Bầu cử Tổng thống Venezuela:

Ông Maduro được trao sứ mệnh tiếp nối cuộc cách mạng Bolivar

Thứ Ba, 23/04/2013, 18:40

Sau nhiều ngày dư luận ồn ào quanh cuộc vận động của 2 ứng cử viên thay thế Tổng thống quá cố Hugo Chavez, người dân Venezuela đã chọn cho mình một người xứng đáng lên lãnh đạo, lèo lái con thuyền cách mạng tiếp tục hải trình. Đó là cuộc bầu cử mà cả 2 ứng cử viên đều tuyên bố "thắng lợi", và "kẻ thù" của Venezuela bám sát, tận dụng mọi cơ hội để công kích Chính phủ Venezuela.

Kết quả kiểm phiếu đến cuối ngày 14/4 cho thấy, Phó tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, người được cố Tổng thống Hugo Chavez chỉ định kế vị mình, đã giành chiến thắng sát nút với tỉ lệ 51% phiếu, còn "kẻ thách đấu" Henrique Capriles giành được đến 49%, một con số đáng kinh ngạc cho thấy Capriles đã tìm cách rút ngắn khoảng cách rất nhanh so với ông Maduro (thăm dò cử tri trước bầu cử một tuần, Maduro còn dẫn trước Capriles trên 10 điểm).

Mỹ và các thế lực thân Mỹ đã nhanh chóng đưa ra nhận định, kết quả này chính là biểu hiện của "sự bất mãn ngày càng tăng" trong dân chúng Venezuela đối với chính phủ. Còn ứng cử viên Capriles thì lớn tiếng "tố cáo gian lận" nhằm hy vọng tạo biến cố làm thay đổi kết quả bầu cử. Tuy nhiên, ngày 15/4, Chính phủ và đại diện Ủy ban bầu cử quốc gia Venezuela đã khẳng định cuộc bầu cử diễn ra công bằng, không có gian lận trong kiểm phiếu, vì thế không cần thiết phải kiểm đếm lại phiếu như yêu cầu của ông Capriles.

Về việc báo chí đưa tin tức, hình ảnh về một nhóm người ủng hộ Chính phủ tấn công người ủng hộ ông Capriles tại một số điểm bầu cử, Chính phủ Venezuela thẳng thắn tố cáo các cơ quan (tình báo, báo chí, các tổ chức chính trị xã hội) của Mỹ đã cố tình tung hình ảnh như thế nhằm phá rối cuộc bầu cử Venezuela, cố ý lèo lái dư luận theo chiều hướng có lợi cho ứng cử viên Capriles. Như vậy, Maduro sẽ là người thay thế xứng đáng của ông Chavez để tiếp nối cuộc cách mạng Bolivar và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI mà ông Chavez thực hiện dở dang.

Chiến thắng của Maduro là sự khẳng định của người dân Venezuela, nhất là dân nghèo, đi theo cuộc cách mạng Bolivar của cố Tổng thống Chavez. Maduro chỉ cần nhận mình là "Đứa con của Chavez" và tuyên bố sẽ tiếp tục các chương trình an sinh xã hội, các dự án hỗ trợ người nghèo, tiếp tục xây dựng xã hội chủ nghĩa thế kỷ XXI,… là đã có thể thu phục được sự ủng hộ của đông đảo cử tri.

Sau 14 năm lãnh đạo của ông Chavez, Venezuela đã có nhiều thay đổi, từ một đất nước nghèo khổ, xã hội bất ổn, trở thành một trong những quốc gia có thu nhập nghìn tỉ USD, có sản lượng và trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới. Sau 14 năm, hàng triệu người dân Venezuela đã thoát được cảnh nghèo đói và có cuộc sống ấm no từ nguồn lợi dầu mỏ được tái phân bổ công bằng. Nguồn lợi dầu mỏ cũng được sử dụng cho các chương trình an sinh xã hội khác.

Và điều quan trọng là vị thế chính trị, ngoại giao của Venezuela lên rất cao, trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào thiên tả Nam Mỹ, là một trong những trụ cột chính của các tổ chức hợp tác toàn khu vực (như Mercosur, ALBA, UNASUR, Ngân hàng Phương Nam,…).

Không những thế, hình ảnh, tên tuổi ông Chavez đã tràn ngập trong cuộc vận động của ông Maduro khắp Venezuela. Người dân Venezuela vẫn còn chưa nguôi sau cái chết của nhà lãnh đạo mà họ quý mến, tôn sùng, nhiều người đã xem ông Chavez như "cha". Và đó là lợi thế vô cùng lớn của Maduro mà Capriles không thể có được.

Người dân Venezuela giương ảnh cố Tổng thống Hugo Chavez để bày tỏ ủng hộ ông Maduro.

Về phần ứng cử viên Capriles, cũng như ở lần thất bại trước ông Chavez hồi tháng 10/2012, Capriles không đưa ra được kế hoạch nào cho thấy tương lai tươi đẹp hơn cho Venezuela. Luận điệu chủ yếu của Capriles trong suốt chiến dịch tranh cử chớp nhoáng chỉ trong 6 tuần lễ của ông ta chỉ là bôi xấu đối thủ (theo kiểu mà các cố vấn người Mỹ đã chỉ bảo), đồng chỉ đơn giản một điều là "Nhà nước kém năng lực", và điều này không đủ để người dân Venezuela tin tưởng ông ta có thể làm tốt hơn Maduro.

Sau lưng Capriles là sự hậu thuẫn lớn của Mỹ, cả về kỹ thuật và tài chính. Nhưng cái thiếu của Capriles chính là sự ủng hộ của đa số dân nghèo, sự quan tâm phát triển đất nước theo hướng đi thiên tả mà ông Chavez đã vạch ra, đã được cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ đồng tình, hưởng ứng.

Với chiến thắng ngày 14/4, ông Maduro có bước khởi đầu thuận lợi để thực hiện vai trò người kế vị ông Chavez. Tuy nhiên, theo giới quan sát Maduro chiến thắng dưới cái bóng phủ trùm của ông Chavez chưa thể hiện được bản lĩnh chính trị thực sự của ông. Những chương trình an sinh xã hội, những chính sách xã hội chủ nghĩa thế kỷ XXI do Chavez để lại cần một người có bản lĩnh gần giống như Chavez để tiếp tục triển khai và hoàn thiện. 6 năm trong nhiệm kỳ đầu tiên là khoảng thời gian để Maduro chứng minh điều đó

Văn Trương (tổng hợp)
.
.