Nobel Hòa bình cho nỗ lực xóa bỏ vũ khí hạt nhân

Thứ Tư, 11/04/2018, 14:52
Đã hơn 70 năm trôi qua nhưng nỗi đau Hiroshima và Nagasaki vẫn còn nhức nhối. Từ đó tới nay, cộng đồng quốc tế không ngừng nỗ lực để giải trừ quân bị nói chung và vũ khí hạt nhân nói riêng, để một thảm kịch tương tự không bao giờ tái diễn trên trái đất này.

Để tái khẳng định nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, giải Nobel Hòa bình 2017 đã được trao cho liên minh các tổ chức phi chính phủ toàn cầu chống vũ khí hạt nhân có tên là Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) và cũng là tác giả Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW).

Những nỗ lực không ngừng nghỉ

Giải Nobel Hòa bình 2017 được coi là lời kêu gọi những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tiến hành đàm phán nghiêm túc về quan điểm loại bỏ từng bước, cân bằng và cẩn trọng gần 15.000 vũ khí hạt nhân trên thế giới. Giải thưởng được trao cho ICAN vì những nỗ lực của tổ chức này “trong việc thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế với thảm họa nhân đạo kinh hoàng do sử dụng vũ khí hạt nhân, cũng như những nỗ lực của họ đạt được việc cấm sử dụng vũ khí hạt nhân dựa trên các thỏa thuận đã được ký kết” - TPNW, được thông qua tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 7-7-2017 với số phiếu 122-1.

Hiệp ước này cấm phát triển, thử nghiệm, sản xuất, mua bán, sở hữu, tàng trữ, chuyển giao, sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các thiết bị nổ hạt nhân khác sẽ có hiệu lực sau khi được 50 nước phê chuẩn. ICAN gọi TPNW là “một thỏa thuận quốc tế mang tính bước ngoặt vượt qua các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt tồi tệ nhất và thiết lập một con đường để loại bỏ chúng”.

Sau thông báo trao giải Nobel Hòa bình, ICAN ra tuyên bố trong đó nhấn mạnh rằng giải thưởng này là sự ghi nhận với các nỗ lực không mệt mỏi của hàng triệu nhà vận động và cũng như công dân toàn cầu phản đối vũ khí hạt nhân, rằng chúng không phục vụ mục đích hợp pháp nào, cần được xóa sổ vĩnh viễn khỏi trái đất.

Bắt đầu được hình thành ở Australia, nhưng ICAN chính thức ra đời tại Vienna, Austria vào năm 2007. Những người sáng lập của ICAN đã được lấy cảm hứng từ thành công của Chiến dịch quốc tế cấm bom mìn (ICBL), vốn là then chốt trong việc đưa ra đàm phán về hiệp ước cấm các vụ mìn sát thương vào năm 1997. Họ đã tìm cách thiết lập một mô hình chiến dịch tương tự.

Sứ mệnh của tổ chức này là tìm cách thay đổi cuộc tranh luận giải trừ quân bị để tập trung vào mối đe dọa nhân đạo do vũ khí hạt nhân gây ra, thu hút sự chú ý đến năng lực phá hoại độc nhất của chúng, hậu quả thảm khốc về sức khỏe và môi trường, không phân biệt mục tiêu và ảnh hưởng lâu dài của bức xạ đối với khu vực xung quanh.

Sau 10 năm hoạt động, ICAN có 468 tổ chức đối tác tại 101 quốc gia, được đánh giá là động lực mạnh mẽ thuyết phục các quốc gia trên thế giới cam kết hợp tác với tất cả các bên liên quan trong các nỗ lực nhằm cấm sử dụng và loại bỏ vũ khí hạt nhân. Đến nay, đã có 108 nước đưa ra cam kết như vậy (gọi là Cam kết nhân đạo).

Hình ảnh một vụ nổ hạt nhân.

