Những thách thức chờ đợi tân Tổng thống Joe Biden

Thứ Tư, 13/01/2021, 14:05
Ngay sau lễ nhậm chức ngày 20-1, lập tức sẽ có hàng núi công việc chờ đợi Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ - Joe Biden. Vấn đề là, tất cả những nhiệm vụ đó sẽ trở nên khó khăn gấp bội, nếu bằng mọi giá ông vẫn không vãn hồi được một trạng thái đồng thuận và yên bình, cho dù chỉ là tương đối, trong nội tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn

Ngày 10-1, Thị trưởng thủ đô Washington - bà Muriel Bowser - chính thức đề xuất chính quyền liên bang Mỹ tăng cường bảo vệ an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden, trong thư gửi quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Chad Wolf.

Theo bà Muriel Bowser, việc những người ủng hộ đương kim Tổng thống Donald Trump tràn ngập và tấn công tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Đồi Capitol tuần trước “là vụ tấn công khủng bố chưa từng xảy ra”. Bởi vậy, lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ “cần đến một cách tiếp cận khác so với các lễ nhậm chức trước đây”. Bà Muriel Bowser cho biết sẽ liên hệ với các đối tác liên bang, khu vực và địa phương để tăng cường hợp tác giữa các cơ quan, đồng thời kêu gọi Bộ An ninh nội địa điều chỉnh các biện pháp cụ thể để bảo đảm an ninh cho lễ nhậm chức chuẩn bị diễn ra. Bà cũng hối thúc Bộ An ninh nội địa phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Tòa án Tối cao và Quốc hội lập kế hoạch triển khai lực lượng liên bang để đảm bảo an toàn cho tất cả các tài sản nhà nước.

Thách thức bây giờ mới thực sự bắt đầu với Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Quả thực, những gì diễn ra ngày 6-1 là một diễn biến chưa từng có tiền lệ. Hệ quả của nó là việc cảnh tượng bên trong nhà Quốc hội Mỹ được mô tả “hỗn loạn như một vụ nổi loạn”, khiến cảnh sát phải nổ súng, một số nghị sĩ phải kêu gọi Vệ binh quốc gia hỗ trợ duy trì an ninh và khiến ít nhất 5 người thiệt mạng (gồm 1 cảnh sát và 4 kẻ xâm nhập gây rối).

Chỉ chừng ấy thôi, với sự vụ ngày 6-1 cũng như với lời đề nghị của bà Muriel Bowser, có lẽ đã đủ để phác họa sự chia rẽ khủng khiếp trong lòng nước Mỹ hiện tại. Nhưng không, thực tế còn u ám hơn thế.

Cho đến trước khi số báo này lên khuôn, các chính trị gia đảng Dân chủ (mà dẫn đầu là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi) vẫn tìm mọi cách để hối thúc Phó Tổng thống Mike Pence - người đang bị đám đông ủng hộ ông Donald Trump gọi là “kẻ phản bội” khi tuyên bố sẽ thừa nhận kết quả xác nhận phiếu Đại cử tri bầu tổng thống, vào ngày 5-1 - kích hoạt Tu chính án số 25, nhằm truất phế Tổng thống Donald Trump trước thời hạn (cho dù thời gian còn lại cũng chỉ còn vỏn vẹn 9 ngày và chiến thắng của ông Joe Biden đã có thể xem như không thể đảo ngược).

Dịch COVID-19 vẫn là bóng ma trùm phủ lên tình hình kinh tế - xã hội Mỹ.

Song song với động thái đó, lần lượt các ông lớn công nghệ (Big Tech) và các nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới, những công cụ phát ngôn ưa thích của ngài Donald Trump, bao gồm Facebook, Twitter, Google và Apple tuyên bố truất quyền sử dụng dịch vụ của đương kim tổng thống như một user hoặc vĩnh viễn hoặc vô thời hạn, hay ít nhất là đến khi lễ nhậm chức của tân tổng thống khép lại suôn sẻ.

