Nóng rực bán đảo Triều Tiên

Thứ Tư, 20/03/2013, 10:55

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang trở nên vô cùng căng thẳng với hàng loạt sự kiện gây bất ổn an ninh từ tất cả các bên. Trong khi đó, Hội đồng Bảo an LHQ vẫn tiếp tục diễn ra các hoạt động vận động, đàm phán giữa các cường quốc nhằm tăng cường hơn nữa các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên.

Triều Tiên tuyên bố hủy thỏa thuận  ngừng bắn 1953

Sự kiện gây chú ý nhất chính là tuyên bố của CHDCND Triều Tiên hôm thứ hai 11/3 rằng, nước này "huỷ bỏ hoàn toàn" thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt chiến tranh Triều Tiên năm 1953, đồng thời cắt đứt đường dây nóng liên lạc giữa 2 miền được thiết lập từ năm 1991, gián đoạn vào năm 2009 và nối lại không lâu sau đó. Hành động này được xem là có thể tạo ra một không khí chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Cần biết rằng, thỏa thuận ngừng bắn tuy không có hiệu lực như một thỏa thuận hòa bình, chấm dứt hoàn toàn chiến tranh, nhưng trên thực tế nó là "lá bùa" hữu hiệu giúp duy trì tình trạng hòa bình tạm thời trong suốt 60 năm qua trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi, thỏa thuận này không mang tính ràng buộc mạnh mẽ và nó có thể bị hủy bỏ bất cứ lúc nào nếu các bên liên quan không thể kiềm chế, có những hành động khiêu khích, bất chấp quan điểm, lập trường của đối phương. Việc rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn của CHDCND Triều Tiên là dấu hiệu cho thấy nước này sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất.

Xung quanh tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn của CHDCND Triều Tiên, cần lưu ý một số sự kiện liên quan cũng diễn ra cùng thời gian. Trước hết, giữa 2 miền Triều Tiên đã "trao đổi" những phát ngôn, những tuyên bố đầy căng thẳng. Hai bên đã không ngớt đưa ra những lời lẽ đe dọa "tiêu diệt" lẫn nhau. Vài ngày sau khi tân Tổng thống Park Geun-hye chính thức nhậm chức, CHDCND Triều Tiên đã có màn "chào đón" bằng lời lẽ đe dọa "xóa sổ" Seoul trên bản đồ, đồng thời tuyên bố nước Mỹ "nằm trong tầm bắn" của tên lửa tầm xa của nước này.

Tướng Kim Yong-chol, người đứng đầu Cơ quan Tình báo quốc gia của CHDCND Triều Tiên tuần trước đã tuyên bố các tên lửa của Triều Tiên có thể biến "bọn tư bản Mỹ" và những "kẻ hung hãn" khác thành biển lửa.

Đặc biệt, tuyên bố của CHDCND Triều Tiên là hành động cụ thể hóa lời đe dọa trước đó của nước này trước việc Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn như đã thông báo. Theo báo chí Hàn Quốc, cuộc tập quy mô này bắt đầu từ ngày 11/3, bao gồm 10.000 quân Hàn Quốc và khoảng 3.000 quân Mỹ đang trú đóng tại Hàn Quốc, cùng những khí tài quân sự hiện đại của cả hai nước.

CHDCND Triều Tiên xem cuộc tập trận là hành động khiêu khích nghiêm trọng, là hoạt động quân sự nhằm chuẩn bị cho một cuộc xâm lược bằng quân sự vào CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng lâu nay luôn phản đối quyết liệt sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, với hơn 28.000 quân, và những hoạt động tập trận chung được tiến hành hàng năm giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc.

Với sự hiện diện của quân đội Mỹ, chính quyền Hàn Quốc bị CHDCND Triều Tiên xem như "bù nhìn", vì hầu như tất cả những hành động cứng rắn của Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak đều đi liền với đường lối, chủ trương của Mỹ ở Đông Bắc Á, các chính sách của Mỹ mà CHDCND Triều Tiên xem là những chính sách thù địch. Một trong những hành động thể hiện thái độ, chính sách "thù địch" của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên là Mỹ vẫn duy trì các chính sách cấm vận và vận động Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ siết chặt cấm vận đối với CHDCND Triều Tiên qua những lần Triều Tiên phóng tên lửa và thử đầu đạn hạt nhân.

Đặc biệt là, nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho các vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thất bại và đến nay hầu như "chết" hẳn chính là việc Mỹ và Hàn Quốc từ chối lời kêu gọi của Bình Nhưỡng ký kết một hiệp đình hòa bình vĩnh viễn nhằm khẩn trương xúc tiến việc tái thống nhất hai miền Triều Tiên, đồng thời thiết lập quan hệ bình đẳng song phương giữa Triều Tiên với Mỹ. Chỉ khi ký kết hiệp định hòa bình, thiết lập quan hệ ngoại giao song phương thì việc đàm phán về chương trình hạt nhân mới đạt hiệu quả.

Hải quân Mỹ - Hàn Quốc tập trận trên biển Hoàng Hải.

