Nợ công châu Âu và kinh tế Mỹ trì trệ: Kinh tế châu Á bị vạ lây

Thứ Tư, 25/07/2012, 09:50

Cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài suốt mấy năm qua tại châu Âu đã và đang tác động xấu tới nền kinh tế châu Á, vốn được coi là đầu tàu kéo cả nền kinh tế thế giới đi lên. Nếu trước đây, châu Á mơ về mô hình của khối Liên minh châu Âu thì nay giấc mộng đã tan tành.

Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu tới châu Á, ngày 12/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vừa công bố một báo cáo cho biết khủng hoảng trong khu vực đồng euro cũng như tình trạng kinh tế trì trệ của Mỹ đã tác động đến mức tăng trưởng của các nền kinh tế đang trỗi dậy ở châu Á cụ thể là làm giảm mức cầu đối với xuất khẩu trong vùng. Hệ quả là kinh tế ở các nước châu Á đang phát triển đã chậm lại trong nửa đầu năm 2012.

Trong báo cáo nói trên, ADB đã điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng năm 2012 đối với Mỹ và châu Âu. Với Mỹ, dự kiến tăng trưởng kinh tế 1,9%, giảm từ mức 2,0%, và nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ bị tăng trưởng âm 0,7%, so với mức âm 0,5% mà ADB đưa ra trước đó.

ADB cũng hạ thấp mức dự báo tăng trưởng kinh tế của toàn bộ châu Á trong năm nay và năm tới. Cụ thể các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2012 và 7,1% vào năm 2013, trong khi vào tháng 4/2012 mức dự báo tăng trưởng là 6,9% và 7,3%.

Theo đánh giá của ADB, chỉ riêng vùng Đông Nam Á là có khả năng thoát khỏi những tác động tồi tệ nhất của thực trạng kinh tế toàn cầu suy yếu. ADB dự kiến các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ có mức tăng trưởng 5,2% vào năm 2012 và 5,6% vào năm 2013, hầu như không thay đổi so với dự báo trước đó. Ngân hàng này lý giải rằng, đó là nhờ kinh tế tăng mạnh trở lại ở Thái Lan, còn Philippines vẫn có mức tăng trưởng vững chắc, và tại Indonesia, nhu cầu tiêu thụ đã tăng cao.

Một lý do khác được ADB nêu ra để giải thích cho quyết định xem xét hạ mức tăng trưởng của nền kinh tế châu Á là tình trạng tăng trưởng chậm ở hai nền kinh tế chủ chốt của châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. ADB cho biết, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao cũng như nhu cầu trong và ngoài nước giảm, khiến ADB hạ dự báo tăng trưởng của Ấn Độ từ 7% xuống 6,5% đưa ra trước đó.

Vào tuần trước, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã báo trước là định chế tài chính này sẽ hạ thấp mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do tình hình kinh tế xấu đi thêm.

Phát biểu trong một hội thảo kinh tế tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 6/7, bà Lagarde cho biết: "Nhiều chỉ báo kinh tế như đầu tư, thất nghiệp, sản xuất đã suy yếu. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại châu Âu hay Mỹ, mà còn tại các thị trường mới nổi quan trọng như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ". Bà Lagarde cho rằng, sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu "ngày càng đáng lo ngại" và nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải có các hành động phối hợp. Nhận định trên được đưa ra một ngày sau khi 3 ngân hàng trung ương (NHTW) lớn trên thế giới là NHTW Trung Quốc (PBoC), NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Anh (BoE) nới lỏng chính sách tiền tệ. Bà cho rằng, mối liên kết tự nhiên giữa các nền kinh tế toàn cầu đồng nghĩa với việc phải dựa vào sự hợp tác mới có thể tìm ra được giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và các mối đe dọa khác đối với đà tăng trưởng.

Theo bà, để đạt được tốc độ tăng trưởng bền vững và sự ổn định lâu dài, cần phải có các hành động phối hợp để “giải quyết dứt điểm từng mắt xích của cuộc khủng hoảng như các quốc gia yếu kém, các ngân hàng èo uột và đà tăng trưởng ảm đạm". Bà Lagarde nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không cùng hành động, nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào vòng xoáy của sự bấp bênh và bất ổn định về tài chính".

