Nỗi đau và bài học từ vụ tai nạn thảm khốc trên cầu Sêrêpốk

Thứ Ba, 29/05/2012, 13:45

Vụ tai nạn thương tâm trên cầu Sêrêpốk (Đắk Lắk) đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Thảm kịch là bài học đau xót về công tác đảm bảo an toàn giao thông hiện nay trên địa bàn Tây Nguyên.

Trong khói nhang đầy đau đớn của đám tang tập thể gia đình anh Ven Gia Lập (42 tuổi) và chị Hồ Thị Thủy (32 tuổi) xã Ea M'ly, huyện M'Đrắk khiến nhiều người rơi nước mắt. Chị Thủy quanh năm làm lụng vất vả, đau ốm không dám đi khám bệnh. Đến nay, do sức không chịu được nên nhờ chồng là anh Lập đi vay tiền người thân đưa chị vào Tp HCM điều trị. Niềm vui của chị Thủy được chồng đưa đi chữa bệnh chưa tròn khi mới lên xe được 2 giờ đồng hồ đã mãi mãi lịm tắt. Vợ chồng anh chị ra đi để lại ba đứa con thơ dại, cháu lớn vừa tròn 12 tuổi, đứa bé mới lên 4 không biết nương tựa vào ai.

Ở Krông Pắc, Đắk Lắk, đám tang gia đình anh Lê Công Bằng (39 tuổi) và chị Trần Thị Thanh Trúc (40 tuổi) cũng đau thương, tang tóc khôn tả. Anh Bằng là tài xế, cùng đưa vợ và con gái Lê Thị Bích Trâm (5 tuổi) vào Sài Gòn thăm con thì cả hai vợ chồng đã nằm lại bên cầu Sêrêpốk, còn bé Trâm cũng bị thương nặng...

Đại diện Báo CAND và Công an Đắk Lắk trao tiền, chia sẻ đau thương cùng các nạn nhân.

Đại tá Nguyễn Văn Định, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, người trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ huy lực lượng cứu hộ, cứu nạn ngay từ những phút đầu tiên cho biết, quần chúng nhân dân ở khu vực xã Hòa Phú, Tp Buôn Ma Thuột và người dân hai bên cầu Sêrêpốk đã phát huy cao độ tinh thần cứu giúp người bị nạn.

Anh Nguyễn Đình Hiệu (52 tuổi), người dân sống gần nơi xảy ra vụ tai nạn kể, khi đó vào khoảng hơn 22 giờ ngày 17/5, đang ngồi xem tivi thì bỗng nghe một tiếng nổ rất lớn phát ra từ phía chân cầu. Anh vơ vội chiếc áo vắt lên lưng cùng vợ con chạy về phía chân cầu. Ngay lúc đó, hàng chục thanh niên cũng có mặt, không ai bảo ai tất cả mọi người cùng nhau xắn tay phá cửa xe đưa người bị nạn ra ngoài đi cấp cứu.

Trạm sơ cứu trên đầu cầu được cấp tốc hình thành. Nhiều cán bộ chiến sĩ tham gia cứu hộ quên cả đêm tối, nước lạnh, cứ băng mình để cứu người và trục vớt xe bị nạn lên bờ nhanh nhất. "Đưa được một người ra khỏi xe, phát hiện còn thở là anh em mừng quên đi cả mệt nhọc", một cán bộ Công an tham gia cứu nạn tâm sự.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện về việc xử lý vụ tai nạn và gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình nạn nhân, gửi lời thăm hỏi đến những người bị nạn. Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã gửi điện thăm hỏi các gia đình có người bị tai nạn giao thông tại tỉnh Đắk Lắk. UBND tỉnh Đắk Lắk, các ngành cũng đã đến thăm, chia sẻ, gửi tiền giúp đỡ các gia đình nạn nhân và người bị nạn. Ngày 19/5, Báo CAND - Chuyên đề ANTG cũng đã trích Quỹ xã hội từ thiện 10 triệu đồng, cử đại diện đến thăm, chia sẻ những đau thương với các nạn nhân bị nạn đang cấp cứu tại Bệnh viện Đắk Lắk.

Phía Cơ quan CSĐT Công an Đắk Lắk cho biết, qua giải mã hộp đen chiếc xe khách BKS 47V-2371, thuộc HTX Quyết Thắng ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, chạy tuyến MĐrắk (Đắk Lắk) - Sài Gòn, bước đầu cho thấy vận tốc đoạn đến gần cầu là 79km/giờ, sau đó giảm xuống 42km/giờ và tại điểm tai nạn là 74km/giờ. Cả 2 tài xế đã chết nên xung quanh nguyên nhân tai nạn đang được khẩn trương làm rõ. Tuy nhiên, qua điều tra ban đầu xác định, không có việc xe khách bị xe máy lấn đường, còn các nguyên nhân tình trạng kỹ thuật của xe phải chờ kết quả giám định cụ thể.

Một thực tế hiện nay đang báo động qua vụ tai nạn này là tuyến quốc lộ 14 từ Tây Nguyên đi Tp HCM đang bị hư hỏng nghiêm trọng, đơn vị thi công nâng cấp tuyến đường nhiều đoạn dở dang, bừa bãi không đảm bảo an toàn. Trong khi đó các xe vận chuyển hành khách và xe tải hoạt động phần lớn vào ban đêm nên tai nạn luôn rình rập

N.Như
.
.