PC26 Công an Hà Nội: Chống tắc đường bằng… tin nhắn

Thứ Bảy, 20/10/2007, 12:40
Ngày 5/10/2007 Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an Hà Nội chính thức thử nghiệm một trong những giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội. Người dân có thể nhắn tin để biết nút giao thông, tuyến đường nào đang bị ùn tắc để tránh.

Thời gian gần đây, có thể nói tình trạng giao thông trên địa bàn TP Hà Nội xấu đi nghiêm trọng. Từ những ngày đầu tháng 9/2007, kể cả giờ cao điểm hay thấp điểm, một loạt các tuyến phố, nút giao thông quan trọng như: Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch - Đào Duy Anh; Láng Hạ - Giảng Võ - Cát Linh; Cầu Giấy - Kim Mã v.v... thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Mặc dù PC26 Hà Nội đã “rải” hàng trăm cán bộ, chiến sĩ túc trực phân luồng, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, song dường như cũng chỉ có tác dụng phần nào.

Nguyên nhân của tình trạng trên theo Phòng CSGT CA Hà Nội là do thời điểm này bắt đầu bước vào năm học mới nên số lượng học sinh, sinh viên nhập học và đến trường rất lớn. Tuy vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ATGT và người tham gia giao thông, tình trạng ùn tắc xảy ra là điều khó tránh khỏi bởi hầu hết các tuyến đường đã quá tải nghiêm trọng.

Đồng chí Đào Công Hải, Trưởng phòng CSGT CA Hà Nội cho biết, hiện nay, hầu hết các tuyến đường của Hà Nội đều vượt quá khả năng lưu thông khoảng 200%. Hiện tại, Hà Nội chỉ có khoảng 530km đường nhưng đã có tới hơn 1,9 triệu môtô và 193.900 ôtô.

Hơn nữa, thời gian gần đây số lượng xe đăng ký mới lại vẫn có chiều hướng gia tăng với tốc độ cao. Mỗi tháng Hà Nội tăng thêm khoảng 15.000 môtô và 2.600 ôtô. Cũng theo đồng chí Hải, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có tới hơn 70 điểm, nút giao thông thường xuyên ùn tắc.

Trước tình hình đó, ngày 5/10/2007, Dự án cung cấp thông tin giao thông trực tuyến đã được Phòng CSGT CA Hà Nội phối hợp với Công ty Gapit chính thức đưa vào thử nghiệm. Đây được kỳ vọng sẽ là một giải pháp để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên TP.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại diện của Phòng CSGT CA Hà Nội. Một cán bộ của đội Tham mưu - Tổng hợp cho biết. Những thông tin về tình hình giao thông được lực lượng CSGT tại các nút trên toàn thành phố theo dõi thường xuyên và thông báo qua bộ đàm hoặc điện thoại tới trực ban của các đội CSGT. Ngay sau đó dữ liệu được các nhân viên của Gapit nhập vào máy tính và chuyển tới trung tâm xử lý của Công ty Gapit để cung cấp tới các thuê bao di động. Thời gian cập nhật là 15 phút/lần trong giờ cao điểm và 1 giờ/lần ngoài giờ cao điểm.

Hiện ở tất cả các Đội CSGT trên địa bàn TP đều có nhân viên của Gapit ứng trực, sẵn sàng giải quyết các sự cố, vướng mắc. Người dân có hai hình thức tiếp nhận thông tin: Một là, nhận thông tin theo yêu cầu để cập nhật tình hình giao thông tổng hợp tại thời điểm nhắn tin hoặc cập nhật ngay thông tin ùn tắc trên từng nút giao thông mình quan tâm.--PageBreak--

Cụ thể, thông tin tổng hợp tại thời điểm nhắn tin sẽ cho biết các điểm ùn tắc, các phương án chọn lối đi. Còn thông tin ùn tắc của nút cụ thể sẽ cho biết có ùn tắc hay không, nếu ùn tắc thời gian giải tỏa là bao lâu, các phương án chọn đường đi... Để có được thông tin người nhắn tin mất 1.000đ/tin.

Hai là, đăng ký nhận bản tin tổng hợp hàng ngày mặc định vào 7h sáng hoặc yêu cầu gửi bản tin vào một giờ nhất định. Bản tin được cung cấp bao gồm các điểm ùn tắc, thời gian ùn tắc, các tuyến tránh khi xảy ra ùn tắc, tình hình phân luồng... Khi có mưa to thì thông tin về các đoạn đường bị ngập và các tuyến đường thay thế. Với hình thức này, người nhắn mất 15.000đ để nhận được bản tin hàng ngày trong 2 tháng.

Dự án được Lãnh đạo Công ty Gapit đề xuất với PC26 Hà Nội từ đầu năm 2007. Hợp đồng thử nghiệm 1 năm. Dự án cung cấp thông tin giao thông trực tuyến được Công ty Gapit và CAHN ký kết vào đầu tháng 7/2007.

Cách thức nhắn tin

Hình thức 1: Để cập nhập thông tin tổng hợp tại thời điểm nhắn tin, soạn: GT Hanoi gửi 8169; Để cập nhập ngay thông tin ùn tắc trên từng nút giao thông theo yêu cầu: AT Mãnút gửi 8169 (Ví dụ AT 055 gửi 8169 để nhận thông tin về tình hình giao thông tại nút Giảng Võ - Cát Linh).

Hình thức 2: Để nhận bản tin giao thông tổng hợp hàng ngày vào lúc 7h sáng, soạn tin nhắn: BT gửi 8769; Để nhận bản tin giao thông hàng ngày theo thời gian yêu cầu: BT Thờigiannhậnbảntin gửi 8769 (Ví dụ BT 7h30); Để nhận bản tin hàng ngày theo nút giao thông: BT Mãnút Thờigiannhậnbảntin gửi 8769

Bên cạnh việc thông tin các điểm ùn tắc giao thông bằng tin nhắn, Gapit, CAHN còn có nhiều kế hoạch để cải thiện giao thông trên thành phố. Trong đó có việc triển khai thông báo phân luồng giao thông của CA TP trực tuyến...

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thu Hương, Giám đốc kinh doanh Công ty Gapit cho biết: Trong thời đại ngày nay, thông tin có lợi thế lớn trong tất cả các lĩnh vực và không loại trừ lĩnh vực này. Người dân ra đường nếu nắm được thông tin trên đường như thế nào, ùn tắc ra sao, họ sẽ tự điều tiết được thời gian của họ, tiết kiệm được thời gian, tiết kiệm sức lực. Vì thế, về phía công ty, chúng tôi cho rằng đây là một giải pháp mang lại tiện ích cho chính người dân.

Về phía Phòng CSGT cũng mong muốn thông qua tiện ích này có thể giúp người dân hiểu được, chia sẻ được những khó khăn của họ, góp phần tích cực vào việc giảm tải ở các nút ùn tắc.

“Chúng tôi cố gắng bằng các kiểm soát của mình để bảo đảm chất lượng thông tin chính xác. Trong hệ thống của chúng tôi có việc kiểm tra xem chất lượng báo cáo như thế nào. Trong gần một tháng thử nghiệm, chúng tôi không  thấy trường hợp nào nhắn tin sai cho khách hàng. Có nghĩa, tin nhắn đường đông là đường đông, đường tắc là đường tắc, đường bình thường là bình thường...” - Bà Hương khẳng định

Minh Tiến
.
.