Kinh tế châu Á đang chậm lại do tác động từ cuộc khủng hoảng ở châu Âu.

Tổng Giám đốc IMF nêu bật 3 nhiệm vụ cấp thiết cần hành động chính sách tập thể. Một là, khôi phục sức mạnh ngân sách công. Các nước cần hành động quyết định để giải quyết nợ công đang đè nặng lên phát triển và gây sức ép lớn lên thị trường tài chính tiền tệ. Tuy nhiên, cần điều chỉnh dần dần với nhịp độ không gây hại tiến trình phục hồi kinh tế. Hai là, sửa chữa và cải tổ khu vực tài chính. IMF nhấn mạnh các hành động tập thể xuyên thể chế, xuyên thị trường và xuyên biên giới để đảm bảo khu vực tài chính được điều chỉnh với quy chế tốt hơn, giám sát mạnh hơn và khuyến khích thích hợp hơn đối với khu vực kinh tế tư nhân. Ba là, tăng trưởng bền vững trong đó cải tổ cơ cấu là chìa khóa đảm bảo phát triển bền vững các thị trường lao động, sản phẩm và dịch vụ.

Trước đây mô hình Liên minh châu Âu từng là một nguồn cảm hứng cho các quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Giờ đây, với cuộc khủng hoảng đồng euro, châu Âu không còn là mô hình lý tưởng cho các nước trong khối này nữa. Vào năm 1999, người châu Âu thừa nhận rằng họ đã sống qua một thời kỳ vàng son. Việc đưa vào sử dụng đồng euro - đồng tiền chung duy nhất, đã tôn vinh những năm tháng xây dựng châu Âu và có vẻ như xác nhận sự xác đáng về quan điểm của họ.

Trong khi đó, tại châu Á, qua đợt khủng hoảng tài chính năm 1997, lãnh đạo các nước trong khu vực cho rằng đã rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác phối hợp và hợp tác giữa các nước với nhau. Lấy cảm hứng từ mô hình châu Âu, lãnh đạo các nước khối ASEAN đã hội họp lại vào năm 2002, với mục tiêu là đề xuất hình thành một cộng đồng kinh tế chung cho cả khối trước năm 2015. Các quốc gia trong khối ASEAN nghĩ rằng, cần phải củng cố quan hệ hợp tác, nhất là trong lĩnh vực vực tài chính, nhằm đối phó với kiểu khủng hoảng này. Thế nhưng, 10 năm sau, một lần nữa, người châu Á lại rút ra một bài học mới từ đợt khủng hoảng đồng euro tại châu Âu. Đó là hội nhập, nhưng không dựa theo mô hình của châu Âu.

Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono, mới đây đánh giá rằng, khủng hoảng tại châu Âu là một lời cảnh báo cho các nhà lãnh đạo châu Á, những người mong muốn hình thành một đồng tiền chung. Bởi vì, với kiểu ràng buộc này và trong trường hợp có những chấn động, các quốc gia trong khối không thể giảm giá đồng tiền để có thể thúc đẩy xuất khẩu và thoát khỏi các tình thế khủng hoảng.

Theo bà François Nicolas, Giám đốc Trung tâm châu Á thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Pháp, nỗ lực hội nhập được thúc đẩy nhiều nhất về kinh tế cũng như chính trị chính là khối ASEAN. Một thị trường thật sự rộng lớn, gồm 10 nước thành viên nhưng có đến gần 600 triệu dân. Bà François Nicolas cho rằng tham vọng và kế hoạch thực hiện của khối ASEAN sẽ rất khiêm tốn. Nghĩa là trước mắt sẽ không có chuyện thành lập một thị trường chung. Theo bà, "thành công chính của khối ASEAN là đã dự báo trước được xung đột và đảm bảo bầu không khí ôn hòa. Và như vậy đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế của 10 nước thành viên"

M.T. (tổng hợp)
.
.