Ông Putin cảnh báo “lằn ranh đỏ” của Nga

Thứ Ba, 27/04/2021, 08:36
Trong bài phát biểu thường niên trước Hội đồng Liên bang ngày 21-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo các quốc gia về việc họ đang muốn “vượt qua lằn ranh đỏ” với Nga. Theo ông, những nước này có thể muốn kích động một cuộc cách mạng màu ở một số nước láng giềng của Nga.


“Cương quyết, nhanh chóng và cứng rắn”, đó sẽ là phản ứng của Nga chống lại bất kỳ quốc gia nào cố gắng “vượt qua lằn ranh đỏ”, ông Vladimir Putin cảnh báo trong bài phát biểu thường niên trước Quốc hội Liên bang Nga (tức là Hội đồng Liên bang và Duma Quốc gia) ngày 21-4. Trước các đại biểu và các thượng nghị sĩ, người đứng đầu Điện Kremlin tuyên bố: “Tôi hy vọng rằng không ai có thể vượt qua ranh giới đỏ này của Nga”, trước khi nói thêm “chúng ta sẽ vẽ đường ranh giới này tùy theo các trường hợp”.

Tên lửa phóng từ tàu khu trục Nga ở Địa Trung Hải hướng về mục tiêu trên đất Syria.

Cảnh báo của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh nước Nga đang gia tăng căng thẳng với phương Tây về vấn đề Ukraine, các lệnh trừng phạt chống Nga và mối quan hệ bất ổn giữa Moscow và Washington. “Bản thân Nga sẽ vạch ra lằn ranh đỏ trong quan hệ với các nước khác. Tôi phải nói điều đó. Chúng tôi sẽ không thiếu kiên nhẫn, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, sự tự tin và công lý, cũng như ý thức chung khi phải đưa ra quyết định”, Tổng thống Nga nói. Sau đó, ông hứa sẽ đáp trả “nhanh chóng và cứng rắn”. 

Ông nói thêm, ngay cả với các đối thủ của mình, Nga cũng không muốn cắt đứt quan hệ nhưng nếu đó là điều họ muốn thì họ phải sẵn sàng trả giá. “Thật vậy, chúng tôi muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước, kể cả những nước không thực sự muốn cùng chúng tôi làm việc hay nói chuyện một cách nhẹ nhàng. Trên thực tế, chúng tôi không muốn cắt những cây cầu đó. 

Nhưng, nếu ai đó cho rằng ý định tốt của chúng tôi như thế là yếu đuối và quyết tâm cắt đứt quan hệ thì phải biết rằng phản ứng của Nga sẽ là tương xứng, nhanh chóng và cứng rắn”, Tổng thống Nga nói. Ông Vladimir Putin nói thêm rằng những người tổ chức các hành động khiêu khích đe dọa an ninh của Nga “sẽ hối hận chưa từng có”. Ông cũng nhắc lại rằng chính sách của Nga ở cấp độ quốc tế là nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh cho người dân và phát triển đất nước.

Vấn đề chính trị quốc tế theo thường lệ không chiếm nhiều thời lượng trong bài phát biểu thường niên của ông Putin trước Hội đồng Liên bang nhưng năm nay bối cảnh địa chính trị đặc biệt căng thẳng ở biên giới nước Nga đã khiến câu chuyện trở nên khác đi. 

Ngoài cuộc xung đột vào cuối năm 2020 ở Nagorno-Karabakh, ở phía Nam, mọi con mắt đều đang đổ dồn về Ukraine, nơi căng thẳng đang tiếp tục gia tăng, đặc biệt là về phía Belarus. Ngày 17-4, các nhà chức trách Belarus thông báo đã ngăn chặn được âm mưu ám sát Tổng thống Lukashenko do Mỹ hậu thuẫn. Cơ quan An ninh Liên bang Nga cho biết họ đã bắt giữ 2 người Belarus được cho là có liên quan đến âm mưu này.

Theo André Filler, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Slavic và phụ trách về không gian Nga và hậu Xôviết tại Viện Địa chính trị Pháp, đây là một bài phát biểu “phù hợp với học thuyết Primakov”. Đối với ông, thông điệp này từ Tổng thống Nga nên được hiểu theo “3 cấp độ đọc”, bắt đầu bằng “sự khó chịu” của phía Nga với sự phát triển của tình hình ở Minsk. 

