Ông Reuven Rivlin được bầu làm Tổng thống Israel: Dấu chấm hết cho hòa bình

Thứ Năm, 03/07/2014, 16:35

Việc Quốc hội Israel (Knesset) hôm 10/6 chọn ông Reuven Rivlin, một nhân vật diều hâu hữu khuynh, làm Tổng thống Israel, được thế giới đón nhận như "tin buồn" đối với các nỗ lực hòa giải nhằm tìm kiếm hòa bình ở khu vực Trung Đông, trong đó thỏa thuận hòa bình để thành lập nhà nước Palestine chung sống bên cạnh Israel là trung tâm.

Ngay sau khi được Quốc hội Israel bầu Reuven Rivlin làm Tổng thống, Nhà Trắng đã ra một tuyên bố trong đó tuyên dương quá trình phục vụ công chúng của Rivlin, và khẳng định "chúng tôi đang mong muốn tiếp tục các mối quan hệ vững chắc, vì lợi ích của cả hai quốc gia". Nhưng việc này không đơn giản, cũng còn tùy vào thực tế Rivlin có đi theo con đường mà Tổng thống Simon Peres đã vạch ra và đã đi, đã làm rạng danh chức vụ Tổng thống Israel trong nước cũng như quốc tế.

Trong khi đó, Rivlin lại nhận được lời chúc mừng "gượng gạo" từ Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Dư luận Israel cho rằng, mặc dù cùng là thành viên đảng Likud và cùng có quan điểm hữu khuynh, nhưng Rivlin và Netanyahu là đối thủ chống chọi nhau.

Tuy không nói ra, nhưng Thủ tướng Netanyahu không hài lòng chút nào đối với việc ông Rivlin làm Tổng thống Israel. Và trước khi bước vào cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống tại Quốc hội, Netanyahu đã tìm cách để ngăn cản ông Rivlin ra ứng cử.

Reuven Rivlin (trái) được đối thủ chính trị là Thủ tướng Benjamin Netanyahu bắt tay chúc mừng sau khi được bầu làm Tổng thống.

Năm nay 75 tuổi, Reuven Rivlin bước ra từ sau cánh gà với tư cách là một luật sư và chính khách đã rời khỏi các chức vụ trên chính trường. Điều thú vị là, sau khi tốt nghiệp khoa luật (Đại học Hebrew ở Jerusalem) và hành nghề luật sư một thời gian, Rivlin đã chuyển sang làm một nhà thực hành ăn chay trường. Ông được xem là người của phái diều hâu, mang tư tưởng hữu khuynh, là thành viên quan trọng của đảng cực hữu Likud của đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Vốn là một luật sư hành nghề chuyên nghiệp, Rivlin bắt đầu bước chân vào chính trị từ năm 1988 khi lần đầu được bầu vào Quốc hội Israel, nhưng bị mất ghế sau cuộc bầu cử sớm năm 1992, cho đến năm 1996 mới lại được bầu vào Quốc hội, tái trúng cử vào năm 1999 và sau đó làm Bộ trưởng Thông tin (2001-2003).

Sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 2/2003, Rivlin lại tái trúng cử và lần này được bầu làm chủ tịch Quốc hội (2003-2006). Ông giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội hai lần, lần thứ hai từ tháng 3/2009 đến tháng 2/2013.

Điều dư luận quan tâm nhất sau khi ông Rivlin được bầu làm Tổng thống Israel chính là quan điểm chính trị diều hâu theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, ủng hộ quyết liệt việc xây dựng các khu định cư Do Thái trên đất chiếm đóng của người Palestine. Ông cũng là một trong những người không chấp nhận thực hiện giải pháp 2 nhà nước, vì theo ông việc đó sẽ "làm phân chia đất nước Israel".

Rivlin có một câu nói nổi tiếng vào năm 2010: "Thà cho người Palestine làm công dân Israel còn hơn là chia cắt vùng đất này". Đây cũng là quan điểm mà Thủ tướng Netanyahu đang dần dần áp dụng trong cuộc đấu tranh chính trị với người Palestine.

Kể từ tháng 4/2014, khi hạn chót kết thúc đàm phán hòa bình đã qua mà Israel và Palestine vẫn không thể nói chuyện được với nhau, Netanyahu đã liên tục viện đủ lý do để trì hoãn đàm phán khiến cho tiến trình hòa đàm thất bại hoàn toàn. Với việc Palestine đơn phương tuyên bố tham gia 15 tổ chức quốc tế của LHQ với tư cách quốc gia thành viên, và sau đó là việc các phái Palestine chính thức thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, Israel đã phản ứng gay gắt.

