Tòa án Phnôm Pênh ra lệnh bắt giữ Sam Rainsy, lãnh đạo Đảng “Cứu nguy dân tộc” Campuchia:

Những luận điệu tuyên truyền sai lạc và tuyên bố vô căn cứ

Thứ Sáu, 27/11/2015, 10:20
Ngày 13-11 vừa qua, Viện Công tố bên cạnh Tòa sơ thẩm Phnôm Pênh đã ra lệnh bắt giữ Sam Rainsy - Chủ tịch đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) để thi hành bản án mà Tòa án thủ đô Phnôm Pênh đã tuyên vào tháng 4-2011. Khi đó, Sam Rainsy bị buộc tội "phỉ báng công khai, kích động phân biệt đối xử và kích động chia rẽ" đối với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Hor Namhong. Trong phiên tòa này, Sam Rainsy đã bị tuyên phạt 2 năm tù nhưng chưa thụ án.

Theo các quan sát viên quốc tế, việc Tòa án Phnôm Pênh ra lệnh bắt giữ Sam Rainsy là điều tất yếu phải xảy ra.

Sam Rainsy là ai?

Sinh ngày 3-10-1949, Sam Rainsy là con trai của Sam Sary, một chính trị gia dưới thời Quốc vương Norodom Sihanouk trong thập niên 50. Sau khi ông Sam Sary bị thất sủng và bị ám sát năm 1965, Sam Rainsy được gia đình đưa sang Pháp tị nạn, lúc đó mới 16 tuổi. Tại Pháp, sau khi tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng, Sam Rainsy được tuyển dụng vào làm việc tại một trong những ngân hàng lớn nhất nước Pháp là BNP Paribas.

Thủ tướng Hunsen: "Tốt nhất là ông Sam Rainsy phải có bằng chứng rõ ràng. Nếu không thì hãy thận trọng với lời nói của mình…"

Năm 1971, Sam Rainsy kết hôn với bà Tioulong Saumura, sinh năm 1950, con gái của ông Nhiek Tioulong, Chỉ huy trưởng Lực lượng bảo vệ Hoàng gia Campuchia dưới thời Quốc vương Sihanouk, sau đó là Thủ tướng chính phủ năm 1962, là Đại sứ ở Anh và đồng thời cũng đã nhiều lần làm bộ trưởng trong chính quyền Campuchia suốt thập niên 60. Sau khi lấy nhau, Sam Rainsy và Tioulong Saumura lần lượt có 3 người con, tất cả đều mang tên Pháp: Sam Patrice, Sam Muriel và Sam Rachel.

Cả hai vợ chồng Sam Rainsy- Tioulong Saumura đều có cùng một đam mê là chính trị. Gần giữa thập niên 70, trong thời gian ở Pháp, Sam Rainsy cùng vợ đã cho ra đời tờ báo Tiếng nói Campuchia Tự do. Năm 1981, cả hai gia nhập đảng Funcinpec do Hoàng thân Norodom Sihanouk thành lập và con trai trưởng là Norodom Ranariddh điều hành. Năm 1991, Sam Rainsy trở về Campuchia rồi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính. Năm 1994, ông ta bị cách chức đồng thời bị khai trừ khỏi đảng Funcinpec.

Sự ra đời của Đảng Cứu nguy dân tộc

Sau sự kiện này, năm 1998 Sam Rainsy thành lập đảng đối lập mang tên mình là đảng Sam Rainsy. Bắt đầu từ đây, xuất hiện một cái gì đó không bình thường trong con người Sam Rainsy, hoặc là ông ta quá tự cao để không chấp nhận hợp tác với bất cứ một ai, hoặc ông ta quá tự kỷ vì chỉ thấy có mình là thông minh sáng suốt. Đến năm 2003, Sam Rainsy đổi tên đảng thành CNRP!

Năm 2005, do những hoạt động chống Chính phủ Campuchia do Thủ tướng Hunsen lãnh đạo, Sam Rainsy phải chạy ra nước ngoài. Năm 2006, khi được Quốc vương Norodom Sihamoni ân xá, Sam Rainsy quay lại Campuchia.

Ngày 25-10-2011, Sam Rainsy cùng một số kẻ cực đoan khác đến khu vực đang phân giới cắm mốc giữa tỉnh Long An của Việt Nam và tỉnh Svay Rieng của Campuchia, nhổ 6 cọc mốc tạm thời mang về Phnôm Pênh. Chính phủ Việt Nam đã lên án hành động này của Sam Rainsy và gọi nó là "phá hoại mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia". Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng nói rằng các phát biểu vu cáo Việt Nam của Sam Rainsy nhằm mục đích kích động, gây rối, đồng thời yêu cầu Chính phủ Campuchia có biện pháp xử lý thích đáng.