Mặc dù việc ông Lukashenko sẽ sớm “biến mất” hoàn toàn không thể chấp nhận được trong mắt Điện Kremlin nhưng “sự ủng hộ của Nga dành cho ông Lukashenko chắc chắn không phải là vô điều kiện”. Giáo sư Filler cho rằng Moscow đặc biệt không muốn chứng kiến sự xuất hiện của một Maidan thứ hai với sự hỗ trợ của phương Tây tại Belarus. 

André Filler nhấn mạnh: “Thành phần chống Nga trong mọi trường hợp cho đến bây giờ, không lên tiếng công khai, ngay cả về phía những nhân vật đối lập cấp tiến nhất”. Theo ông, thông điệp của Tổng thống Vladimir Putin “được gửi cả bên ngoài và cho chính ông Lukashenko”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu thường niên trước Hội đồng Liên bang ngày 21-4.

Nói tóm lại, theo chuyên gia Filler, nếu Nga không muốn “Lukashenko Kadhafi” thì họ cũng không muốn chứng kiến một nhà nước mới xuất hiện gần biên giới của mình một cách công khai đi ngược lại với họ. Một điểm đề cập đến cấp độ thứ hai khi đọc thông điệp này từ Tổng thống Nga, theo Filler: Ý chí của người Nga là không muốn các cường quốc nước ngoài đến làm suy yếu lợi ích của họ trong khu vực lân cận trực tiếp của Nga.

Tổng thống Vladimir Putin cũng đã chỉ trích trong bài phát biểu của ông rằng, “một số quốc gia” đã áp dụng thói quen “không đứng đắn” tấn công “vì một lý do nhỏ nhất” đối với Nga. Chuyên gia André Filler phỏng đoán là sẽ có một cuộc điện đàm giữa các nguyên thủ Nga và Mỹ. Ông cho biết thêm, một cuộc trò chuyện, “được mong đợi” từ cả hai bên và có hy vọng trong mọi trường hợp - hủy bỏ một cuộc đối đầu vũ trang Nga-Ukraine quy mô chưa từng có.

“Tổng thống Putin dự định cho người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Biden, thấy rằng Nga đã sẵn sàng đàm phán. Điều này cũng xuất hiện trong bài phát biểu của ông: chúng tôi sẽ hợp tác với tất cả các đối tác muốn tiếp cận với chúng tôi nhưng đồng thời chúng tôi vạch ra những ranh giới đỏ. Các đường màu đỏ rõ ràng là sự giao thoa giống như những gì có thể đã được quan sát thấy trong thời Maidan và điều mà đối với Nga là hoàn toàn không thể chấp nhận được”, ông André Filler phân tích.

Ý nghĩa cuối cùng, theo chuyên gia Filler: Nga mong muốn duy trì các chương trình hợp tác của mình với người châu Âu. Trong trường hợp này là đường ống dẫn khí Nord Stream 2 nối lãnh thổ Nga với Đức qua Biển Baltic, vaccine Sputnik V, cũng như sự trở lại mà Nga mong muốn đối với các tổ chức quốc tế khác nhau. Vì những lý do này, theo chuyên gia Filler, Nga sẽ không quan tâm đến việc tham gia vào một cuộc đối đầu vũ trang với Ukraine.

Trong một phần khác của bài phát biểu, ông Vladimir Putin than thở về sự tái diễn của việc thiết lập các lệnh trừng phạt kinh tế bất hợp pháp: “Thật không may, có vẻ như mọi người đã quen với các lệnh trừng phạt kinh tế bất hợp pháp có động cơ chính trị và những nỗ lực tàn bạo của một số người khi áp đặt ý chí của họ lên những người khác”. Ông cũng đề cập đến vai trò của Nga trong việc ổn định Syria, Libya và khu vực Nagorno-Karabakh ở Cộng hòa Azerbaijan. 

Về vấn đề này, Tổng thống Nga đã đề nghị phải có trao đổi và đối thoại về sự ổn định chiến lược và toàn diện ở cấp độ quốc tế. “Là nước đi đầu trong việc phát triển các hệ thống tác chiến thế hệ mới và phát triển các lực lượng hạt nhân mới, Nga kêu gọi các đối tác thảo luận về các vấn đề về vũ khí chiến lược và sự ổn định toàn cầu”, ông Putin nói trước khi kết luận rằng việc tạo ra một khu vực chung sống hòa bình có thể là chủ đề của các cuộc thảo luận.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.