Nước Đức trong vai trò Chủ tịch luân phiên EU

Thứ Hai, 31/08/2020, 11:15
Ngày 1-7-2020, nước Đức bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng, châu Âu đang trong “thời kỳ của nước Đức”. Trước tác động của đại dịch COVID-19, Đức đã hô vang khẩu hiệu “Cùng đoàn kết đưa châu Âu hùng mạnh trở lại”, với nỗ lực dẫn dắt EU thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19, phục hồi nền kinh tế và tăng cường hơn nữa sự gắn kết của châu Âu.

Đã qua gần một phần ba nhiệm kỳ, nhiều người cho rằng sự đánh giá đã bắt đầu có thể đi vào thực chất.

Đức tiếp nhận vai trò này vào thời điểm tiến trình hội nhập châu Âu đối mặt với nhiều khó khăn. EU không những đối diện với cuộc khủng hoảng y tế, mà còn phải đối phó với tác động kinh tế và xã hội do ảnh hưởng của đại dịch đem lại. Đây được cho là thách thức lớn nhất trong lịch sử EU. Là một trong những nền kinh tế lớn nhất EU, việc Đức đảm nhận “ghế nóng” trong thời kỳ khủng hoảng này nhận được nhiều kỳ vọng của các nước trong khối nhưng những băn khoăn thì vẫn còn rất nhiều.

Có thể nói, đại dịch COVID-19 đang không chỉ thử thách hệ thống y tế mà còn là phép thử đối với khả năng chống chịu của nền kinh tế, cơ cấu quản lý của các nước châu Âu và tinh thần hợp tác giữa các quốc gia thành viên. Đại dịch còn thử thách tính bền bỉ của tiến trình hội nhập liên minh. Khi đại dịch mới bùng phát, các nước thành viên đều mạnh ai nấy làm khiến sự đoàn kết của châu Âu bị hoài nghi. Tình hình dần được cải thiện, song vẫn còn nhiều bất đồng về việc thực hiện nguyên tắc đoàn kết như thế nào?

Có thể nói, đại dịch một lần nữa làm tăng sự rạn nứt tổng hợp từ nhiều cuộc khủng hoảng của EU để lại trong 10 năm qua. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jacques Delors đã đưa ra cảnh báo về sự thiếu đoàn kết của châu Âu trong thời kỳ dịch bệnh, cho rằng đây là một mối họa mang tính sống còn đối với châu Âu. Sự thiếu đoàn kết giữa các nước thành viên không chỉ ảnh hưởng đến khả năng cùng hành động, mà còn ảnh hưởng đến sự ủng hộ của người dân châu Âu đối với EU.

Trục Pháp - Đức đang là “xương sống” của EU trên con đường vượt qua khủng hoảng.

Trong bối cảnh đó thì vai trò của nước Đức trong tiến trình hội nhập châu Âu luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi bởi những gì đã xảy ra trong quá khứ, từ cuộc khủng hoảng nợ công đến cuộc khủng hoảng người di cư... Làm thế nào để chứng tỏ khả năng lãnh đạo, là “nước Đức của châu Âu” thay vì gây ra nỗi lo ngại “châu Âu của nước Đức” luôn là một vấn đề mà nước Đức phải đối mặt.

Và đại dịch COVID-19 đã trở thành một bước ngoặt trong chính sách của Đức đối với châu Âu. Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước tới nay và việc EU đối phó như thế nào sẽ quyết định hướng đi và vị thế của liên minh này trên thế giới trong tương lai. Trong cuộc khủng hoảng nợ công, người dân Đức cho rằng kế hoạch cứu trợ là thay các nước Nam Âu chi trả phúc lợi cao. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống, nước Đức cũng không thể thoát khỏi tác động của nó, khiến họ buộc phải nhận thức một cách sâu sắc về mối quan hệ “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu” hiện nay.

Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, các nước thành viên mong đợi Đức đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn và phát huy hết vai trò lãnh đạo của mình, khiến vấn đề “châu Âu của nước Đức” không còn là mối quan tâm hàng đầu. Báo cáo điều tra của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu cho thấy hiện nay, các quốc gia thành viên khác trong EU đã có cái nhìn tích cực hơn về Đức, với 97% số người được hỏi công nhận Đức là một lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong EU và cũng là nước có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực.

Dường như đa số những người được hỏi đều cho rằng các nước thành viên khác của EU đều có lợi ích chung với Đức và tìm kiếm hợp tác với Đức trên mọi lĩnh vực chính sách, đồng thời cũng cho rằng Đức là quốc gia có thể đáp ứng những mong muốn của họ.

Đức và Pháp đã cùng đề xuất quỹ phục hồi kinh tế trị giá 500 tỷ euro, trong đó bao gồm khoản phân bổ và khoản trợ cấp khổng lồ nhằm hỗ trợ cho những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch để khôi phục kinh tế. Từ chối phát hành trái phiếu chung và thanh toán chuyển nhượng tài chính ngoài ngân sách luôn là “giới hạn đỏ” trong chính sách tài chính của Đức. Vì thế, đề xuất chung này không chỉ là bằng chứng cho sự trở lại của trung Pháp - Đức mà còn là bước chuyển biến chưa từng có về lập trường của Đức trong vấn đề hội nhập tài chính của EU, thiết lập lại hoàn toàn cán cân quyền lực Bắc - Nam trong vấn đề tài chính của châu Âu. Sự chuyển biến về lập trường của Đức không chỉ nhận được sự tín nhiệm ở châu Âu mà còn đặt nền tảng cho nước này thể hiện khả năng lãnh đạo.

Tuy nhiên, điều không thể xem nhẹ là những thách thức sắp tới vẫn nghiêm trọng. Đó là thực hiện việc phân bổ nguồn trợ cấp một cách hiệu quả; tránh để cho cuộc đàm phán giữa Anh và EU rơi vào kết cục không có thỏa thuận; thúc đẩy kế hoạch phục hồi kết hợp với các mục tiêu chuyển đổi mô hình xanh và kỹ thuật số của châu Âu. Điều quan trọng hơn là trong bối cảnh các tranh chấp về địa chính trị tăng lên, liệu Đức có thể phối hợp lập trường của các nước thành viên và thực sự thực hiện quyền tự chủ chiến lược của châu Âu, thay vì lại bị gạt ra rìa?

EU là ngôi nhà chung của 27 quốc gia thành viên, vai trò lãnh đạo của Đức cũng cần có sự hợp tác với các đối tác, nếu chỉ làm nổi bật vai trò lãnh đạo của nước Chủ tịch luân phiên EU thì không phải là hành động bền vững cho sự phát triển lâu dài của EU. Trong tiến trình xây dựng châu Âu trong tương lai, Đức phải tận dụng vai trò của trục Pháp - Đức để cân bằng lợi ích của các nước thành viên, đồng thời tăng cường kết hợp và phối hợp với các cơ quan của EU thì mới có thể lãnh đạo hiệu quả toàn khối vượt qua cơn khủng hoảng này.

Vũ Dũng (Tổng hợp)
.
.