Thủ tướng Netanyahu quyết định tiếp tục xây nhà định cư trên đất chiếm đóng, đồng thời tuyên bố chống lại việc thực hiện giải pháp "2 nhà nước". Sự tương đồng quan điểm giữa 2 đối thủ chính trị Israel về vấn đề người Palestine được đánh giá là sẽ tạo ra một giai đoạn cực kỳ nguy hiểm cho nền hòa bình vốn rất mong manh trong khu vực Trung Đông, thậm chí đặt dấu chấm hết cho hòa bình giữa Israel và Palestine. Thất bại đó đang đặt ra nguy cơ bất ổn lan rộng trong khu vực, cùng với tình hình nội chiến ở Syria và chiến tranh giáo phái ở Iraq.

Tân Tổng thống Israel Reuven Rivlin sẽ nhậm chức vào ngày 24/7/2014.

Về nguyên tắc, Tổng thống Israel là người mang trọng trách đoàn kết dân tộc và là kim chỉ nam về đạo đức cho đất nước. Rivllin đã tuyên bố, ông khác với Tổng thống mãn nhiệm Simon Peres ở chỗ, Peres hướng ngoại nhiều hơn, trong khi Rivlin sẽ tập trung nhiều hơn cho các vấn đề trong nước.

Trong bài phát biểu chào mừng tại Quốc hội nhân việc được bầu làm Tổng thống, ông Rivlin nói rằng, cương vị Tổng thống "làm cho tôi quyết tâm rũ bỏ tấm áo chính trị" - một biểu hiện cho thấy Rivlin có thể sẽ kiềm chế bớt những điều xác tín của riêng mình trên cương vị Tổng thống. Rivlin cố trấn an dư luận về quan điểm diều hâu của mình bằng cách tự nhận mình không phải là người của hoạt động chính trị mà là "người của mọi người. Một người của nhân dân".

Mặc dù phần lớn quyền lực nằm trong tay Thủ tướng, nhưng Tổng thống Israel vẫn đóng vai trò quan trọng ở Israel, có quyền ân xá tù nhân và có quyền chọn lựa Thủ tướng sau khi có kết quả bầu cử Quốc hội. Trong vai trò này, Tổng thống Rivlin có quyền chọn lựa một trong những người được bầu vào Quốc hội để thành lập liên minh đa số cầm quyền, thường thì người được chọn là lãnh đạo đảng giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử. Hiện nay, với sự vươn lên mạnh mẽ của các đảng trung bình, ông Rivlin có nhiều sự lựa chọn hơn, do đó cũng đang có cơ hội gây ảnh hưởng lên chính trường thông qua việc lựa chọn Thủ tướng.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ông Rivlin sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đảm đương vai trò Tổng thống Israel, với tư cách là người kế nhiệm ông Simon Peres. Với nhiệm kỳ 7 năm, Peres đã để lại dấu ấn đậm nét, phủ bóng quá lớn bao trùm lên chính trường Israel. Với sự nghiệp chính trị đồ sộ trải dọc theo chiều dài lịch sử quốc gia Israel, là chính khách cuối cùng của thời kỳ lập quốc, Peres đã thể hiện xuất sắc vai trò Tổng thống, nâng địa vị của chức danh Tổng thống Israel trên trường quốc tế đồng thời phục hồi và nâng cao uy tín của chức danh Tổng thống trong nước Israel. Rivlin cũng cố gắng thể hiện mình xứng đáng đứng vào vị trí của Peres.

Là người theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng ông lại có quan điểm bênh vực cho người thiểu số, kể cả người Arập, người Palestine hiện đang sinh sống ở Israel. Đây là điểm nhấn đầu tiên trong quan điểm của Rivlin về vấn đề hòa giải, đoàn kết dân tộc, ưu tiên hàng đầu của chức danh Tổng thống. Ngoài ra, Rivlin cũng từng gây nhiều tranh cãi ở Israel trong các vấn đề liên quan đến người Palestine.

Chẳng hạn, vào năm 2010, Rivlin đã gây sóng gió khi đứng ra bênh vực cho nghị sĩ Haneen Zoabi thuộc đảng Balad; Zoabi bị nhiều nghị sĩ trong Quốc hội Israel chỉ trích và đòi tước tư cách nghị sĩ vì đã tham gia hải đội ủng hộ người Palestine do người Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức - một việc làm bị xem là đi ngược lại lợi ích quốc gia của Israel

An Châu (tổng hợp)
.
.