Sam Rainsy.

Bị chính quyền huyện Chantrea, tỉnh Svay Rieng kiện ra tòa, Sam Rainsy lĩnh án tù 11 năm về tội "tuyên truyền thông tin sai lạc và phá hoại tài sản quốc gia, giả mạo, phát hành tài liệu, bản đồ sai trái nhằm cản trở công tác phân giới cắm mốc của Campuchia". Để trốn tránh bản án, Sam Rainsy lưu vong sang Pháp. Đến tháng 7-2013, Sam Rainsy lại được Quốc vương Norodom Sihamoni ân xá theo đơn xin của Thủ tướng Hunsen "vì lợi ích của đất nước trên tinh thần hòa giải dân tộc".

Thời điểm này, Campuchia tổ chức bầu cử Quốc hội. Trong cuộc bầu cử ấy, đảng của Sam Raisy giành được 55 ghế. Bằng cách dựa trên những chứng cứ chắp vá, giả tạo, Sam Rainsy tuyên bố đảng của ông ta đã chiến thắng một cách tuyệt đối và chuẩn bị điều hành đất nước nhưng Thủ tướng Hunsen đã thẳng thừng bác bỏ những lời lẽ này. Để chống lại, Sam Rainsy không chấp nhận cho các ứng cử viên đã đắc cử của đảng mình nhận ghế ở Quốc hội.

Ngày 13-11-2015, một lần nữa Sam Rainsy lại bị Tòa án thành phố Phnôm Pênh ra lệnh bắt giữ vì tội phỉ báng và kích động. Lệnh bắt này do ông Sơ Vanny - đại diện Viện Công tố bên cạnh Tòa sơ thẩm Phnôm Pênh ký tên.

Vì sao Tòa án Phnôm Pênh ra lệnh bắt giữ Sam Rainsy?

Theo Tòa án Phnôm Pênh, ngoài hành vi gây rối về vấn đề biên giới Campuchia - Việt Nam, Sam Rainsy còn bị kết tội là đã vu khống Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong: Ngày 17-4-2008, trong một phát biểu tại Bảo tàng Cheong Ek, Sam Rainsy nói rằng, ông Hor Namhong từng có lúc là trưởng trại giam Beung Trobek khét tiếng tàn ác dưới thời Khmer Đỏ. Tờ Phnom Penh Post xuất bản tại Campuchia cho biết: Ngày 13-11-2015, luật sư của ông Hor Namhong là Kar Savuth đã yêu cầu phán quyết của Tòa phải được thực thi. Vì vậy, Tòa quyết định ra lệnh bắt giữ ông Sam Rainsy theo hiệu lực bản án cuối cùng của Tòa phúc thẩm Phnôm Pênh vào ngày 12-3-2013, đồng thời ra lệnh cho tất cả các lực lượng chức năng truy tìm, bắt giữ Sam Rainsy để thực hiện bản án.

Một trong những vụ kích động công nhân ở Phnôm Pênh do bàn tay của đảng CNRP đạo diễn.

Nguyên nhân của bản án này là trước đó, vào ngày 27-1-2010, Tòa án tỉnh Svay Rieng do Chánh án là ông Koam Chhean làm chủ tọa, đã tuyên án Sam Rainsy 2 năm tù giam và phạt 2.000USD vì tội phá hoại tài sản nhà nước, có hành động kích động phân biệt sắc tộc, xảy ra vào hôm 25-10-2009. Năm bị cáo còn lại, những người đã cùng Sam Rainsy tham gia vụ nhổ các cọc tiêu phân giới cắm mốc của Ủy ban Biên giới chung Việt Nam - Campuchia đều lĩnh án 1 năm tù giam và bị phạt hơn 13.000USD vì tội danh phá hoại tài sản công. Đến năm 2013, Sam Rainsy kháng án nhưng thất bại.

Khi lệnh bắt giữ được Tòa án Phnôm Pênh đưa ra thì Sam Rainsy đang trên đường từ Nhật đến Hàn Quốc và dự kiến sẽ quay lại Campuchia vào ngày 16-11-2015. Lúc ở Nhật, Sam Rainsy phát biểu rằng đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Chủ tịch là Thủ tướng Hunsen đã có kế hoạch hoãn tổng tuyển cử tới năm 2018 vì sợ thất bại. Chưa hết, Sam Rainsy còn tuyên bố tại Tokyo rằng: "Thắng lợi của thủ lĩnh đảng đối lập ở Myanmar là bà Aung San Suu Kyi trong cuộc tổng tuyển cử ở nước này là điềm báo trước sự sụp đổ của Thủ tướng Campuchia Hunsen". Tờ Cambodia Daily dẫn lời Thủ tướng Hunsen nhấn mạnh: "Ông Rainsy nói rằng CPP sợ thất bại nên không dám tổ chức bầu cử và muốn hủy hoại cuộc bầu cử. Tốt nhất là ông ta phải có bằng chứng rõ ràng. Nếu không thì hãy thận trọng với lời nói của mình vì tội vu khống có thể đối mặt với án hình sự".