Đến mức độ, dòng tweet cuối cùng mà ông Donald Trump đăng tải với tài khoản tối cao Tổng thống Hoa Kỳ (President of the United States/POTUS) cũng lập tức bị xóa, chỉ sau vài chục phút “lên sóng”. Tập đoàn Amazon cũng tuyên bố không cho phép mạng xã hội Parler – “căn cứ địa” của những người ủng hộ ông Donald Trump sau khi bị đánh bạt khỏi Twitter hay Facebook – tiếp tục cho thuê máy chủ. Đến mức độ, mọi dòng trạng thái (status) có hơi hướng anti-Joe Biden bị hạn chế lượng tương tác xuống tối thiểu trên mọi nền tảng, hoặc bị xóa không thương tiếc. Đến mức độ, theo “tin bên lề” của những người pro-Trump, đương kim Tổng thống Mỹ đã sẵn sàng tự mình xây dựng những nền tảng mạng xã hội mới, nhằm phục vụ “cuộc chiến truyền thông”.

Lý do được  Big Tech đưa ra là họ không thể chấp nhận ngài Donald Trump sử dụng dịch vụ của mình để phát đi những thông điệp kêu gọi bạo loạn, lật đổ, và những hành động “tấn công vào nền dân chủ”.

Ở rất nhiều khía cạnh, điều đó là hoàn toàn hợp lý. Nhưng ngược lại, khi tạo nên cảm giác rằng họ đang cố gắng hạn chế một nhân vật có tới 75 triệu người ủng hộ (tính theo số phiếu cử tri mà ông giành được), Big Tech và những thế lực đứng sau chi phối hoặc có liên hệ mật thiết về lợi ích quả thật cũng đang khoét sâu thêm những mâu thuẫn tư tưởng đang chia rẽ nước Mỹ.

Iran cũng như mọi đối thủ của nước Mỹ sẽ trở nên cứng rắn hơn nhiều khi đối diện với một Tổng thống Mỹ “mềm mỏng” hơn.

Những thách thức đang chờ ông Joe Biden

Ông Joe Biden và đảng Dân chủ đã nắm quyền kiểm soát tuyệt đối ở cả Nhà Trắng, Thượng viện lẫn Hạ viện. Tòa án tối cao cũng không đối nghịch với họ, và đến cả những gia tộc danh giá nhất bên phía đảng Cộng hòa, như gia tộc hai đời Tổng thống Bush, cũng chúc mừng chiến thắng của họ rất sớm - điều khiến những người ủng hộ ông Donald Trump càng “điên tiết”.

Chính trường Mỹ xem như đã hoàn tất một cuộc thay đổi và đã đến lúc bộ đôi Joe Biden - Kamala Harris tính tới những việc khác, hầu hết đều sẽ mang tính chất thay đổi các quỹ đạo mà chính quyền của ông Trump đã xác lập.

Về đối nội, dĩ nhiên, thách thức đáng kể nhất, không gì khác, là việc chặn đứng sự lây lan của virus SARS-COV-2 cũng như đại dịch toàn cầu COVID-19, bóng ma ám ảnh đã khiến nước Mỹ có tới hơn 23 triệu ca nhiễm cùng hơn 385.000 người tử vong. Đây là một trong những điểm mấu chốt trong cương lĩnh tranh cử của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Việc hoàn tất quá trình nghiên cứu lâm sàng vaccine ngừa COVID-19, cùng tiến trình tiêm chủng đang được đẩy mạnh, được kỳ vọng trở thành những công cụ thiết yếu giúp ông “ghi điểm”. Tuy nhiên, nếu như những người ủng hộ ông Donald Trump, trong cơn thịnh nộ, vẫn từ chối mọi biện pháp phòng vệ và từ chối cả chiến dịch tiêm chủng đó?