Cho dù là xuất phát từ nguyên do gì thì tuyên bố của Bình Nhưỡng cũng đang khiến cho giới chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc đau đầu, tìm mọi cách để "phỏng đoán" về cách thức đưa ra chính sách của Chủ tịch Kim Jong-un, cũng như thực lực hiện tại của CHDCND Triều Tiên. Liệu khả năng tên lửa tầm xa của CHDCND Triều Tiên có thật sự bắn tới Mỹ hay không còn phải chứng minh thực tế, và việc CHDCND Triều Tiên có khả năng chế tạo được bom hạt nhân thật sự cũng cần vài năm nữa, nhưng trước mắt thì Hàn Quốc đang đối mặt khả năng một cuộc đối đầu quy mô nhỏ hơn với CHDCND Triều Tiên, và các loại tên lửa, đạn pháo tầm ngắn của CHDCND Triều Tiên hoàn toàn có khả năng bắn đến các mục tiêu ở Hàn Quốc.

Những động thái như đi thăm một số hòn đảo nằm gần ranh giới trên biển của Chủ tịch Kim Jong-un tuần trước đã được Hàn Quốc và Mỹ chú ý theo dõi sát sao. Trong những chuyến thăm đó, Chủ tịch Kim Jong-un đã ra lệnh cho binh sĩ trên các hòn đảo này phải "bắn ngay nếu kẻ thù bắn vào vùng biển của CHDCND Triều Tiên".

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng tuyên bố của CHDCND Triều Tiên nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng không phải là "chiến tranh sắp xảy ra". Trong quá khứ, Bình Nhưỡng cũng từng tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2009 nhưng sau đó đã quay trở lại, đồng thời nối lại đường dây nóng. Còn hiện tại, động thái này cũng được xem là có mục đích khác.

Theo các chuyên gia, Bình Nhưỡng đang từng bước buộc Mỹ đi đến đàm phán song phương, và sau đó sẽ tiến tới tìm kiếm đàm phán hiệp định hòa bình nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng chiến tranh, buộc Mỹ phải rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên.

Thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc biểu quyết nghị quyết trừng phạt Triều Tiên ngày 7/3.

Trung Quốc có quay lưng với Triều Tiên?

Việc HĐBA LHQ ngày 7/3 thông qua hàng loạt các biện pháp mới trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân lần thứ ba của nước này đã khiến dư luận quốc tế đặt câu hỏi: Vì sao Trung Quốc, đồng minh lớn và lâu đời của Bình Nhưỡng, lại chấp nhận những biện pháp trừng phạt do Mỹ đề xuất?

Trước đây, LHQ đã áp đặt cấm vận lên hàng xa xỉ nhập vào Triều Tiên, nhưng HĐBA  chưa bao giờ định nghĩa đó là những mặt hàng nào. Những nhà nhập khẩu dễ dàng tránh né lệnh cấm, nhập vào các xe đua, du thuyền, nữ trang có gắn ngọc trai, đá quý, vàng và bạc.

Việc trừng phạt cũng bao gồm lệnh cấm tiếp tục bán kỹ thuật quân sự cho Triều Tiên và có thêm nhiều quan chức Bình Nhưỡng bị liệt vào danh sách cấm du lịch sang các nước khác. Ngoài ra, nghị quyết của HĐBA LHQ cũng siết chặt giới hạn đối với các giao dịch tài chính của Triều Tiên, đáng chú ý là những khoản chuyển tiền mặt lớn. Nên biết rằng đây là những biện pháp do Mỹ đề xuất và nước này đã phải mất ba tuần lễ thương lượng để Trung Quốc chấp nhận biện pháp này. Và đây là lần thứ hai Bắc Kinh trừng phạt đồng minh của mình. Lần thứ nhất xảy ra sau vụ Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo vào tháng 12/2012.

Giới chuyên gia hay báo chí Trung Quốc có nhiều lý giải khác nhau về quan hệ đổi khác giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Zhu Feng, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, nhận định: Trung Quốc đang hy vọng dưới các sức ép ngoại giao, có thể buộc Triều Tiên thay đổi thái độ. Ông nói: "Cuối cùng, Bắc Kinh cũng đã nhận thức được thực tế. Tại HĐBA, Bắc Kinh rõ ràng đã chuyển sang một chính sách cứng rắn hơn nhằm trừng phạt mạnh mẽ Triều Tiên".

Tờ Thời báo Hoàn cầu (phụ san của Nhân dân Nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) mới đây kêu gọi Trung Quốc cắt hoàn toàn viện trợ đối với Bình Nhưỡng. Giới quân đội Trung Quốc cũng tỏ dấu hiệu không hài lòng với Bình Nhưỡng mặc dù họ vẫn chưa bày tỏ thái độ cụ thể. Thiếu tướng về hưu La Viện, nổi tiếng là một nhân vật có tư tưởng đối ngoại "diều hâu", ngày 9/3 viết trên trang blog cá nhân: "Việc họ từng là đồng chí hay anh em đều không quan trọng. Nếu họ gây tổn hại tới lợi ích quốc gia, chúng ta sẽ không nhân nhượng".

