhũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, của tất cả các ngành, các cấp, các địa phương và của mọi người dân, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta.

"Do đó, việc tiếp tục duy trì và áp dụng hình phạt tử hình đối với 2 tội danh này là cần thiết nhằm đề cao tác dụng giáo dục, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn tham nhũng trong giai đoạn hiện nay; đồng thời cũng thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc xử lý nghiêm minh đối với tội phạm tham nhũng nhằm củng cố lòng tin của nhân dân đối với bộ máy Nhà nước" - bà Thu Ba nói. 

Dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm được quy định tại 17 điều luật cụ thể. Đó là: tội hiếp dâm (Điều 111); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); tội buôn lậu (Điều 153); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197); tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221); tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231); tội tham ô tài sản (Điều 278); tội nhận hối lộ (Điều 279); tội đưa hối lộ (Điều 289); tội chống mệnh lệnh (Điều 316); tội đầu hàng địch (Điều 322) và tội phá hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334), tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 341), tội chống loài người (Điều 342) và tội phạm chiến tranh (Điều 343).

Tân Lương
.
.