Vẫn ở lĩnh vực đối nội, các biện pháp phòng vệ trước đại dịch liên quan mật thiết đến vấn đề kích thích phát triển kinh tế. Gói kích thích kinh tế mới được thông qua ngày 22-12, trị giá 900 tỷ USD, bị đánh giá là “đến quá muộn”, khi hàng triệu hộ gia đình và các công ty nhỏ đã kiệt sức, ngay trước kịch bản rất gần của một cuộc suy thoái mới. Theo hãng CNBC, khoảng gần 8 triệu người dân Mỹ đã rơi vào cảnh nghèo túng. Do đó, những biện pháp cứng rắn và cần thiết như giãn cách xã hội, cách ly hay phong tỏa lại càng dễ phải nhận những làn sóng phản đối từ những người đang lâm vào cảnh khốn khó vì dịch bệnh. Còn nếu muốn “bơm” thêm những gói cứu trợ mới, ông Joe Biden sẽ lại phải cố gắng thuyết phục được các đại biểu đảng Cộng hòa.

Dù thất bại nhưng ông Donald Trump vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn đến xã hội Mỹ.

Bên cạnh đó, những thành tựu kinh tế được thể hiện qua các số liệu khả quan trong 3 năm đầu nhiệm kỳ trước khi COVID-19 xảy ra của Tổng thống Donald Trump lại càng dễ ảnh hưởng đến những tâm trạng dễ bị kích động trong xã hội. Ở một chiều khác, khi các nhóm cực hữu Proud Boys mang súng xuống đường ngăn cản những đợt bạo loạn và cướp bóc của các nhóm Black Lives Matter hay Antifa ở phía đối nghịch, vấn đề quyền lợi cũng như bảo vệ quyền lợi đã trở thành một câu hỏi nhức nhối.

Trên phương diện đối ngoại, ngay sau khi ông Joe Biden được xác nhận chính thức đắc cử bởi kết quả kiểm phiếu đại cử tri, một số khu vực trọng yếu trên bản đồ địa chính trị thế giới lại bắt đầu nóng lên. Trung Quốc, một cách ngọt ngào của ngôn từ ngoại giao, hy vọng Mỹ sẽ “không can dự vào vấn đề Hong Kong”. Đó dĩ nhiên mới chỉ là một phép thử sơ bộ dành cho những chủ nhân mới của Nhà Trắng.

Cùng nước Nga, Trung Quốc cũng hối thúc Mỹ gia hạt Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (NEW START) - điều mà ông Donald Trump vẫn luôn từ chối. Từ Bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng kêu gọi Mỹ “thay đổi chính sách thù hận”. Từ Trung Đông, chẳng những Bộ Ngoại giao Iran kêu gọi Anh, Pháp và Đức thực thi thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà còn cho rằng 3 cường quốc thuộc nhóm P5+1 (bên cạnh Mỹ, Nga, Trung) đó “trở thành đối tác với sự vi phạm của Mỹ” (ngày 11-1). Một đòn “nắn gân” thực sự đáng kể, khi Tehran biết rõ rằng ngài Joe Biden tuyên bố muốn đưa Mỹ trở lại với JCPOA, đảo ngược hoàn toàn quá trình xé bỏ nó mà ông Donald Trump thực hiện.

Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất với ông chủ mới của Nhà Trắng là “hàn gắn quốc gia”.

Một nước Mỹ mềm mỏng hơn, cũng chính là một nước Mỹ ít được e sợ hơn, vào thời điểm hiện tại. Vậy thì, cho dù không thể phủ nhận rằng không ít cử tri cũng như chính trị gia đảng Cộng hòa “bỏ rơi” người hiện tại vẫn còn là ông chủ Nhà Trắng, có gì bảo đảm là họ sẽ chấp thuận tất cả các kế hoạch của người chiến thắng thuộc đảng Dân chủ?

Và trên các đường phố, chẳng phải ngẫu nhiên, từ tháng 11-2020, giới quan sát gần như đều có chung một nhận xét: Thách thức quan trọng nhất và khó khăn nhất đối với tổng thống đắc cử, không gì khác, là “hàn gắn quốc gia” - đúng như slogan tranh cử của ông. Song, cho đến lúc này, sau sự vụ 6-1 và các diễn biến tiếp nối, rõ ràng là điều không đơn giản.

Mây Linh
.
.