Những đồn đoán về quan hệ Nga – Triều Tiên

Thứ Năm, 07/05/2015, 16:25
Việc cử đại diện hoặc đích thân nguyên thủ một quốc gia tới tham dự lễ kỷ niệm kết thúc Thế chiến II tổ chức tại Nga ngày 9/5 tới sẽ cho thấy mức độ quan hệ của nước đó với Nga như thế nào. Hầu hết giới lãnh đạo phương Tây, vốn đang đối đầu với Nga, sẽ không tới Moscow vào ngày này. Nhưng quyết định hủy chuyến thăm Nga của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lại khiến dư luận bàn tán nhiều hơn.

Trong thông báo mới nhất, ngày 4/5, Hãng tin KCNA cho hay chính quyền Triều Tiên sẽ cử Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong-nam tới tham dự lễ kỷ niệm kết thúc Thế chiến II tổ chức tại Nga ngày 9/5 sau lời tuyên bố hủy chuyến thăm này của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Trước đó, Nga đã mời ông Kim Jong-un tham dự buổi lễ và nhận được xác nhận tham dự từ ông Kim từ tháng 1/2015. Chuyến viếng thăm lần này là sự kiện được mong đợi từ lâu bởi đây là chuyến thăm nước ngoài chính thức đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011.

Theo kế hoạch ban đầu, ông Kim sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 5, trùng với Ngày Chiến thắng – kỷ niệm 70 năm Liên Xô chiến thắng phát xít Đức. Nếu tham dự dịp lễ này, ông Kim cũng có cơ hội gặp gỡ khoảng 30 nguyên thủ quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, Cuba, Ấn Độ, Đức, Việt Nam và Venezuela. Chuyến đi này đã được mong đợi kể từ tháng 12/2014, khi truyền thông quốc gia Nga thông báo sẽ mở rộng danh sách khách mời.

Song nguyên nhân thực sự của quyết định này là gì? Nhiều giả thuyết đã được đưa ra như từ sự bất ổn nội bộ cho tới lời từ chối tổ chức một cuộc đàm phán vũ khí của Nga. Nhiều nhà phân tích cho rằng, quyết định của Bình Nhưỡng liên quan đến vấn đề hình ảnh của vị lãnh tụ trẻ của họ nhiều hơn là khả năng tình hình nội bộ bất ổn. Với một đất nước khép kín và nhiều bí mật như Triều Tiên thì cụm từ “công việc đột xuất trong nước” vẫn thường làm người ta liên tưởng, suy đoán về những bất ổn trong nội bộ.

Tuy vậy, trong quyết định đột ngột này của Bình Nhưỡng, dường như khả năng bất ổn nội bộ không thuyết phục những chuyên gia về Triều Tiên. Ông Andrei Lankov, Giáo sư Đại học Kookmin tại Seoul, một chuyên gia về Triều Tiên, không tin vào lý do có biến trong nội bộ lãnh đạo Bình Nhưỡng vì “ông Kim đã thay thế nhân sự cao cấp trong quân đội và vị thế của ông ta bây giờ rất vững”.

Chuyên gia phân tích thời cuộc Triều Tiên, Daniel Pinkston thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cũng bác bỏ các giả thuyết cho rằng, các diễn biến mới đây cho thấy tình trạng bất ổn trong chính quyền Bình Nhưỡng, hoặc bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy quyền lực của ông Kim Jong-un đang bị lung lay.

Pinkston cho rằng, việc bãi bỏ chuyến đi Nga vào phút chót không phải là điều bất thường, xét về cách thức vận hành nghi thức an ninh của Triều Tiên. Ông nói: “Nói chuyện với những người đã gặp ông Kim Jong-un, dĩ nhiên nghi thức an ninh rất chặt chẽ và cách thức vận hành ở Triều Tiên, Ban chỉ huy Phòng vệ chịu trách nhiệm về an ninh cho ông ta, thì họ chỉ xác nhận mọi việc vào phút chót”.

Khi ông Kim Jong-un nhận lời mời đến Moscow dự lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít, giới quan sát chính trị đã đánh giá đây là một động thái ngoại giao quan trọng của Bình Nhưỡng. Không ít ý kiến đánh giá theo hướng chuyến đi là dấu hiệu Triều Tiên muốn thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc và đang ngả dần về Nga.

Tháng 11/2014, Choe Ryong-hae, Đặc phái viên của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, đã có chuyến thăm Nga kéo dài một tuần để gia tăng mức độ đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế song phương. Chuyến thăm Nga của ông Choe Ryong-hae là sự tiếp nối hợp lý về việc nâng cao tiến độ hợp tác giữa Nga và Triều Tiên. Quan hệ Nga - Triều dưới thời Liên Xô cũ nồng ấm hơn bây giờ, sau đó có phần lơi lỏng sau khi Liên Xô tan rã.

Sự ấm lên đã bắt đầu từ tháng 7/2013 và được thúc đẩy khi Moscow đối đầu với phương Tây từ giữa năm nay. Năm 2014 đã có hàng chục chuyến thăm lẫn nhau của các lãnh đạo Nga và Triều Tiên, trong đó đáng chú ý nhất là sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao CHDCND Triều Tiên trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông ở Sochi, các chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Triều Tiên, hay chuyến thăm Bình Nhưỡng của Bộ trưởng Bộ Phát triển vùng Viễn Đông Alexander Galushki.