Ngày 12-11-2015, trên kênh truyền hình quốc gia và trên trang trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Hunsen một lần nữa đã chỉ trích Sam Rainsy rất mạnh mẽ. Theo ông  Hunsen, Sam Rainsy đã vu cáo và bôi nhọ CPP đồng thời cho biết, thời gian qua, Chính phủ Campuchia đã có nhiều nỗ lực trong cải cách Ủy ban Bầu cử với sự trợ giúp của các chuyên gia đến từ Nhật Bản và châu Âu. Thủ tướng Hunsen khẳng định: Thời gian bầu cử cấp xã phường sẽ tổ chức vào giữa năm 2017 và bầu cử Quốc hội khóa 6 được tổ chức vào cuối tháng 7-2018 đúng theo Hiến pháp Campuchia.

Người phát ngôn Chính phủ Campuchia là ông Phay Siphan cho biết, Sam Rainsy sẽ bị bắt khi trở về nước. Với tư cách là một nghị sĩ Quốc hội, theo luật, Sam Rainsy được hưởng quyền miễn tố. Tuy nhiên, ông Siphan cho rằng phán quyết nói trên của tòa được đưa ra trước khi Sam Rainsy được hưởng quyền miễn tố, do vậy nó không hề cản trở việc bắt giữ Sam Rainsy.

Những hành động chống Việt Nam của Sam Rainsy

Ngày 3-1-2014, tại một số nơi ở Campuchia đã xảy ra những vụ tấn công vào các cửa hàng, các điểm buôn bán của người Campuchia gốc Việt, đồng thời cũng đã có những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và công nhân ngành may mà theo các quan sát viên quốc tế, đảng CNRP do Sam Rainsy lãnh đạo đứng đằng sau những vụ việc này.

Ngày 17-1-2014, tờ Phnom Penh Post dẫn lời Đặc phái viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc là ông Surya Subedi, cảnh báo: Đảng đối lập CNRP đã có những hành vi kích động chống Việt Nam để thu hút cử tri cũng như chiêu mộ thêm người gia nhập đảng. Vẫn theo tờ báo này, ông Subedi đã nói với các lãnh đạo CNRP rằng: "Việc phổ biến quan điểm kích động hận thù, phân biệt chủng tộc cũng như hành vi bạo lực hoặc kích động chống lại bất kỳ chủng tộc hay nhóm người có màu da hoặc có nguồn gốc dân tộc khác, đều không có chỗ đứng trong xã hội dân chủ".

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên Sam Rainsy kích động CNRP chống đối Việt Nam mà trong những cuộc bầu cử trước đó, những khẩu hiệu bài xích, miệt thị người Việt càng lúc càng gia tăng cường độ.

Trong 2 năm trở lại đây, đảng CNRP liên tục có những hành động tác động đến tình hình an ninh biên giới nhằm kéo dài, trì hoãn việc phân giới cắm mốc giữa hai nước Việt Nam - Campuchia, đặc biệt là việc kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở một bộ phận dân cư dọc biên giới, gây ra nhiều bất ổn mà mục đích là tìm kiếm sự ủng hộ đối với đảng CNRP trong chiến dịch tranh cử Quốc hội sắp tới. Và như để chuẩn bị cho lần tranh cử sẽ diễn ra trong 2 năm 2017, 2018, Sam Rainsy trong khi trả lời kênh truyền hình Phượng Hoàng, Hồng Kông ngày 29-7, đã mạnh miệng nói rằng đảng CNRP của ông ta sẽ "xem Bắc Kinh như một đồng minh quan trọng, giúp Campuchia bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".

Một thực tế không ai có thể phủ nhận được rằng, cuộc sống bình yên hiện nay của nhân dân Campuchia là do Quân tình nguyện Việt Nam mang lại sau khi đã đổ ra rất nhiều xương máu. Theo Thủ tướng Hunsen, thời điểm Campuchia lâm nguy nhất, Việt Nam đã không quản ngại khó khăn gian khổ, đã hy sinh cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot. Cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia Chai In Yêng nói: "Nếu có điều gì còn đọng lại trong trái tim người dân Campuchia về Việt Nam ở thế kỷ XX thì đó chính là lòng biết ơn về một đội quân nhà Phật, đã đến để hồi sinh dân tộc Campuchia…".

Cao Trí
.
.