Núi thách thức đang chờ Tổng thống lâm thời Mali

Thứ Tư, 09/06/2021, 13:56
Ngày 7-6, Đại tá Assimi Goita đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời Mali. Phát biểu trong lễ tuyên thệ tại thủ đô Bamako, ông Goita tuyên bố chính phủ chuyển tiếp sẽ "thực hiện tất cả các cam kết" bảo vệ nền cộng hòa và các thành tựu dân chủ, đồng thời khẳng định sẽ tổ chức "các cuộc bầu cử đáng tin cậy, công bằng và minh bạch". Nhưng, theo các nhà quan sát, ông Goita sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức.


Người 2 lần đảo chính trong 9 tháng

Đại tá Goita được Tòa Hiến pháp chỉ định làm Tổng thống lâm thời hồi tháng trước, sau khi các ông Bah Ndaw và Moctar Ouane tuyên bố từ chức tổng thống và thủ tướng trong chính phủ lâm thời cũ.

Mali đang đối mặt với tình trạng bất ổn nghiêm trọng. Tháng 8-2020, nước này xảy ra cuộc đảo chính quân sự khiến cựu Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita bị lật đổ. Đại tá Goita là một trong số sĩ quan quân đội dẫn đầu cuộc đảo chính. Ngày 18-8-2020, đại tá Goita lần đầu xuất hiện trước các ống kính truyền hình cùng 4 sĩ quan chỉ huy tham gia cuộc đảo chính để thông báo việc lật đổ Tổng thống Keita.

Sau cuộc đảo chính lần thứ nhất, hai nhà lãnh đạo của chính phủ lâm thời - cựu Tổng thống Bah Ndaw và Thủ tướng lâm thời Moctar Ouane - chịu trách nhiệm giám sát quá trình chuyển tiếp và cải tổ nội các trở về chế độ dân sự kéo dài 18 tháng. Đại tá Assimi Goita làm Phó Tổng thống lâm thời của Mali.

Ông Assimi Goita (bên phải) tại lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời Mali ở Bamako, ngày 7-6.

Tuy nhiên, ngày 24-5-2021, cả ông Ndaw và Ouane đều bị bắt sau khi đưa ra kế hoạch cải tổ nội các gây tranh cãi giữa nội bộ các lãnh đạo đảo chính hồi năm ngoái. Sau khi từ chức, hai người được trả tự do. Nguyên nhân chủ yếu của cuộc đảo chính lần này là do một cuộc cải tổ nội các của chính phủ lâm thời Mali đã được tiến hành mà không có sự tham vấn của ông Goita, trong đó có việc vị đại tá này không được bổ nhiệm vào vị trí phó tổng thống như kì vọng. Cùng với đó, 2 sĩ quan quân đội liên quan đến cuộc đảo chính lần trước cũng không có tên trong thành phần nội các mới.

Trước những sự chỉ trích về việc quân đội Mali tiến hành đảo chính, ông Goita đã bảo vệ hành động trên khi cho rằng nước này “cần có một sự gắn kết chặt chẽ giữa lực lượng quốc phòng và an ninh”, đồng thời cho biết sẽ bổ nhiệm một thủ tướng mới và cam kết sẽ tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ vào năm sau theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Đại tá Goita là con của cựu Giám đốc quân cảnh. Ông tốt nghiệp Trường Prytanée de Kati, trường quân sự chính của Mali. Năm 2002, ông từng được cử lên phía Bắc, trải qua nhiều chiến trường chống phiến quân. Ông Goita thăng tiến nhanh chóng nhờ những chiến công chống lực lượng phiến quân nổi dậy đòi độc lập và sau đó là các lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Khó khăn chờ đợi

Mali là đất nước có diện tích lớn thứ 8 châu Phi, dân số hơn 14 triệu người. Mali giành được độc lập vào năm 1959. Cơ cấu kinh tế của Mali tập trung chủ yếu vào nông nghiệp và đánh bắt cá. Một số tài nguyên thiên nhiên của Mali bao gồm vàng, uranium và muối. Mali được xem là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Đại tá Goita phát biểu trong lễ kỷ niệm 60 năm độc lập của Mali tại Bamako.

Việc xảy ra 2 vụ đảo chính tại Mali chỉ trong 9 tháng đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại và bất bình. Phản ứng trước sự việc trên, Liên minh châu Phi (AU) đã đình chỉ tư cách thành viên của Mali, đồng thời đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu một chính quyền dân sự không được khôi phục tại quốc gia này.

Ngày 30-5, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Mali sau cuộc đảo chính lần thứ hai của quân đội nước này. Tại Hội nghị thượng đỉnh của ECOWAS diễn ra ở thủ đô Accra của Ghana, các nhà lãnh đạo khối yêu cầu Mali phải cam kết tuân theo cam kết tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 2-2022, sau thời gian chuyển tiếp kéo dài 18 tháng.

Theo Ngoại trưởng Ghana Shirley Ayorkor Botchwey, lệnh đình chỉ tư cách Mali khỏi ECOWAS có hiệu lực ngay lập tức cho đến thời hạn chót là cuối tháng 2-2022, thời điểm Mali phải chuyển giao quyền lực cho một chính phủ được bầu dân chủ. Ngoại trưởng Ghana cũng khẳng định Mali phải đảm bảo rằng trong vài ngày tới sẽ lựa chọn một thủ tướng dân sự để thành lập một chính phủ lâm thời mới.

ECOWAS và nhiều nước phương Tây như Pháp, Mỹ lo ngại khủng hoảng chính trị tại quốc gia Tây Phi có thể gây bất ổn hơn nữa ở khu vực miền Bắc và miền Trung Mali, vốn là căn cứ địa cho các nhánh khu vực của các tổ chức khủng bố như al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Ngày 4-6, đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) ở thủ đô Bamako (Mali) cho biết tổ chức quốc tế này đã đình chỉ các hoạt động tài chính ở Mali sau diễn biến chính trị vào cuối tháng 5 vừa qua. Người phát ngôn của tổ chức này nói rằng WB đã tạm dừng giải ngân cho các hoạt động ở Mali, lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm, trong khi theo dõi và đánh giá chặt chẽ tình hình ở quốc gia này.

Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.