Lãnh đạo Bình Nhưỡng thị sát việc triển khai quân đội tới vùng biên giới phi quân sự với Hàn Quốc.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của chính quyền Triều Tiên đang làm tổn hại đến lợi ích của Bắc Kinh, và việc cứ lặp đi lặp lại lời kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại đàm phán là không có hiệu quả. Đặng Duật Văn, Phó tổng biên tập ấn phẩm Thời báo Học tập của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã viết trên tờ Thời báo Tài chính hồi đầu tháng này rằng, Bắc Kinh nên "từ bỏ Triều Tiên" bởi Bình Nhưỡng từ lâu đã mất giá trị chiến lược như là "vùng đệm", trong khi đó giá trị và lợi ích của Trung Quốc ngày nay phù hợp với phương Tây hơn.   

 Những hành động gần đây của chính quyền Kim Jong-un là một vấn đề không mong đợi đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người cũng đang phải giải quyết không ít vấn đề nổi cộm trong nước từ tham nhũng đến ô nhiễm môi trường. Cai Jian, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, nói: "Cách cư xử của Triều Tiên khiến dư luận Trung Quốc tức giận, và chính điều này đã gây áp lực không nhỏ đối với chính quyền. Ông Tập Cận Bình đã nói về việc chính quyền cần lưu tâm tới ý kiến của dư luận. Bộ máy lãnh đạo mới sẽ thực tế hơn, hợp tác hơn với cộng đồng quốc tế trong vấn đề Triều Tiên".

Chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên là vấn đề phiền phức cho Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc không thể đồng tình vì đi ngược với công ước quốc tế mà Trung Quốc đã thỏa thuận. Mặt khác, nếu Triều Tiên trở thành một nước có vũ khí hạt nhân thì không phải là đe dọa cho Trung Quốc, nhưng có thể khiến các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển hạt nhân, hoặc ít nhất sẽ làm cho khu vực Đông Bắc châu Á trở nên bất ổn và điều đó không có lợi cho Trung Quốc.

Nếu nói như trên, người đọc có thể nghĩ tới khả năng sắp tới Trung Quốc sẽ rời bỏ Bình Nhưỡng? Các chuyên gia cho rằng chuyện không đơn giản thế. Triều Tiên là vùng đệm quan trọng của Bắc Kinh trước lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc cũng không muốn Triều Tiên đi theo con đường của Myanmar - từng là đồng minh trung thành của Bắc Kinh song giờ lại đang tích cực xây dựng và mở rộng quan hệ với Washington. Nếu Trung Quốc gây quá nhiều áp lực đối với Triều Tiên, quốc gia vốn tự cô lập này có thể sẽ sụp đổ và kịch bản này là điều mà Bắc Kinh ít mong muốn nhất.

Điều này sẽ không chỉ khiến làn sóng người dân di cư từ Triều Tiên tràn vào phía đông bắc Trung Quốc, mà còn gây ra nhiều quan ngại về "số phận" các nguyên liệu hạt nhân của Triều Tiên. Chưa kể, Trung Quốc chiếm lĩnh đến 80% nền trao đổi ngoại thương của Triều Tiên.

Vấn đề là ở chỗ Bắc Kinh sẽ thực hiện thái độ cứng rắn đến mức nào? Các chuyên gia chính sách đối ngoại của Trung Quốc lo ngại rằng nếu quá "rắn" với Triều Tiên, hoặc Bắc Kinh bị coi là công khai đứng về phía Washington, Bình Nhưỡng sẽ có thêm nhiều hành vi hiếu chiến hơn mà kịch bản này, Bắc Kinh cho là còn tồi tệ hơn là tình trạng hiện tại.

Chả thế mà nếu phân tích kỹ các biện pháp trừng phạt mới, người ta mới thấy rằng đương nhiên các lệnh trừng phạt mới này chỉ mang tính chất tượng trưng, nếu không thì Trung Quốc sẽ không chấp nhận.

Phản ứng của Triều Tiên đối với nghị quyết mới (tuyên bố hủy hiệp ước đình chiến 1953 với Hàn Quốc), trên bề mặt là sự chống Mỹ và Hàn Quốc, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự bất mãn và chống đối Trung Quốc. Đó là lời cảnh cáo Trung Quốc rằng Triều Tiên sẽ có thể đi ra ngoài quỹ đạo của Trung Quốc nếu không được những hỗ trợ khác để bù đắp. Và khi quốc gia bị cô lập nhất thế giới này đã rời khỏi nước đồng minh của họ thì bắt buộc phải tìm kiếm những mối quan hệ khác. Đấy là điều Trung Quốc không mong muốn nhưng cũng rất khó khăn để tìm ra giải pháp thỏa đáng cho mình.

Cũng nên thấy là trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Hàn Quốc không phải là đối tượng hay cứu cánh của CHDCND Triều Tiên, chỉ là phương tiện mà Triều Tiên sử dụng cho những mục tiêu khác

Văn Trương - Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.