Nỗi lo khủng bố toàn cầu

Thứ Bảy, 30/07/2005, 07:41

Bộ mặt kinh tởm của khủng bố một lần nữa lại xuất hiện với cuộc thảm sát man rợ tại khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh (Ai Cập) khiến ít nhất 90 người chết, xảy ra rạng sáng ngày 23/7/2005. Sau Luân Đôn, giờ đến Ai Cập, và mục tiêu ngày mai là đâu nữa?

Khoảng sau 1 giờ sáng ngày 23/7/2005, Nasser Ali bắt đầu xếp mớ hóa đơn kinh doanh trong ngày tại cửa hàng lưu niệm Layali al-Hilmiya của mình. Trong khi đó, Mohammed Eissa bày dọn các ngăn kệ trong cửa hàng văn hóa phẩm của ông. Và Sayyid Sayyid đang trò chuyện vui vẻ khi cắt tóc cho người khách cuối cùng tại tiệm Friends Coiffure... Toàn cảnh, khu du lịch nổi tiếng Hồng Hải Sharm el-Sheikh đang chìm trong giấc ngủ thanh bình. Thế rồi đột nhiên ba tiếng nổ kinh hoàng vang lên. Khối thuốc nổ cài trong chiếc xe đậu giữa đường tại khu Chợ Cũ của Sharm el-Sheikh đã khoét một hố to hơn 3 mét. Tất cả cửa kính gần đó đều vỡ nát và hơn 10 chiếc xe bị bẹp rúm, nám khói đen. Nhiều vũng máu chảy lan với nước trên mặt đường. Tất cả trông như địa ngục.

Cách đó vài dặm tại vịnh Naama, nơi tập trung khách sạn, nhà hàng, sòng bài, người ta nghe tiếng nổ thứ hai ở khách sạn Ghazala Gardens. Đậu xe cách không xa Ghazala Gardens, một tài xế taxi cho biết mình thấy chiếc xe màu nâu mang biển số Taba (khu nghỉ mát giáp biên giới Ai Cập - Israel) lao thẳng qua hàng rào, đâm vào hai người bảo vệ và phóng thẳng đến cửa chính. Vụ nổ mạnh đến mức tiền sảnh Ghazala Gardens bị biến thành đống gạch vụn. Mảnh kính văng xa đến hàng trăm mét.

Cuối cùng, vụ tấn công thứ ba được thực hiện tại khách sạn Moevenpick gần siêu thị Sheikh Abdullah...

Cách thức tấn công cũng tương tự vụ khủng bố tại hai khu nghỉ mát Taba và Ras Shitan ở bán đảo Sinai (cách Sharm el-Sheikh khoảng 190km về hướng bắc) vào tháng 10/2004. Ai đã gây ra cuộc thảm sát thường dân này và lý do của chúng là gì?

Vài giờ sau vụ tấn công liên hoàn tại ba địa điểm khác nhau ở khu nghỉ mát Hồng Hải, trang web nhóm Abdullah Azzam Brigades of Al-Qaeda đã nhận trách nhiệm thực hiện. Vài giờ sau, nhóm thứ hai - Những chiến binh thánh chiến Ai Cập - cũng tự xưng là kẻ khủng bố. Nhà chức trách Ai Cập chưa thể kiểm chứng thông tin trên. Tình hình càng khó khăn khi tiến trình điều tra vụ khủng bố Taba hiện chưa kết thúc dù người ta đang xử ba kẻ tình nghi.

Cách thức tấn công Sharm el-Sheikh cho thấy vụ khủng bố được thực hiện có tổ chức và lên kế hoạch kỹ. Theo Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Habib el-Adly, vụ Sharm el-Sheikh có thể liên can đến bọn từng tấn công Taba. Như trường hợp Bali (Indonesia), vụ khủng bố chắc chắn ảnh hưởng tức thì ngành công nghiệp du lịch Ai Cập với doanh thu 6,6 tỉ USD/năm, dựa chủ yếu vào các khu nghỉ mát Hồng Hải như Sharm el-Sheikh. Năm 2004, Ai Cập đã đón 8,1 triệu du khách và Chính phủ Cairo có kế hoạch tăng gấp đôi du khách từ nay đến giữa thập niên 2010.

Cần nói thêm, trước khi Israel chiếm Sinai năm 1967, Sharm el-Sheikh chỉ là làng đánh cá nghèo. Vào thời điểm trước khi đội quân Israel cuối cùng rút khỏi Sinai, Sharm el-Sheikh bắt đầu được xây dựng thành khu nghỉ mát. Hiện Sharm el-Sheikh có hơn 100 khách sạn (với khoảng 20.000 phòng). Và tương tự Bali, vụ Sharm el-Sheikh cũng làm thiệt mạng nhiều du khách nước ngoài, trong đó có người Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Italia, Kuwait...

An ninh Ai Cập thật ra luôn trong tình trạng báo động cao thời gian gần đây. Tháng 6/2005, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak phát biểu trên tờ Yediot Aharonot (Israel) rằng, an ninh Ai Cập đã phá vỡ một ổ khủng bố dự tính tấn công du khách Israel tại Sinai. Và Ai Cập cũng có một số gương mặt khủng bố nổi cộm. Ayman al-Zawahiri - tên trùm thứ hai sau Osama bin Laden trong tổ chức Al-Qaeda - là người Ai Cập, từng dính vào loạt khủng bố trên chính đất nước mình từ năm 1991 đến 1997.

Cũng trong ngày thứ bảy 23/7/2005, một đoạn băng hình truyền lên Internet cho thấy cảnh Công sứ Ai Cập Ihab al-Sherif (công tác tại Iraq, bị bắt ngày 3/7/2005 và dường như đã bị giết) nói đến sự hiện diện của người Israel tại bán đảo Sinai thuộc Ai Cập. Trong băng hình, nhà ngoại giao Ihab al-Sherif bị chất vấn về Hiệp ước 1979 giữa Ai Cập - Israel (cho phép người Israel đến khu vực C tại Ai Cập mà không cần xin visa). “Thế khu vực C bắt đầu từ đâu?” - tên hỏi cung nói. “Từ Taba đến Sharm el-Sheikh” - Ihab al-Sherif trả lời. Chi tiết này dù không liên quan trực tiếp vụ khủng bố Sharm el-Sheikh nhưng cho thấy việc giết dân Israel tại Sinai là mục tiêu của vài nhóm Hồi giáo quá khích và như vậy vụ việc có vẻ ít nhiều mang tính chính trị.

Tuy nhiên, dù lý do chính trị hay cố ý khoác lớp áo chính trị cho sự việc thì bản chất khủng bố cũng là hành động đối kháng văn minh. Một thế giới với những nguyên tắc nhất định về hệ thống chính trị được chuẩn mực hóa quốc tế bằng trật tự xã hội và phương cách đấu tranh có lý lẽ không thể nào có chỗ tá túc cho sự biện giải của chủ nghĩa khủng bố. Dù vậy, điều bây giờ vẫn là một thực tế đối mặt nỗi lo thường trực của khủng bố toàn cầu. Trong cuộc chiến với kẻ giấu mặt hèn hạ này, hợp tác là yếu tố tiên quyết

M.Kim
.
.