Nước Úc điêu đứng vì “bà Hỏa”

Thứ Tư, 08/01/2020, 17:15
Cuối tuần qua là những ngày tồi tệ nhất tính đến thời điểm này của cuộc khủng hoảng cháy rừng bắt đầu ở Úc từ tháng 9 năm ngoái. Nhiệt độ cao kỷ lục cùng với thời tiết khô hạn nghiêm trọng kéo dài do biến đổi khí hậu đã gây ra những biển lửa, khiến quang cảnh nhiều nơi ở Úc trông không khác gì “ngày tận thế”.

Trên cả nước Úc đã có khoảng 6 triệu ha rừng bị cháy. Con số này gấp 7 lần diện tích rừng Amazon bị cháy trong năm 2019 và gấp 3 lần diện tích của các vụ cháy rừng năm 2018 ở California, Mỹ. Những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, cháy rừng ở Úc thật sự là một thảm họa.

Tình trạng này vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn khi nhiệt độ tại nước này đã phá vỡ các kỷ lục và dự báo còn tiếp tục tăng. Các đám cháy hiện đã thiêu rụi hơn 56.000 km vuông, khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Tính đến nay, những vụ cháy đã khiến hơn 20 người thiệt mạng và hơn 1.500 ngôi nhà bị phá hủy. Đầu năm 2020, có thêm 28 người nữa được xác nhận đang mất tích khi đám cháy lan đến các trung tâm du lịch sầm uất ở phía Đông bang Victoria vào thời điểm năm mới.

Nhiều khu vực tại bang New South Wales và bang Victoria đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời sơ tán người dân khỏi những nơi bị ảnh hưởng. Nhiều thành phố trên khắp nước Úc như Melbourne, Sydney, thậm chí cả Auckland của New Zealand cũng bị bao trùm bởi những đám khói đỏ cam dày đặc.

Ngoài những thiệt hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người, các vụ cháy còn gây ra thảm họa tàn khốc đến các loài động vật, thực vật. Theo ước tính của các nhà sinh thái học tại Đại học Sydney, khoảng 480 triệu động vật có vú như gấu koala, chuột túi, wallabies (động vật có túi giống Kangaroo nhưng nhỏ hơn), chồn possum, gấu wombat, thú lông nhím v.v..., cùng các loài chim và bò sát đã bị thiêu cháy trong các vụ cháy rừng trên khắp nước Úc từ hồi tháng 9.

Trong số này, khoảng 8.000 con gấu koala (1/3 số lượng gấu koala sống ở bang New South Wales) - con vật biểu tượng của nước Úc - bị chết trong hỏa hoạn, 1/3 diện tích sinh sống của chúng bị phá hủy. Ông Mark Graham, nhà sinh thái học thuộc Hội đồng Bảo tồn thiên nhiên cho biết gấu koala không có khả năng di chuyển nhanh đủ để thoát khỏi những đám cháy lan nhanh trên ngọn cây. Loài gấu này chỉ ăn lá từ cây bạch đàn vốn chứa đầy dầu, cũng là nguyên nhân khiến chúng rất dễ chết cháy.

Trước đó, nhiều nhân viên cứu hộ trên khắp đất nước đã chia sẻ video và hình ảnh về những con vật trong tình trạng bị bỏng và mất nước được người dân địa phương chăm sóc và cho ăn. Theo truyền thông ở Úc, số lượng động vật bị chết cháy có thể tăng lên trong thời gian tới, bởi dẫu thoát khỏi đám cháy nhưng chúng có thể bị đói, khát hoặc chết vì sốc nhiệt trong khi bị mất đi môi trường sống.

Hiện tại, các cơ sở y tế địa phương đang tiếp nhận và chữa trị cho những con vật may mắn sống sót nhưng bị bỏng nặng. Nhiều gia đình ở Úc đã biến nhà, phòng khách, phòng ngủ của họ thành nơi cứu hộ các loài vật. Điều khiến giới chuyên gia lo ngại là cháy rừng có thể làm sụt giảm tới mức khó hồi phục số lượng của những loài động vật chỉ có ở Úc và đang có nguy cơ tuyệt chủng, chẳng hạn loài gấu túi.

