Nước Đức trước làn sóng đầu trọc mới

Thứ Ba, 21/12/2004, 10:47

Kể từ sau ngày nước Đức thống nhất, ở những vùng Đông Đức xưa không ngừng xảy ra các cuộc biểu tình, đánh đập người nước ngoài, làm ô uế nhà thờ, nghĩa trang người Do Thái. Những kẻ thực hiện hành vi này không để đầu trọc, mặc áo phông đen, dùng chữ kiểu gotic nhưng họ lại là thành viên tích cực của phe cực hữu.

Adrian, 16 tuổi, sinh tại Bad Schandrau, trung tâm của bang Saxony, đông nam Berlin trong một gia đình có bố là người Mozambique. Adrian thường bị dân địa phương gọi là “dân mọi” hay “đồ con khỉ”. Mỗi khi nghe về một người ngoại quốc sống tại đây bị đánh gãy răng, gãy xương sườn hoặc bị gí điếu thuốc lá đang cháy đỏ vào da, cậu bé lại tự hỏi liệu mình có phải là người kế tiếp không.

Trong các cuộc bầu cử gần đây, 9,2% đại cử tri ở Saxony (đại diện cho 4,5 triệu dân) đã bầu cho đảng Dân chủ nhân dân (NPD), tăng 8% so với cách đây 5 năm. Tuổi trung bình của cử tri là 25. Thành công của NPD tại Saxony có nghĩa là đảng này đã giành được một số ghế trong Hội đồng quốc gia Đức lần đầu tiên kể từ năm 1968. Chính phủ Đức miêu tả NPD là "phiên bản" đảng Nazi của Hitler và đã cố gắng cấm đoán đảng này, song bị tòa án lập hiến nước này phản đối.

Hơn chục năm sau khi nước Đức thống nhất, mọi thứ ở thành phố Leipzig đều thay đổi: những con đường tồi tàn, những bức tường phủ kín sơn đen, những tòa chung cư lụp xụp... chỉ còn trong kỷ niệm. Trên con đường cao tốc nối Berlin với Leipzig, những chiếc xe Limousine lao đi vùn vụt với tốc độ 200km/giờ giống như mọi nơi khác trên nước Đức. Ở cửa ngõ thành phố là những trung tâm thương mại mới mọc lên, các biển quảng cáo giăng nhan nhản dẫu vẫn còn đây đó vài chung cư cũ, những khoảng đất trống cùng nhiều xác nhà máy bị bỏ hoang. Nhưng nhìn chung, quang cảnh tại vùng đất này đã thay đổi.

Tuy nhiên, tại sao người dân Saxony lại bỏ phiếu cho đảng NPD? Cho dù người được hỏi là ai thì vẫn có cùng một câu trả lời: do thất nghiệp. Đối với Micheal, một bồi bàn ở Leipzig, thì mọi người ở đây đều có cảm giác bị bỏ rơi. Còn theo người thu ngân một rạp chiếu phim: “Thanh niên ở đây không có tương lai”. Ngay cả khi Saxony đã nhận được 1.250 tỉ USD từ Chính phủ Liên bang Đức từ sau ngày thống nhất nhưng tỉ lệ thất nghiệp tại đây luôn ở mức 18%, cao gấp đôi so với ở Tây Đức. Nếu trước khi bức tường Berlin sụp đổ, lao động tại Đông Đức là khoảng 10 triệu người thì đến nay chỉ còn 6 triệu.

Hiện nay, chênh lệch mức sống giữa Đông và Tây Đức chưa bao giờ được san bằng, các thành phố ở Đông Đức mỗi ngày một trống rỗng. Tại Hall, 50.000 người đã bỏ quê để sang các thành phố ở phía Tây sinh sống, 20% những căn nhà tại đây không có người ở. Tổng cộng có 3 triệu người Đông Đức di dân sang Tây Đức trong khi chỉ có 1,7 triệu là đi theo chiều ngược lại. Mức độ di dân từ Đông sang Tây năm 1997 là 10.000 người, năm 2000, con số đã vượt quá 60.000 người.

Tư tưởng bài ngoại xuất hiện nhiều nơi tại vùng đất Đông Đức xưa. Phe cực hữu cùng nhiều người ủng hộ biểu tình ngay sau ngày nước Đức thống nhất. Năm 1990, một người Angola đã bị bọn đầu trọc ở đây đánh cho tới chết. Năm 1991, một đám cháy đã thiêu rụi một căn hộ của người lao động nước ngoài ở Rostock gần bờ biển Baltic, làm 5 người thiệt mạng. Năm 1998, một người Anh bị bọn đầu trọc sát hại tại Merdebourg. Năm 2000, một thanh niên người Anh khác cũng bị bọn này cán xe cho tới chết... Danh sách các nạn nhân bị bọn đầu trọc giết hại ở Đức còn rất dài, đó là chưa kể đến những người nước ngoài bị nhục mạ về cả tinh thần lẫn thể chất. Những vụ làm ô uế nhà thờ, nghĩa trang người Do Thái tại đây diễn ra liên tục.

Những người gây ra các sự việc trên không hẳn là những kẻ đầu trọc mặc áo phông đen dùng chữ kiểu gotic. Ngay cả người dẫn đầu danh sách của NPD tại Saxony, Holer Apfel, 33 tuổi, cũng không có những biểu hiện hình thể trên. Với kiểu đầu của một nhân viên mẫu mực và cặp kính trắng, nhỏ, Holger Apfel không làm cho ai phải sợ về dáng vẻ bề ngoài. Những người ủng hộ Apfel cũng vậy, họ ăn mặc hết sức bình thường và lặng lẽ bước vào các buổi mít tinh để tố cáo hàng triệu người nước ngoài đang giành bát cơm manh áo của con cái họ trên chính mảnh đất quê hương họ. Nhưng thật trớ trêu rằng cũng giống như các vùng khác ở Đông Đức, tại Saxony chỉ có 2,4% người nước ngoài nhập cư.

Đáng sợ hơn cả là sau cuộc bầu cử bang vừa qua, hội đồng bang Saxony có tổng cộng 12 thành viên của một đảng phái có biểu hiện theo chủ nghĩa phát xít. Trong khi đó hiện giờ người dân Đức không còn lưu tâm tới một sự tái xuất hiện như vậy của chủ nghĩa phát xít.

Mùa hè năm 2000, Cơ quan Cảnh sát mật vụ nội địa Đức phát hiện, Đông Đức trước đây là nơi cư trú của 50.000 người có “tiềm năng” bạo loạn mà đa phần trong đó là bọn đầu trọc. Bạo lực ở Đông Đức thời kỳ này cao gấp 3 lần ở Tây Đức. Sau đó, chính quyền trung ương Đức đã phải huy động lực lượng để chống lại làn sóng ủng hộ phe cực hữu tại đây. Nhiều chương trình nhằm "hỗ trợ" sự tái hòa nhập các thành phần theo tư tưởng phát xít kiểu mới với cộng đồng đã được tiến hành. Thoạt đầu, các chương trình cũng thu được một số kết quả khả quan nhưng rồi lại bị buông xuôi để dẫn đến tình trạng như hiện nay.

Trong bối cảnh thế giới đang xảy ra nhiều vấn đề bất ổn về an ninh, thì sự ngoi đầu dậy của bọn đầu trọc biểu hiện của chủ nghĩa phát xít mới là điều rất đáng lo ngại. Chính phủ Đức đã mở rất nhiều chiến dịch tấn công vào bọn này, nhưng rõ ràng là chưa đủ mạnh để chúng tan rã

Quốc Hùng (Theo Historia)
.
.