Nơi đây mong đợi những “Tiếng lòng”

Thứ Tư, 10/12/2008, 17:00
Như một sự sắp đặt của thế thái nhân tình, Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa được lập nên để làm nơi gặp gỡ của những người có tấm lòng nhân ái. Tổng biên tập Báo CAND -Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước đã đồng ý cho các cháu tật nguyền được bán sản phẩm trong 4 đêm công diễn “Tiếng lòng Hữu Ước” tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.

Phóng viên ANTG có mặt tại Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa khi 40 em nhỏ tàn tật đang chăm chú làm các con giống bằng giấy. Thấy khách đến, những tiếng chào lảnh lót vang khắp phòng.

Cả 40 em trong Trung tâm Quỳnh Hoa đều là những em có hoàn cảnh không may mắn, nhẹ thì bị liệt một chi, có vài em bị thiểu năng và có cả những em bị liệt nửa người. Hai cô bé ngồi bên hai cánh cửa, tỉ mẩn với những đường thêu.

Hai cô đã ngồi như vậy suốt 1 năm qua và sản phẩm của cả hai em chỉ là 10 mảnh thêu mà bà Hoa mang đi khắp nơi nhưng không bán được. Bà Hoa phải lặng lẽ giặt những tấm vải thêu cất đi và nói dối là bán được rồi cho 2 cháu đỡ tủi: “Hai cháu liệt nửa người tay run lắm, thêu đường chỉ không đẹp nên các cửa hàng người ta từ chối cả”.

Hai em Nguyễn Thu Hoài và Nguyễn Thị Huyền cùng sinh ra ở Bắc Giang, hoàn cảnh gia đình khó khăn và cùng mắc phải chứng bại liệt. Khi nghe tin bà Hoa mở trung tâm việc làm tình thương này, gia đình hai em lặn lội từ Bắc Giang mang xuống gửi, phần vì muốn con mình được học nghề, phần vì gia đình khó khăn không nuôi nổi.

Thế là hai em được dạy nghề thêu, mặc dù không bán được bức nào nhưng trung tâm vẫn trang trải đủ tiền ăn, ở và chi phí sinh hoạt của hai em.

Bà Đoàn Thị Hoa - Giám đốc trung tâm kể lại nguồn gốc ra đời khá tình cờ của Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa. Từ năm 2002, bà đã đi theo dạy học ở các lớp trẻ tình thương của Hội Từ thiện thành phố Hà Nội.

Năm 2006, theo chương trình của Hội Từ thiện thành phố bà được vào các tỉnh phía Nam tham quan mô hình dạy nghề cho trẻ khuyết tật. Bà cứ ám ảnh mãi hình ảnh những đứa trẻ thiếu may mắn nhưng lại khát khao được lao động, và đặc biệt các cháu rất cẩn thận, kiên trì.

Bà mang ý tưởng thành lập trung tâm dạy nghề trình bày với ông Nguyễn Khánh Thiện - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề từ thiện Hà Nội. Ông Thiện hoan nghênh ý tưởng này nhưng cũng buồn bã thông báo trung tâm chỉ có thể giúp bà về tinh thần vì trung tâm cũng không có của nả gì để giúp cả.

Về nhà thuyết phục chồng và các con, bà Hoa đi vay mượn khắp xóm làng để xây 2 dãy nhà tạm trên mảnh đất phía trước nhà. Một dãy nhà dùng làm xưởng, còn một dãy nhà dùng để làm chỗ ở cho các cháu.

Ngày 28/8/2007, Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa ra đời. Ngay trong ngày ra mắt đầu tiên đã có 15 em từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam tìm đến xin học. Chỉ sau 1 năm đã có trên 50 em đến với trung tâm của bà.

Ban đầu bà Hoa cho tất cả các em học nghề may nhưng dần dần có nhiều em do sức khỏe yếu nên không theo kịp. Bà Hoa lại trăn trở để nghĩ ra sản phẩm khác cho các em làm.