Cảnh dập cháy rừng ở Úc.

Trước tình hình cháy rừng dữ dội tại Úc, nhiều sao Hollywood như Nicole Kidman, Pink, Hugh Jackman... người quyên góp tiền, người kêu gọi cộng đồng chung tay khắc phục tình hình. “Thiên nga nước Úc” Nicole Kidman không khỏi đau lòng trước thảm kịch mà quê hương cô đang oằn mình gánh chịu. Minh tinh này cùng ông xã Keith Urban sau đó cũng quyên góp 500.000 USD nhằm hỗ trợ đất nước vượt qua cơn thảm họa.

Tài tử Hugh Jackman - một người con khác của nước Úc cũng đăng tải những liên kết với các tổ chức nhận quyên góp cho vụ cháy rừng. Trên trang cá nhân, nữ ca sĩ Pink đã đăng tải danh sách các tổ chức mà mọi người có thể ủng hộ tiền của, đồng thời kêu gọi mọi người góp sức để cứu lấy hệ sinh thái đang bị tàn phá nặng nề ở đất nước nằm tận châu Đại Dương.

Là một ngôi sao tích cực với các hoạt động bảo vệ môi trường, Leonardo DiCaprio cũng nhanh chóng hành động để hỗ trợ nước Úc vượt qua thảm cảnh. Trên trang cá nhân, tài tử này đăng ảnh một chú kangaroo đang lạc lõng giữa biển lửa đồng thời cập nhật tình hình nguy cấp tại Úc bằng những số liệu đáng báo động và kêu gọi mọi người cùng anh hỗ trợ người dân nước này.

Nam diễn viên Jonathan Van Ness cho biết trái tim anh cảm thấy đau đớn khi chứng kiến những hậu quả nặng nề mà các trận cháy rừng đem lại và không quên kêu gọi cộng đồng cùng mình quyên góp ủng hộ nước Úc khắc phục thảm họa lịch sử. Tài tử Nick Kroll nhanh chóng hợp tác với nam diễn viên và nhà làm phim người Úc Joel Edgerton để quyên tiền cho Sở Cứu hỏa nông thôn New South Wales nhằm chiến đấu với đám cháy khủng khiếp đang tàn phá xứ sở chuột túi.

Theo sáng kiến của Nick Kyrgios and Chris Lynn, các ngôi sao hai bộ môn thể thao tennis và cricket ở Úc sẽ đóng góp cho quỹ cứu giúp người bị hỏa hoạn một khoản tiền mặt mỗi khi ghi được một bàn. Hội Tennis Úc cũng thông báo tổ chức trận đấu với nhiều tên tuổi ở sân Rod Laver Arena, Melbourne, ngày 15-1, trước giải Úc Mở rộng, có sự tham gia của những tay vợt hàng đầu thế giới, để gây quỹ hỗ trợ. Ngoài ra, còn có 1 triệu đô la Úc để giúp sửa chữa những sân quần vợt bị hỏa hoạn làm hỏng.

Theo CNN, nước Úc mới chỉ bước vào mùa hè, phạm vi của sự hủy diệt có thể sẽ tiếp tục tăng cao khi nhiệt độ vẫn ở mức cao, thời tiết tiếp tục khô hanh và gió to; trong khi Chính phủ Úc dường như đang mất kiểm soát với ngọn lửa.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Úc Scott Morrison cảnh báo cuộc khủng hoảng cháy rừng có thể kéo dài thêm nhiều tháng nữa. Cùng với đó, ông Morrison tuyên bố thành lập một cơ quan phục hồi sau thảm họa nhằm giúp những người bị mất nhà cửa và cơ sở làm ăn trong trận cháy, với ngân sách khoảng 2 tỷ đôla Úc được cấp trong vòng 2 năm.

Trước đó, ông Morrison bị chỉ trích mạnh về cách phản ứng với thảm họa cháy rừng, bao gồm việc ông có kỳ nghỉ ở Hawaii trong lúc Úc đang vật lộn với trận cháy.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.