Nóng vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ

Thứ Tư, 20/05/2015, 20:00
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa có chuyến thăm Trung Quốc 2 ngày. Mặc dù mục đích ban đầu là nhằm chuẩn bị cho Đối thoại song phương Mỹ - Trung dự kiến diễn ra tại Washington vào tháng 6/2015 và chuẩn bị cho chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9/2015, nhưng vấn đề Biển Đông lại làm nóng lên chương trình nghị sự của chuyến đi này.

Chuyến thăm Bắc Kinh trong hai ngày 16 và 17/5 của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang bị cộng đồng quốc tế tố cáo bồi đắp nhanh chóng những hòn đảo, bãi đá, rạn san hô đang tranh chấp tại Biển Đông để xây dựng thành những tiền đồn quân sự.

Trước chuyến đi Trung Quốc của ông John Kerry, giới chức quốc phòng Mỹ đã bắn tiếng rằng, sẽ cử máy bay, tàu chiến tới khu vực Trung Quốc đang bồi đắp để giám sát. Mỹ cho rằng họ có 2 lý do để can thiệp vào công việc mà Trung Quốc đang làm tại Biển Đông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, ngày 17/5/2015.

Thứ nhất là Mỹ phải có trách nhiệm lên tiếng bảo vệ cho đồng minh của mình là Philippines. Nước này đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại khu vực mà chính quyền Bắc Kinh đang cho cơi nới mở rộng ở Biển Đông.

Thứ hai, Mỹ cho rằng Biển Đông là tuyến đường thủy giao thương quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và của cả thế giới nói chung, nên Trung Quốc không thể chiếm làm của riêng họ. Việc Trung Quốc chiếm những hòn đảo của các nước bé hơn trong khu vực rồi sau đó xây dựng thành các căn cứ quân sự sẽ đe dọa tới việc tự do giao thông ở Biển Đông.

Sâu xa hơn, Mỹ đang thực hiện chiến lược chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại về châu Á. Nếu để Trung Quốc chặn ngay ngoài Biển Đông thì coi như Mỹ đã bị thất thế. Ngăn chặn Trung Quốc bồi đắp biển để xây dựng các căn cứ quân sự chính là vì ý này chứ thực ra tự do hàng hải chỉ là một khái niệm mơ hồ.

Trong một bản báo cáo gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá rằng Trung Quốc có thể sử dụng các cơ sở hạ tầng được xây cất trên các bãi đá này nhằm tăng cường các hoạt động tuần tra của hải quân ở trong vùng và sử dụng đường băng nhằm áp đặt một vùng nhận diện phòng không. Mỹ coi khu vực này là vùng biển quốc tế.

Phát biểu tại Thượng viện Mỹ, ông David Shear, phụ trách châu Á trong nhóm cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, đã nhận định: “Rất nhiều cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng trên các bãi đá chìm, nhưng đó không phải là cơ sở cho các đòi hỏi lãnh thổ. Khó thấy được Trung Quốc hành xử ra sao để phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Trong bối cảnh này, ngay trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 16/5, ông Kerry đã nói rất rõ rằng: "Chúng tôi lo ngại về tốc độ và quy mô của các dự án cải tạo đất của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông". Ông kêu gọi Trung Quốc nhanh chóng đàm phán với Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), về những quy tắc ứng xử có ràng buộc để giải quyết những hành động gây tranh chấp trên biển. Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp người đồng nhiệm Trung Quốc, Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố: “Tôi yêu cầu Trung Quốc, thông qua Ngoại trưởng Vương Nghị, có những biện pháp hài hòa với các bên để giảm bớt căng thẳng và gia tăng cơ hội cho một giải pháp ngoại giao”.

Tuy nhiên, ngay lập tức, Ngoại trưởng Vương Nghị đã tuyên bố: “Việc xây dựng tại Trường Sa và một số đảo đá ngầm hoàn toàn nằm trong phạm vi lãnh hải Trung Quốc. Tôi muốn tái khẳng định ở đây rằng quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của phía Trung Quốc là cứng như đá và bất di bất dịch”. Ông Vương Nghị đồng thời còn chỉ trích Mỹ nên tránh những hành vi gây hấn, và hãy nên “đóng góp nhiều hơn cho ổn định và hòa bình” trong vùng Biển Đông….

Các nhà báo có mặt nhận định tình hình có vẻ rất căng thẳng. Hai đại diện Trung-Mỹ kết thúc họp báo chỉ bằng cái bắt tay chiếu lệ rồi mỗi người một hướng.

Nhưng sang ngày hôm sau, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bớt gay gắt hơn. Có lẽ lãnh đạo Trung Quốc muốn làm dịu tình hình và cho rằng quan hệ giữa hai nước “về đại cục là ổn định”. Lãnh đạo Trung Quốc nhắc lại mong muốn là Washington và Bắc Kinh xây dựng một “mô hình mới trong quan hệ giữa hai nước lớn” mà ở đó “mỗi bên phải tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, hệ thống chính trị và nhịp độ tăng trưởng” của nhau. Tân Hoa xã trích lời Chủ tịch Tập Cận Bình nói: “Thái Bình Dương đủ rộng lớn để đón tiếp cả Trung Quốc lẫn Mỹ” và hai nước cần giải quyết các khác biệt “sao cho đường hướng chung trong quan hệ song phương không bị ảnh hưởng”.

Theo các nhà quan sát, sẽ có một trong các khuynh hướng sau diễn ra trong quan hệ Mỹ-Trung sắp tới.

Thứ nhất, Mỹ sẽ thương thảo bắt tay với Trung Quốc chia lợi ích toàn khu vực Biển Đông. Thứ hai, ra đời một hiệp ước ràng buộc giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực. Thứ ba, Trung Quốc vẫn tiếp tục hành vi bồi đắp ở Biển Đông và thách thức Mỹ, tình trạng này sẽ kéo dài. Thứ tư, Mỹ sẽ rút ra khỏi Biển Đông hoặc không can thiệp mạnh bằng quân sự mà chỉ võ mồm vì tránh đụng độ trực tiếp với Trung Quốc. Thứ năm là nếu Mỹ thể hiện uy tín thì có thể xảy ra đụng độ nhỏ ở Biển Đông, rồi cứ thế kéo dài. Cuộc chiến lớn khó xảy ra.

Với Mỹ, lợi ích là số 1. Trong chuyến thăm Trung Quốc của ông John Kerry vấn đề Biển Đông chỉ là cái cớ còn quyền lợi của Mỹ với Trung Quốc mới là chính là quan trọng. Từ xưa tới nay chỉ có Mỹ mới chìa củ “cà rốt” cho thiên hạ nhưng lần này chính củ “cà rốt” của Mỹ lại được Trung Quốc chìa ra và nó đã khiến người ta đặt dấu hỏi về những tuyên bố của lãnh đạo mấy nước này. Các chuyên gia độc lập nhận định, các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc nên thận trọng, bình tĩnh theo dõi những động thái của Mỹ.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.