Nước Anh rời EU không thỏa thuận: Kịch bản thảm họa

Thứ Hai, 16/09/2019, 11:29
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là hạn chót (31-10) để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), tuy nhiên tình hình vẫn mờ mịt. Trong khi đó, một báo cáo mật từ Chính phủ Anh cho biết kịch bản Vương quốc Anh rút ra khỏi EU mà không thỏa thuận sẽ gây thảm họa.

Nghị viện Anh ngày 9-9 biểu quyết với đa số về một dự luật buộc chính phủ phải yêu cầu hoãn Brexit thêm 3 tháng, thay vì rời Liên minh châu Âu mà không có một thỏa thuận. Về mặt lý thuyết, bước này có thể được thực hiện vào ngày Thứ hai tuần tới.

Nỗ lực của Nghị viện Anh nhằm trói tay Thủ tướng Boris Johnson đã đẩy giải pháp Brexit vào tình trạng bấp bênh, với những kết quả khác nhau, từ một giải pháp Brexit hỗn loạn không có thỏa thuận để rời EU, cho tới hủy bỏ toàn bộ nỗ lực Brexit - cả hai tình huống đều được coi là không thể chấp nhận được trong một thành phần lớn các cử tri của Vương quốc Anh.

Ông Boris Johnson mô tả động thái của các nhà lập pháp ở Nghị viện Anh là một nỗ lực “đầu hàng” EU trong hồ sơ Brexit và để đáp trả, ông đã đình chỉ hoạt động của Nghị viện trong 5 tuần, tức đến ngày 14-10, sau khi đề xuất tổ chức bầu cử trước thời hạn vào ngày 15-10 của ông bị các nghị sĩ bác bỏ. Cuộc bầu cử này được coi là một bước có thể giúp cởi trói ông khỏi mọi biện pháp hạn chế nếu ông giành được đa số phiếu.

Kịch tính trên đồng nghĩa với việc cả hai cánh cửa Brexit cùng lúc đóng lại. Cánh cửa thứ nhất là cánh cửa Nghị viện Anh, còn cánh cửa kia là đề xuất bầu cử sớm của Thủ tướng Anh, bị bác. Theo Le Figaro, bầu cử sớm, hay xóa bài làm lại, là cốt lõi trong chiến lược của ông Johnson. Chiến lược này đã hoàn toàn phá sản.

Giờ đây câu hỏi đặt ra là liệu Thủ tướng Anh có chấp nhận thực thi quyết định của Hạ viện, với luật, yêu cầu châu Âu kéo dài thời hạn đàm phán thêm 3 tháng hay không? Về mặt chính thức, Chính phủ Anh cho biết sẽ tuân thủ luật mà Nghị viện vừa thông qua (đã được Nữ hoàng phê chuẩn), tuy nhiên một số nhân vật trụ cột trong chính phủ vẫn muốn duy trì một không khí mơ hồ xung quanh luật này.

Các nghị sĩ chống lại việc Anh rời EU không thỏa thuận cũng chuẩn bị sẵn các biện pháp pháp lý để đối phó. Một số luật sư thậm chí cảnh báo: nếu không thực thi luật, Thủ tướng Anh có thể bị bắt giam.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo là Thủ tướng Johnson sẽ tuân thủ luật này. Trong tối 9-9, ông Johnson vẫn khẳng định lần nữa là ông sẽ không yêu cầu EU gia hạn Brexit, tức là từ chối tuân thủ luật. Một số nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ ông Johnson tuyên bố là có đến 20 cách mà ông Johnson có thể sử dụng để né tránh việc phải tuân thủ luật ngăn Brexit không thỏa thuận. Một số kịch bản được nhắc đến.

Kịch bản đầu tiên, đó là ông Johnson hoàn toàn phớt lờ luật này. Khi đó thì chắc chắn chính trường Anh sẽ rơi tiếp vào một cơn bão khủng hoảng hiến pháp và chính trị bởi một Thủ tướng đã không tôn trọng quyền lực cao hơn của Nghị viện, điều ít khi xảy ra trong nền dân chủ lấy quyền lực nghị viện làm trọng tâm như Vương quốc Anh.

Khi đó, mọi việc sẽ phải đưa ra giải quyết trước tòa án và ông Johnson sẽ đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt, thậm chí phải ngồi tù. Vì thế, đây sẽ là kịch bản nguy hiểm cả về mặt chính trị và thể chế cho nước Anh lẫn cho số phận ông Johnson.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại Nghị viện.

Khả năng thứ hai, đó là cùng lúc với việc gửi thư đề nghị EU gia hạn Brexit đến 31-1-2020 như luật của Nghị viện Anh yêu cầu, ông Boris Johnson có thể gửi một lá thư khác cho EU nói rõ rằng Chính phủ Anh không muốn gia hạn và đề nghị EU không phê chuẩn yêu cầu từ Anh.

Tuy nhiên, như cảnh báo của cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Anh, ông Sumption, thì Tòa án Anh không phải ngu ngơ để mặc cho Thủ tướng hành động như thế và như vậy cũng là phạm luật.