Tổng thống Nga V.Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Về quan hệ kinh tế và thương mại, giữa hai nước gần đây đã có những bứt phá mạnh mẽ. Khoản tiền Triều Tiên nợ Liên Xô trước đây, vật cản trong phát triển quan hệ giữa hai nước đã được phía Nga xóa bỏ. Khắc phục những trở ngại lớn về chính trị và kỹ thuật, Tập đoàn Đường sắt Nga đã xây dựng tuyến đường sắt hiện đại từ nhà ga Hassan của Nga đến cảng Rajin của Triều Tiên. Tập đoàn này cũng đã tái thiết một trong những cầu tàu của cảng đóng băng nước sâu, nhờ đó mà các công ty Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến cảng này.

Công ty Nga Mostovik đã khai trương dự án đầy tham vọng tái thiết các tuyến đường sắt Triều Tiên, còn dự án khôi phục một trong những nhà máy nhiệt điện ở Bình Nhưỡng cũng đang được thực hiện. Quan trọng hơn, Bình Nhưỡng đã đồng ý thanh toán cho các dự án tốn kém về tái thiết cơ sở hạ tầng và năng lượng bằng những tài nguyên thiên nhiên có giá trị mà họ có rất nhiều, nhưng trước đây chưa bao giờ chia sẻ.

Theo các chuyên gia, Nga và Triều Tiên có tiềm năng hợp tác rất lớn, kể cả trong việc sử dụng lao động từ Triều Tiên. Nếu như trước đây lao động Triều Tiên chủ yếu làm việc ở vùng Viễn Đông, thì bây giờ họ được đưa đến các vùng ngoại ô Moscow, khu vực Volga và các khu vực khác của Nga. Chủ lao động đánh giá cao tính chuyên nghiệp, tính trách nhiệm và tinh thần kỷ luật của công nhân Triều Tiên.

Nga và Triều Tiên đã tuyên bố năm 2015 là “năm hữu nghị” giữa 2 nước. Hai quốc gia sẽ thúc đẩy sâu rộng mối quan hệ, đặc biệt đề ra mục tiêu sẽ đạt 1 tỉ USD giao dịch thương mại trong năm nay.

Trong khi đó, Kim Yong-hyun, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Trường đại học Dongguk lại nghĩ rằng, ông Kim Jong-un không muốn làm phật lòng những nhà bảo trợ kinh tế ở Trung Quốc khi thực hiện chuyến công du quốc tế đầu tiên đến Nga. Ông nói dường như nhà lãnh đạo Triều Tiên quyết định không đi Nga bởi vì ông ta có thể cảm thấy không thoải mái nếu giáp mặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Moscow.

Thông qua viện trợ và thương mại, Trung Quốc là nước chủ yếu cung cấp thực phẩm và năng lượng cho Triều Tiên. Vì thế cũng là điều hợp lý khi lãnh đạo trẻ tuổi Triều Tiên muốn lấy Bắc Kinh làm nơi đến cho chuyến xuất ngoại đầu tiên.

Tuy nhiên có các dấu hiệu về sự quan ngại gia tăng về phía các giới chức Trung Quốc có liên quan đến tầm cỡ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tháng trước, các chuyên gia hạt nhân Trung Quốc nói với các giới chức Mỹ rằng Bình Nhưỡng có thể đã có 20 đầu đạn hạt nhân, cao hơn con số từ 10 đến 16 quả bom mà các chuyên gia Mỹ đã ước tính. Bắc Kinh còn tin là Bình Nhưỡng có khả năng tăng gấp đôi kho vũ khí của họ vào năm tới.

Các chuyên gia phân tích khác lại phỏng đoán rằng các cuộc thương nghị với Nga đã tan vỡ hoặc về nghi thức hoặc vì những yêu cầu phía này tìm cách áp đặt đối với phía kia. Triều Tiên vốn có tiền sử là tìm cách đòi những nhượng bộ trước khi đồng ý giao tiếp trong đối thoại quốc tế về việc hạn chế chương trình hạt nhân của họ.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak mới đây đã tiết lộ rằng vào năm 2009, ông Kim Jong-il đã đòi 10 tỉ USD tiền mặt và một số mặt hàng thực phẩm như một điều kiện tiên quyết để mở cuộc họp thượng đỉnh với miền Nam. Các chuyên gia phân tích này nói rất có thể Bình Nhưỡng đã bỏ cuộc sau khi Moscow từ chối không cung cấp đầu tư nước ngoài hay kỹ thuật quân sự đáng kể. Hoặc có thể là điều ngược lại.

Có thể chính Nga đã đòi Triều Tiên quá nhiều, phải nhượng bộ để nối lại các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân hay kiềm chế trước các cuộc thử nghiệm tên lửa trong tương lai. Chuyên gia Pinkston cho rằng, điều quan trọng là chớ nên phỏng đoán quá nhiều về một sự kiện hay quyết định, nhất là trong khi bộ máy quyền lực ở bán đảo Triều Tiên đã trở nên bình ổn.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.