Ông Evo Morales, tân Tổng thống Bolivia: Thách thức mới của Washington

Thứ Ba, 27/12/2005, 08:02

Ngày 19/12/2005, ông Evo Morales, người có quan điểm cánh tả chống Mỹ, đã tuyên bố thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống tại Bolivia. Nếu như không có gì quá bất ngờ, ảnh hưởng chính trị cũng như quyền lợi kinh tế của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng tại Bolivia nói riêng và châu Mỹ Latinh nói chung. Khu vực này đã không còn là "sân sau" của Washington nữa...

Cuộc bầu cử này sẽ thay đổi lịch sử  – ông Morales đã tuyên bố như vậy trước đám đông ủng hộ mình trong đợt tranh cử cuối cùng tại thủ đô – Nếu chúng ta không chiến thắng, căn bệnh chủ nghĩa tự do mới và chủ nghĩa thực dân sẽ trở nên trầm trọng hơn. Thời kỳ giá trị đích thực của nhân dân đã tới!”.

Morales được coi là một chính trị gia theo phong cách xã hội dân túy và chống Mỹ. Washington đang rất lo ngại rằng, chiến thắng của Morales lại đưa một quốc gia nữa của Mỹ Latinh đi theo quan điểm cánh tả, sau các quốc gia trong khu vực này như Brazil, Argentina, Venezuela... Cố vấn kỳ cựu Roger Pardo-Mauer của chính quyền Bush đã phải nhận định về xu hướng này: “Che Gueva trước đây đã thành công trong việc châm ngòi cho những cuộc cách mạng của nông dân. Thực trạng này hiện đang quay trở lại”.   

Bolivia là một quốc gia cung cấp khí gas lớn thứ hai tại châu Mỹ, nhưng cũng là một nước nghèo nhất Nam Mỹ. Nhiều người dân Bolivia đang hy vọng rằng, Morales sẽ mang đến cho họ việc làm, sự ổn định và giá trị thực mà họ đang khao khát. “Chúng tôi mặc dù có nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn quá nghèo – Juan Carlos Pairo, một người lái xe buýt, đồng thời là người ủng hộ nhiệt thành cho Morales nói – Morales hiểu được tình trạng bất công và nghèo đói này. Chỉ có ông ấy mới có quyết tâm để thực thi những thay đổi”.       

Ông Morales, người đứng đầu đảng Phong trào xã hội chủ nghĩa (MAS) đã vượt lên trên so với đối thủ gần nhất của mình, cựu Tổng thống Jorge Quiroga thuộc Hiệp hội dân chủ và quyền lực xã hội (PODEMOS). Năm ứng cử viên còn lại đều không có được sự ủng hộ nào đáng kể.

Các nhà phân tích nhận định, tình trạng này rất có thể sẽ dẫn đến một giai đoạn bất ổn mới của Bolivia, một quốc gia đã thay tới 83 vị tổng thống, xảy ra khoảng 200 vụ đảo chính và chống đảo chính kể từ khi giành được độc lập vào năm 1825. Cần nhớ là những cuộc biểu tình ồ ạt của dân chúng đã khiến hai tổng thống gần đây nhất phải từ chức. “Dù kết quả có như thế nào, nó cũng có thể được đón chào bằng những cuộc tuần hành, thậm chí bằng bạo lực” – chuyên gia Markus Schultze-Kraft tại Washington nhận định. Theo ông ta, tình hình sẽ đặc biệt nghiêm trọng, nếu Morales giành thắng lợi ở vòng một, nhưng lại gặp rắc rối ở vòng hai vì những âm mưu của chính phủ đương nhiệm được hậu thuẫn từ các thế lực bên ngoài, tuy nhiên thực tế đã khác, ông Morales đã giành chiến thắng. Ông Morales đã tuyên bố xem xét lại các thỏa thuận thương mại tự do nếu thắng cử, đồng thời với kế hoạch quốc hữu hóa một loạt các doanh nghiệp hàng đầu.

Thực tế này sẽ bắt buộc tất cả các công ty nước ngoài (chủ yếu là Mỹ) hoạt động trong lĩnh vực khí gas tự nhiên sẽ phải đàm phán lại các hợp đồng với những thiệt hại không thể dự tính trước. Nguy cơ về việc đổ bể những hợp đồng dài hạn với các nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối của các công ty như Repsol, British Gas và Total. Ba nhà đầu tư hàng đầu trên còn đe dọa sẽ đưa Bolivia ra tòa nếu có chuyện này.

Ông Morales còn tuyên bố đẩy mạnh việc trồng côca, điều chắc chắn sẽ gây ra căng thẳng thực sự với chính quyền Mỹ. Hiện có khoảng 2/3 trong số tiền viện trợ 150 triệu USD hàng năm của Mỹ dành cho Bolivia là dùng để loại bỏ các diện tích trồng côca (nguyên liệu thô chính để sản xuất côcain), cũng như khuyến khích các loại cây trồng thay thế khác. Nhưng vào thời điểm này, người Mỹ rất khó có thể “ngáng chân” ông Morales, bởi tỉ lệ ủng hộ của người dân đối với ông rất cao.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002, Đại sứ Mỹ Manuel Rocha đã từng lên tiếng công kích ông Morales để rồi chứng kiến tỉ lệ ủng hộ của ông tăng lên gấp 3 lần. “Ông ấy là người điều hành chiến dịch tranh cử của tôi” - ông Morales đã công khai chọc giận nhà ngoại giao Mỹ bằng câu nói đùa như vậy.

Xuất thân từ một gia đình thợ mỏ nghèo có tới 7 người con tại Oruro, ông Morales còn chưa có điều kiện học hết phổ thông. Khi khu mỏ đóng cửa, cha mẹ ông chuyển về Chapare để trở thành nông dân trồng coca. Ông Morales bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1993, khi được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn nông dân trồng coca ở địa phương, trước khi tham gia thành lập MAS và được bầu vào Quốc hội năm 1997.

Năm 2002, ông thất bại sít sao trong cuộc tranh cử tổng thống với Gonzalo Sanchez de Lozada, người về sau đã nhanh chóng phải từ chức vì những cuộc biểu tình rầm rộ của người dân do MAS đứng ra tổ chức. Nếu như giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này, ông Morales sẽ là vị tổng thống đầu tiên xuất thân từ gia đình dân da đỏ bản xứ chính gốc (trong khi hơn nửa trong tổng số 9,4 triệu dân Bolivia là có nguồn gốc thổ dân bản xứ)

Hồng Sơn (Tổng hợp)
.
.