Tiếp theo, cách mà ông Johnson có thể dùng, đó là từ chức và khi đó nước Anh sẽ phải có một lãnh đạo khác đến Brussels đề nghị EU gia hạn Brexit, trong khi chờ đợi tuyển cử sớm. Người đó, nhiều khả năng là thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn và khi đó ông Johnson sẽ tung ra chiến dịch vận động tranh cử quy mọi thất bại và hậu quả Brexit lên phe Công đảng. Tuy nhiên, điều đó coi như đảng Bảo thủ tự tay dâng quyền lực cho Công đảng.

Cuối cùng, đó là chính phủ của ông Boris Johnson có thể ngầm vận động một nước thành viên EU bỏ phiếu chống lại đề nghị gia hạn Brexit từ phía Anh. Do EU hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận nên chỉ cần 1 trong 27 nước thành viên phản đối thì việc gia hạn Brexit sẽ không được thông qua. Hiện tại mới chỉ có Pháp lên tiếng phản đối.

Các nhà lãnh đạo EU vẫn nói họ chưa nhận được đề xuất cụ thể nào từ Chính phủ Anh để chuẩn bị cho các cuộc thương thảo tại thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 17-18 tháng 10. Tuy nhiên, khả năng EU từ chối gia hạn Brexit là không cao vì EU vẫn không muốn Brexit không thỏa thuận và nếu việc gia hạn liên quan đến một động thái mới có thể tạo ra thay đổi tại Anh, như việc tiến hành tuyển cử sớm, thì gần như chắc chắn EU sẽ chấp nhận yêu cầu gia hạn.

Với chủ trương không hoãn Brexit, sẵn sàng để Brexit cứng xảy ra, ông Johnson đã đẩy cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 3 năm này lên một cấp độ mới. 3 năm sau ngày trưng cầu dân ý, Brexit vẫn còn là một “mớ bòng bong”. Các lựa chọn đặt ra cho nước Anh vào ngày 31-10 bao gồm Brexit có thỏa thuận, Brexit không thỏa thuận, hoãn Brexit và cả từ bỏ Brexit.

Trong bối cảnh này, ngày 11-9, dưới áp lực của các nghị sĩ, chính phủ của Thủ tướng Johnson đã bị buộc phải tiết lộ “Chiến dịch Yellowhammer”. Đây là chiến dịch được áp dụng trong trường hợp nước Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận. Báo cáo cho thấy tình trạng sẵn sàng của dân chúng và khu vực thương mại ở Anh là “thấp”, trong đó mối đe dọa tắc nghẽn các cảng có thể gây ra sự thiếu hụt hàng hóa đáng kể.

Sự tắc nghẽn tại cảng Dover sẽ dẫn tới tình trạng thiếu thuốc men và thực phẩm, gây căng thẳng cho cộng đồng, nguy cơ dịch bệnh... Kết luận của báo cáo mật trong “Chiến dịch Yellowhammer” - đánh giá hậu quả tàn khốc nhất của Brexit mà không có thỏa thuận, khiến người nghe lạnh sống lưng. Phủ Thủ tướng Anh đã buộc phải công khai tài liệu này sau cuộc bỏ phiếu của các đại biểu Quốc hội Anh vào tuần trước.

Theo tờ Financial Times, một số thành viên trong đoàn tùy tùng của ông Johnson trước đây đã cố gắng kiềm chế việc công bố báo cáo trên vì sợ rằng nó sẽ tạo ra cảm giác lo lắng hoặc hoảng loạn trong dân chúng Anh. Theo báo cáo, lập ngày 2-8-2019, có tới 85% xe tải hạng nặng của Anh có thể không vượt qua được sự kiểm soát của hải quan Pháp, trong trường hợp Brexit không có thỏa thuận, dẫn đến giảm “từ 40 đến 60% lượng xe tải lưu hành so với mức hiện tại”.

Những sự gián đoạn này có thể kéo dài 3 tháng, “có tác động đến việc cung cấp thuốc và thiết bị y tế”, cũng như các thực phẩm tươi sống. Trong ngắn hạn, tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm có thể dẫn đến những phản ứng bất bình nghiêm trọng trong nước, thậm chí bạo loạn, xô xát cũng có thể nổ ra ở các khu vực đánh cá giữa ngư dân Anh và nước ngoài. Bản báo cáo đã báo động về khả năng rối loạn công cộng và căng thẳng gia tăng giữa các cộng đồng dân cư.

Vài giờ trước khi thông tin chi tiết về “Chiến dịch Yellowhammer” được tiết lộ, Ireland cho biết họ đang chuẩn bị rất nghiêm túc một ngân sách cho năm 2020 dựa trên giả định về một Brexit không có thỏa thuận. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Ireland nói họ xem kịch bản Brexit không có thỏa thuận là nhiều khả năng xảy ra nhất. Ireland là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất một khi Brexit không thỏa thuận diễn ra.

Nghiêm trọng hơn, Brexit không thỏa thuận có thể phá vỡ thỏa thuận hòa bình trên đảo Ireland, làm sống lại các căng thẳng chính trị trên hòn đảo này, giữa Ireland và Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và tạo môi trường hoạt động trở lại cho các nhóm chính trị bán vũ trang vốn chủ trương dùng bạo lực để hợp nhất hai miền Ireland.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.