Hướng tới thế giới không vũ khí hạt nhân

Những nỗ lực giải giáp vũ khí hạt nhân đã liên tục được tiến hành và triển khai từ ngay trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đến năm 1968, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, LHQ đã xây dựng được Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT hoặc NNPT), nhằm mục đích hạn chế việc sở hữu các loại vũ khí hạt nhân. Đại đa số các quốc gia có chủ quyền (187 nước) đều tham gia NPT.

NPT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-3-1970 và được mở rộng không giới hạn và không điều kiện vào ngày 11-5-1995. Tới nay, đã có 191 quốc gia tham gia. Tuy nhiên, các hạn chế của NPT cũng rất lớn. Đó là bản hiệp ước này không đưa được một thời gian biểu cụ thể nào cho việc giải trừ kho vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Để khắc phục nhược điểm này, ngày 10-9-1996, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Hiệp ước Cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT). Tới tháng 10-2016, LHQ thông qua thông qua dự thảo nghị quyết về đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân. Nội dung nghị quyết này bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về hậu quả thảm khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân đối với con người. Với văn kiện không mang tính ràng buộc pháp lý này, từ tháng 5-2017, các nước sẽ có thể bắt đầu tiến hành đàm phán một hiệp ước mới.

Những hòn đá cản đường

Ngay từ khi được 123 quốc gia thành viên LHQ đề xướng, hội nghị bàn về một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân có tính ràng buộc về mặt pháp lý đã vấp phải sự phản đối của không ít cường quốc lớn trên thế giới. Trong khi Anh, Pháp, Israel, Nga và Mỹ bỏ phiếu chống thì Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan bỏ phiếu trắng. Các quốc gia đi đầu trong nỗ lực ủng hộ tổ chức hội nghị là Áo, Ireland, Mexico, Brazil, Nam Phi và Thụy Điển. Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng ủng hộ nỗ lực này.

Theo quan điểm của các nước ủng hộ hội nghị, nguy cơ thảm họa hạt nhân đang ngày càng tăng khi CHDCND Triều Tiên không chịu từ bỏ chương trình hạt nhân và một chính quyền mới khó đoán định tại Mỹ.

Gần đây nhất, sau thông báo trao giải của Ủy ban Nobel Norway, nhiều quốc gia hạt nhân lên tiếng tái khẳng định sự phản đối (TPNW), nhấn mạnh rằng, Hiệp ước này “không đưa chúng ta lại gần hơn mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Thực tế, nó có nguy cơ hủy hoại tiến trình chúng ta đã trải qua nhiều năm nay nhằm giải trừ và không phát triển vũ khí hạt nhân. Các nỗ lực giải giáp hạt nhân phải tính tới thực tế môi trường an ninh hiện tại”.

Ngay chính ICAN cũng thừa nhận, vũ khí hạt nhân sẽ không sớm biến mất nhờ TPNW nhưng nó vẫn là mục tiêu thực tế lâu dài. Bên cạnh đó, về cơ chế giám sát và kiểm soát vũ khí hạt nhân, NPT hiện vẫn là công cụ nền tảng hữu hiệu nhất với 189 nước thành viên. Tuy nhiên, tình hình thế giới hiện nay khác xa so với thời điểm hiệp ước này ra đời, đòi hỏi phải xem xét điều chỉnh lại văn bản này.

Song các hội nghị của LHQ bàn về hiệp ước này vẫn chưa đạt được kết quả đáng chú ý nào do một số quốc gia chỉ chăm chăm bảo vệ các lợi ích riêng của mình mà không vì nền hòa bình và an ninh chung toàn cầu.

Hy vọng trong tương lai, thế giới sẽ không còn vũ khí hạt nhân. Và, từ những đe dọa kinh hoàng của vũ khí hạt nhân, các cường quốc hạt nhân trên thế giới cần gạt sang bên các lợi ích riêng, hợp tác giải trừ loại vũ khí nguy hiểm này.

Khổng Hà
.
.