Ông Emmanuel Macron và tham vọng cải cách châu Âu

Thứ Tư, 21/11/2018, 16:34
Thời gian gần đây, quan hệ song phương Mỹ - Pháp đang có dấu hiệu ngày càng trở nên rạn nứt sau khi Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra ý tưởng về việc thành lập một quân đội riêng của châu Âu.

Ngay lập tức, ý tưởng này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Washington khi Tổng thống Donald Trump coi đề xuất “châu Âu có quân đội riêng” là rất khiếm nhã, đồng thời nhắc nhở việc châu Âu phải đóng góp đúng mức cho ngân sách quốc phòng của NATO mà theo ông là Mỹ đã đóng góp rất nhiều.

Đáp trả, Tổng thống Macron cho rằng châu Âu cần tránh phụ thuộc quá sâu vào Mỹ, Paris và Washington là đồng minh lịch sử nhưng không có nghĩa Paris phải là một chư hầu.

Một châu Âu mạnh mẽ và chủ quyền hơn

Người đứng đầu Điện Elysee vẫn rất tin tưởng vào mối quan hệ tốt đẹp giữa Paris và Washington khi tuyên bố trên truyền hình rằng: “Mỹ là đồng minh lịch sử của chúng tôi và họ sẽ tiếp tục là đồng minh cùng chúng tôi gánh chịu mọi rủi ro khi tiến hành các chiến dịch phức tạp nhất”.

Thế nhưng, ông Macron cũng cho rằng Paris (cùng các quốc gia châu Âu khác) sẽ không bao giờ đặt sự an toàn của người dân vào tay Washington, ám chỉ việc muốn “độc lập” khỏi vòng vây phụ thuộc từ quốc gia bên kia Đại Tây Dương. Tổng thống Macron tin vào chủ quyền và trách nhiệm bảo vệ công dân của châu Âu, nhấn mạnh “quân đội của chúng tôi, chứ không phải của nước khác, sẽ bảo vệ công dân của chúng tôi”.

Trên thực tế, Tổng thống Pháp đã thúc đẩy hình thành một lực lượng quân sự trong Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi lên nắm quyền. Theo ông Macron, châu Âu cần phải độc lập trong cả lĩnh vực an ninh mạng, trong cuộc chiến chống các cuộc tấn công mạng, trong tất cả các thành phần quân sự - trên đất liền, trên biển, trên không và trong không gian vũ trụ.

Là một đồng minh không có nghĩa là một chư hầu, bởi lẽ việc lệ thuộc vào Mỹ đều đem lại những bất lợi, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều biến động về địa chính trị và can thiệp nội bộ, cũng như các mối đe dọa được cho là từ Trung Quốc, Nga hay thậm chí cả Mỹ.

Chưa hết, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng, châu Âu không nên tăng cường ngân sách quốc phòng để mua các loại vũ khí do Mỹ sản xuất. Tổng thống Pháp khẳng định, EU hoàn toàn có thể thành lập đội quân chung với vũ khí do châu Âu sản xuất. Với ông Macron, châu Âu sẽ không thể phát huy được vai trò của mình nếu trở thành “món đồ chơi” của các cường quốc.

Mục đích sau cùng của đội quân châu Âu  được cho là mở ra một giai đoạn mới trong công cuộc xây dựng châu Âu mạnh mẽ hơn và chủ quyền hơn, truyền tải tới thế giới thông điệp “châu Âu đã sẵn sàng, châu Âu có đủ năng lực”.

Giới quan sát nhận định, động thái của Tổng thống Macron ngày càng gay gắt khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Tuyên bố thành lập quân đội riêng của châu Âu chỉ là “giọt nước tràn ly” khiến ông Trump trút giận, bởi từ lâu ông Trump đã khó chịu về việc ngân sách cho quân đội của các thành viên trong NATO không đạt mức ít nhất 2% GDP quốc gia, cho rằng Mỹ phải trợ cấp cho chi tiêu quốc phòng của các nước khác.

Trong bối cảnh này, Tổng thống Donald Trump đã phản pháo khi coi tuyên bố của ông Macron là lời xúc phạm nước Mỹ, cho rằng trước khi châu Âu xây dựng quân đội riêng thì nên nộp khoản đóng góp bình đẳng của họ cho NATO. Những chỉ trích của Tổng thống Trump được cho là sẽ khiến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ với Pháp, vốn đã trở nên lạnh nhạt từ khi vị tỷ phú nhậm chức, sẽ thêm căng thẳng.

Sự đồng lòng của cặp đôi Pháp - Đức, hai đầu tàu của EU, là điều cần thiết để đẩy mạnh đoàn kết nội khối và thúc đẩy cải cách.

Thắt chặt đồng minh

Kế hoạch thành lập một lực lượng quân đội châu Âu của ông Macron đã nhận được sự tán đồng của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Nhà lãnh đạo Đức nhận định, trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với các thách thức như khủng bố hoặc chiến tranh, hợp tác để thành lập một quân đội chung là không thể tránh khỏi. Không chỉ có vậy, EU cần thành lập lực lượng quân đội chung nhằm khôi phục vị thế trên trường quốc tế.

Theo bà Merkel, một lực lượng quân đội riêng sẽ giúp EU đưa ra các chính sách an ninh và đối ngoại chung, trở thành biểu tượng của một lục địa thống nhất, song cũng nhấn mạnh lực lượng này sẽ không thách thức vai trò phòng vệ của NATO.

Đây được coi là một động thái quan trọng để hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ song phương Pháp - Đức. Trước đây, ông Macron luôn hi vọng có thể nhận được sự ủng hộ tích cực hơn của nước Đức đối với những đề xuất “vực dậy châu Âu” nhưng chỉ nhận được thái độ trì hoãn và thận trọng từ bà Merkel.

Tuy nhiên, lập trường của nước Đức dường như có sự thay đổi lớn kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Pháp - Đức ở Meseberg (gần thủ đô Berlin) vừa qua, với một lộ trình cải cách chung được soạn thảo.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 18/11, Tổng thống Emmanuel Macron đã có bài phát biểu tại Quốc hội Liên bang Đức kêu gọi thành lập một liên minh Pháp - Đức mới để giúp châu Âu vượt qua những thách thức trong tương lai. Thừa nhận châu Âu đang phải đối mặt nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu cho đến vấn đề di cư, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định chỉ có quan hệ đối tác của hai nước láng giềng, với tư cách là một phần của châu Âu thống nhất và có chủ quyền hơn, mới có thể giúp thế giới tránh rơi vào hỗn loạn.

Theo giới quan sát, ở thời điểm hiện tại, sự đồng lòng của cặp đôi Pháp - Đức, hai đầu tàu của EU, là điều cần thiết để đẩy mạnh đoàn kết nội khối và thúc đẩy cải cách. Liên minh châu Âu với kinh tế tăng trưởng chậm, thất nghiệp cao, kéo theo nhiều vấn đề xã hội, đang là đối tượng của làn sóng bất mãn ở nhiều nước. Những ý tưởng táo bạo của ông Macron là cơ hội tốt để Pháp và Đức bắt tay sửa chữa các điểm yếu, thậm chí “phá đi làm lại” một số cấu trúc của ngôi nhà chung châu Âu.

Anh Lâm
.
.