Nước Mỹ và học thuyết Carter

Thứ Hai, 02/12/2019, 14:57
Hệ thống răn đe của Mỹ ở Trung Đông sau nhiều biến động vừa qua sẽ ra sao? Chắc chắn rằng, ông Trump không còn thiết tha gì với một cuộc chiến kéo dài. Cái chết của thủ lĩnh IS Baghdadi có thể làm giảm nhẹ nhưng không thể đảo ngược được quan điểm cho rằng hệ thống răn đe của Mỹ ở Trung Đông đang sụp đổ.

Tháng 1-1980, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã chính thức hóa cam kết của Washington đối với Vùng Vịnh bằng học thuyết Carter - một tuyên bố rõ ràng rằng an ninh của khu vực là lợi ích sống còn của Mỹ và những mối đe dọa đối với khu vực từ phía các cường quốc bên ngoài sẽ bị đẩy lùi bằng mọi cách, bao gồm cả việc sử dụng sức mạnh quân sự.

Tuy nhiên, những động thái thể hiện sự “bối rối” gần đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump tại Syria và trong ứng xử với Iran cho thấy hệ thống răn đe của Mỹ tại Trung Đông đang giảm giá trị.

Bối rối tại Syria

Cuộc đột kích dẫn tới kết quả thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt gần đây dù đáng hoan nghênh nhưng không thể xóa bỏ những thiệt hại gây ra bởi chính sách của Mỹ ở Trung Đông trong vài tháng qua. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và những người ủng hộ có giải thích ra sao để biện minh cho quyết định bốc đồng của ông là rút các lực lượng Mỹ khỏi miền Đông Bắc Syria vào đầu tháng 10 thì những hình ảnh gây xôn xao sau đó cũng nói lên một câu chuyện hoàn toàn khác: Lính Mỹ rút quân trong cảnh hỗn loạn; các đồng minh thời chiến bị bỏ rơi; những thành quả xương máu trên chiến trường phải “dâng” cho một vài trong số những đối thủ của nước Mỹ.

Mỹ đang thấy mình mắc kẹt giữa hai làn nước mà Mỹ coi là đồng minh nhưng lại là kẻ thù truyền kiếp của nhau: Một bên là Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác hiệp ước quan trọng về chiến lược nhưng ngày càng gây ra nhiều rắc rối và bên kia là lực lượng dân quân người Kurd mang tên Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).

Lính Mỹ ở Trung Đông.

YPG đã chiến đấu anh dũng với vai trò mũi nhọn trong chiến dịch đánh bại IS của Mỹ nhưng lại bắt nguồn từ một nhóm mang tên Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn đã và đang chiến đấu trong cuộc nổi dậy ly khai kéo dài nhiều thập kỷ chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù rất lớn tiếng trước truyền thông nhưng chắc chắn những gì đang diễn ra ở Syria khiến ông Trump phải đau đầu.

Vào tháng 12-2018, ông Trump đã lên truyền hình tuyên bố với toàn thế giới rằng các binh sỹ Mỹ đang thu dọn đồ đạc và trở về nhà sau khi thực hiện một chiến dịch quân sự kéo dài 4 năm chống lại tổ chức khủng bố IS. Chỉ chưa đầy một giờ sau, đồng loạt các thành phần của Đồi Capitol, các cựu quan chức an ninh quốc gia, các nhà phân tích của các hãng cố vấn và hội đồng biên tập báo Washington Post đã có mặt tại các cổng của Nhà Trắng trong tình trạng đầy kích động.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và phái viên phụ trách chính sứ mệnh chống IS của chính quyền là Brett McGurk, đã từ chức để phản đối. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, người luôn thích được xuất hiện trên truyền hình, đã lên các sóng phát thanh để tung ra một loạt chỉ trích, nhằm kích động ông Trump phải thay đổi quyết định. Và, chiến dịch gây áp lực đó có vẻ như đã thành công.

3 tuần qua, người Mỹ đã một lần nữa trải qua cảm giác này trong một tình huống cực đoan. Một lần nữa, ông Trump tuyên bố quân đội Mỹ sẽ rút về. Và một lần nữa, những “con sói lại nhe nanh”. Thượng nghị sĩ Graham và tướng Jack Keane tức tốc tới Nhà Trắng với những tấm bán đồ trong tay để lập luận rằng để những mỏ dầu của Syria rơi vào tay Iran và Nga giống như trao những chiếc chìa khóa của khu vực cho các đối thủ của Mỹ. Những tràng chỉ trích kiên định trên truyền hình, những trang xã luận và truyền thông xã hội là quá mạnh để ông Trump có thể kháng cự.

Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút quân khỏi Syria.

Lớn tiếng với Iran

Ngoài ra, phản ứng của Mỹ trước một loạt hành động khiêu khích ngày càng nguy hiểm từ phía Iran có những nét tương đồng rõ rệt với thái độ do dự được thể hiện ở Syria. Từ tháng 5 đến tháng 9-2019, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Iran chịu trách nhiệm gây ra hơn 40 vụ tấn công, bao gồm cả những hành vi đe dọa quyền tự do hàng hải, những vụ khủng bố và việc bắt giữ các công dân nước ngoài làm con tin.

Những vụ việc được biết đến nhiều nhất của Iran bao gồm các cuộc tấn công tàu chở dầu quốc tế ở vịnh Persia và vịnh Oman, cũng như việc bắt giữ một vài tàu chở dầu khác, trong đó có một tàu thuộc sở hữu của Anh cùng thủy thủ đoàn; các vụ tấn công bằng máy bay không người lái từ miền Nam Iraq nhằm vào một đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia; nhiều vụ tấn công bằng rocket của các lực lượng dân quân ủng hộ Iran nhằm vào các cơ sở của Mỹ ở Iraq; vụ quân đội Iran bắn hạ máy bay giám sát không người lái tiên tiến Global Hawk; gần đây nhất là các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào Saudi Arabia, làm tê liệt tạm thời cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới Abqaiq cũng như mỏ dầu Khurais. Đồng thời, từ tháng 6, Tehran đã đều đặn từng bước thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình vượt quá giới hạn mà thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đặt ra.

Việc Iran gần đây đã tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ với thái độ táo bạo mới cho thấy rõ rằng hệ thống răn đe của Mỹ đang suy yếu nghiêm trọng.

 Phản ứng của ông Trump trước những sự cố nghiêm trọng nhất giờ đây đã đi theo một mô hình có thể dự đoán, đó là đưa ra những lời đe dọa phóng đại như “chấm dứt” hay “xóa sổ” Iran, áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế, triển khai thêm binh lính cùng vũ khí tới Vùng Vịnh và ít nhất 2 lần đã phát động các cuộc tấn công mạng ở mức hạn chế nhằm vào Iran. Thế nhưng, có thể thấy rõ sách lược của chính quyền ông Trump nhằm răn đe Iran đã không mang lại hiệu quả như trước nữa.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.