Những liên minh chống lại chiêu “lấy thịt đè người”

Thứ Năm, 18/08/2016, 20:25
Những hành động bất chấp luật pháp quốc tế và các tuyên bố hung hăng của Trung Quốc trong thời gian qua tại Biển Đông và Biển Hoa Đông đã khiến nhiều nước chống đối ra mặt và từ đó hình thành hoặc củng cố các liên minh chống lại chủ nghĩa bá quyền.

Bằng chứng mới nhất về một liên minh chống Trung Quốc đã vượt ra bên ngoài khu vực Đông Nam Á là Nhật Bản quyết định tăng số lượng tùy viên quân sự tại Philippines. Tuần trước, tờ Japan Times đăng tin cho biết Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng hơn nữa với hai quốc gia Đông Nam Á vào lúc Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Cũng theo nguồn tin trên, việc gia tăng số tùy viên quốc phòng ở Philippines (2 người) là nhằm mục đích tạo điều kiện hợp tác quốc phòng với quân đội nước này thông qua việc chia sẻ thông tin cũng như tăng cường thu thập thông tin về các hoạt động của quân đội Trung Quốc. Nhưng trên hết, việc tăng cường này có mục đích nhằm “cảnh báo” Trung Quốc về các hành động khiêu khích ở vùng biển quanh quần đảo Senkaku của Nhật Bản mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Sư hung hăng của Trung Quốc trong cả ngôn từ lẫn hành động khiến Nhật quyết định gia tăng hợp tác quốc phòng với Philippines. Trước đây, hợp tác về an ninh - quốc phòng giữa Nhật với Philippines chỉ được mở rộng qua các tuyên bố, thêm viện trợ, thăm viếng nhiều lần hơn và thường xuyên hơn. Nhưng nay, việc gia tăng các tùy viên quân sự đồng nghĩa với việc gia tăng thu thập - chia sẻ thông tin, phối hợp thực hiện các kế hoạch hành động theo hướng chặt chẽ hơn.

Tại cuộc họp báo sau hội đàm song phương về an ninh khu vực và hợp tác thực thi luật pháp trên biển, diễn ra hồi cuối tuần qua giữa ông Fumio Kishida – Ngoại trưởng Nhật và ông Perfecto Yasay – Ngoại trưởng Philippines, cả hai đã công khai hối thúc Trung Quốc thực thi ngay những hành động nhằm bảo đảm rằng, an ninh trên biển và luật pháp quốc tế sẽ được tôn trọng vô điều kiện. Ngoại trưởng Philippines nói thêm, cả Philippines và Nhật Bản đều đã trải qua chuyện bị Trung Quốc dùng vũ lực để hù dọa, khiêu khích nhằm áp đặt đòi hỏi vô lý về chủ quyền tại Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.

Ông Yasay khẳng định, luật pháp quốc tế buộc tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, phải dùng những biện pháp ôn hòa khi có yêu sách về chủ quyền. Ngoại trưởng Nhật hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Philippines nâng cao năng lực giám sát, thực thi luật pháp trên biển. Theo ông Kishida, cuối tháng này, Nhật sẽ giao cho Philippines những tàu tuần tra mà Nhật đã từng hứa sẽ viện trợ cho Philippines.

Cần nhắc lại rằng, trong hai tuần đầu tháng 8, Australia hai lần khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra tại Biển Đông sau khi các viên chức ngoại giao Trung Quốc nói rằng, việc Australia tham gia bảo vệ quyền tự do lưu thông tại Biển Đông là “thiếu khôn ngoan”. Các cuộc tuần tra tại Biển Đông là sự thách thức Trung Quốc và chắc chắn Trung Quốc sẽ trả đũa thích đáng.

Tuần trước, Pháp cũng lên tiếng đáp lại những tuyên bố và hành động hung hăng của Trung Quốc để bảo vệ cái gọi là “chủ quyền bất khả tranh cãi” ở Biển Đông, bằng tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc tuần tra tại Biển Đông và hối thúc 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu sớm liên kết để cùng thực hiện những cuộc tuần tra như vậy nếu EU muốn duy trì trật tự thế giới, loại bỏ các rủi ro đối với quyền tự do lưu thông.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Jean-Yves Le Drian, nhắc nhở EU rằng, quyền tự do lưu thông là điều có ý nghĩa sống còn đối với mọi nền kinh tế và khẳng định nếu cộng đồng quốc tế để mất quyền tự do lưu thông tại Biển Đông thì có thể sẽ xuất hiện những rắc rối tương tự như ở Bắc Băng Dương hoặc Địa Trung Hải.

Đáng lưu ý là Trung Quốc vẫn không bận tâm đến những dấu hiệu bất lợi cho mình đang xuất hiện ngày càng nhiều. Hệ thống truyền thông của chính quyền Trung Quốc cũng vừa dùng giọng điệu trịch thượng để dạy dỗ Ấn Độ, sau khi có tin Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 10 năm 2 nước Ấn Độ - Việt Nam thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược”.