Đang loay hoay tìm hướng đi mới cho trung tâm thì bỗng dưng có một người tự tìm đến xin được giúp các cháu. Chị Nguyễn Thu Trang ở xã Cự Khê, Thanh Trì trên đường đi làm vô tình gặp các cháu trong trung tâm của bà Hoa đẩy xe lăn ra đường chơi thì dừng lại hỏi, và chị biết được các cháu đang thiếu việc làm.

Từng làm ở một vài cơ sở thủ công chuyên bán đồ lưu niệm cho khách nước ngoài nên chị biết được có một món hàng phù hợp với các cháu. Đó là những con giống lõi gỗ, vỏ bằng giấy màu.

Việc tiếp theo là phải tìm cho được nơi cung ứng lõi gỗ hình tròn. Các cơ sở sản xuất đồ gỗ ở Thanh Trì đều ngại không dám nhận làm giúp bà loại sản phẩm này vì khó mà lợi nhuận lại không cao.

May ra có anh Nguyễn Văn Hoan ở cùng xã, khi biết được bà Hoa làm cho các cháu tật nguyền thì nhận ngay với mức giá chỉ ngang với giá vật liệu. Khi nào các cháu bán được hàng thì trả.

Khi trung tâm của bà Hoa chật vật một mình bà chạy vạy lo hết các khâu thì bỗng dưng xuất hiện 4 cô giáo xin được giúp đỡ các cháu. Cô Đoàn Minh Diệp vừa tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội đã được nhiều cơ quan ở huyện mời làm cán bộ nhưng cô từ chối để đến với trung tâm nhận mức lương “động viên” 500 nghìn đồng/tháng.

Cô Trần Minh Hoa tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang cũng tình nguyện về đây dạy các cháu may, thêu. Cô Nguyễn Thị Minh, bỏ cửa hàng may ở quận Hoàn Kiếm để về đây dạy cho các cháu nghề may, đan lát. Cô Nguyễn Thị Lan thì tranh thủ lúc rảnh rỗi ghé qua giúp trung tâm đưa hàng.

Bà Soạn ở huyện Phúc Thọ, vợ chồng người con trai đều đi xuất khẩu lao động, bà ở nhà chăm cháu. Nghe tin bà Hoa có trung tâm từ thiện nên hai bà cháu chuyển sang đây ở để có cơ hội giúp đỡ các cháu. Hàng ngày bà giặt giũ, nấu cơm, nước cho lũ trẻ mà không đòi hỏi một chút quyền lợi nào.

Các em ở trung tâm của bà Hoa đã làm được các sản phẩm là con giống, tranh giấy ghép. Khi các em đã làm thạo việc, mỗi ngày làm cật lực thì được 2 con giống, mỗi con giống giá bán là 10 nghìn đồng. Mỗi bức tranh các cháu phải mất đến 5-6 ngày em hoàn thành, giá bán khoảng 100 nghìn đồng.

May thay trong khi trung tâm còn đang loay hoay chưa tìm được cách tiếp cận với các nhà phân phối thì tình cờ bà đọc Báo ANTG và biết đến Chương trình Tết cho người nghèo “Tiếng lòng Hữu Ước” sẽ được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô trong  4 đêm.

Bà Hoa mang sản phẩm của các cháu tìm đến gặp Tổng biên tập Báo CAND - Thiếu thướng, nhà văn Hữu Ước xin giúp đỡ. Xúc động trước những sản phẩm do các cháu bé tật nguyền làm ra, Thiếu tướng đã đồng ý cho trung tâm được bày gian hàng bán các sản phẩm ngay trong các đêm công diễn của ông.

Từ hôm đó, tôi cảm nhận được không khí chuẩn bị rộn ràng ở trung tâm này: em thì lo tìm bộ quần áo đẹp nhất, các cô giáo thì chuẩn bị từng vật phẩm, từng lọ keo, khung tranh...

Nhìn cảnh các em hồ hởi chuẩn bị tôi thấy thương đến lạ. Có lẽ với những đứa trẻ thiếu may mắn này, chỉ một chút san sẻ, một chút yêu thương cũng làm cho chúng ấm lòng và có thêm niềm vui để sống. Nơi đây, các em cần lắm những “tiếng lòng”!

Hoàng Thắng
.
.