Theo hệ thống truyền thông của chính quyền Trung Quốc thì Ấn Độ nên tránh xa vấn đề Biển Đông nếu không muốn đối diện với những rắc rối không cần thiết! Truyền thông Trung Quốc nhắc Ấn Độ rằng, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới và nếu Ấn Độ “không xử sự đúng đắn” thì các doanh nghiệp nước này khó mà tìm được đường vào thị trường Trung Quốc. Trung Quốc đã từng dùng chiêu này với Australia nhưng hiệu quả không như mong đợi. Người ta tin Ấn Độ cũng không muốn ngoan ngoãn như Trung Quốc đang chỉ dạy.

Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và người đồng cấp Philippines trong cuộc gặp tuần trước.

Những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo, nhất là sau phán quyết của Tòa Trọng tài đã khiến nhiều nước quan ngại sâu sắc. Bên cạnh những liên minh hiện hữu, hàng loạt mô hình liên kết khác đang hình thành nhằm đối chọi với Bắc Kinh.

Giữa tháng 6 vừa qua, tại Tokyo đã diễn ra cuộc gặp giữa các ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Australia. Chủ đề thảo luận hàng đầu là bối cảnh phức tạp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai bên nỗ lực tìm kiếm cách tiếp cận chung cho vấn đề này và cơ sở cho sự đồng lòng chính là việc Tokyo cũng như Canberra xác định gốc rễ vấn đề bắt nguồn từ các hành động của Bắc Kinh.

Một liên minh khác cũng đang hình thành: liên minh Ấn Độ - Nhật. Trước hết đây là liên minh của hai nền kinh tế lớn trong khu vực châu Á. Nhật Bản và Ấn Độ đều muốn phục hồi niềm kiêu hãnh dân tộc. Cả hai nước này cực kỳ ghét sự phô trương thế lực của Trung Quốc. Việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên nắm quyền sẽ tạo điều kiện cho Nhật và Ấn Độ hòa hợp hơn, vì cả hai lãnh đạo đều cùng thuộc cánh hữu và theo chủ nghĩa dân tộc.

Liên minh tay ba Australia - Nhật - Ấn Độ hình thành hồi cuối tháng 5 đầu tháng 6 tại Diễn đàn An ninh khu vực Shangri-La, qua thông điệp của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản sẵn sàng trợ giúp các nước trong khu vực Đông Nam Á để bảo vệ chủ quyền biển đảo và gián tiếp lên án Trung Quốc đối xử với các lân bang theo kiểu lấy thịt đè người mà chính nước Nhật hùng mạnh, cũng là nạn nhân từng ngày trên mặt biển và trên không phận Hoa Đông.

Tuy nhiên, trái với thái độ phô trương, kẻ cả của Bắc Kinh, Tokyo từng bước xây dựng một liên minh quân sự rộng lớn bên trong lẫn bên ngoài hiệp ước song phương Mỹ - Nhật.

Vào giữa thập niên 2000, ý niệm xây dựng một vòng cung từ Ấn Độ ngang Nhật Bản kéo dài xuống tận Nam Thái Bình Dương với Australia đã từng được ba vị thủ tướng lúc đó là Junichiro Koizumi của Nhật, John Howard của Australia và Atal Vajpayee của Ấn Độ đã phác họa và được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W.Bush ủng hộ.

Tuy nhiên, ý niệm này đã không được tiến hành một phần vì tại Washington, đảng Dân chủ lên thay đảng Cộng hòa mà một phần, như tân Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi của đảng Dân tộc, lúc còn ở thế đối lập, chê trách đảng Quốc Đại quá nhu nhược đối với Trung Quốc làm New Delhi mất uy thế trên trường quốc tế và bị Bắc Kinh lấn áp. 10 năm sau, không hẹn mà nên, cả ba nền dân chủ ở châu Á - Thái Bình Dương đều do cánh hữu lãnh đạo.

Phải chăng thời cơ đã đến để hình thành một bàn cờ chiến lược Nhật - Australia và Ấn Độ và nếu thêm Mỹ sẽ chuyển thành tứ cường theo đội hình “kim cương”, học thuyết an ninh của ông Shinzo Abe? Tại Shangri-La gần đây, ông Shinzo Abe đã khơi lại khả năng một “tam cường” khu vực… để làm gì?

Theo giới phân tích, cần phân biệt lời lẽ ngoại giao và thực chất bên trong hậu trường. Nước nào cũng nói cần có liên hệ tốt với Trung Quốc, không bao vây Trung Quốc. Trên thực tế, bên trong hậu trường, bên trong những cuộc thảo luận của các hội đồng nội các, từ Tokyo, Jakarta đến Canberra đều công nhận sự trỗi dậy không hòa bình của Trung Quốc là một mối đe dọa cho vùng châu Á - Thái Bình Dương. Các nước khu vực có sự thỏa hiệp với nhau chặt chẽ hơn và đồng thời, một cách đơn phương, họ gia tăng chi phí quốc phòng... một tam giác, một bàn cờ chiến lược đang hình thành.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.