Pakistan: Cuộc mật đàm Musharraf – Bhutto

Thứ Hai, 30/07/2007, 10:00
Ngay sau khi một thành viên trong nội các tiết lộ về cuộc mật đàm giữa Tổng thống Pervez Musharraf với cựu Thủ tướng Benazir Bhutto, lãnh đạo phe đối lập tại Abu Dhabi thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất hôm 27/7, dư luận Pakistan đã thực sự sôi động hẳn lên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo giới truyền thông, tuy chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào, nhưng những vấn đề mấu chốt nhất hiện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung cho dù Tổng thống Pervez Musharraf biết rằng, một liên minh với cựu Thủ tướng Benazir Bhutto có thể làm gia tăng sức mạnh cho bản thân - củng cố quyền lực và tìm kiếm sự ủng hộ cho việc ở lại dinh Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa.

Sở dĩ nói như vậy vì những yêu cầu mà cựu Thủ tướng Benazir Bhutto đưa ra rất đáng quan tâm - Tổng thống Pervez Musharraf phải từ bỏ chức Chỉ huy quân đội, phải từ bỏ quyền sa thải Thủ tướng và giải tán Quốc hội nếu muốn tái tranh cử sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10 tới.

Theo giới bình luận, Tổng thống Pervez Musharraf thực sự cảm thấy quyền lực bị lung lay và tiền đồ chính trị ảm đạm sau nhiều sự kiện quan trọng xảy ra nên đã quyết định mật đàm với bà Benazir Bhutto mặc dù trước đó không lâu (tháng 5/2007) ông vẫn cấm cựu Thủ tướng quay về nước. Trước đó (3/6/2006), Toà án còn ra lệnh bắt đối với bà Benazir Bhutto và cựu đệ nhất phu quân Ali Zardari vì tội khai man tài sản trước Ủy ban Bầu cử.

Theo giới thạo tin, trước cuộc mật đàm giữa Tổng thống Pervez Musharraf với cựu Thủ tướng Benazir Bhutto, giới truyền thông từng đề cập tới một thỏa thuận ngầm giữa họ. Một trong những nguyên nhân khiến 2 người có thể dễ nói chuyện với nhau bởi ông Pervez Musharraf từng là một Tư lệnh quân đội dưới thời bà Benazir Bhutto làm Thủ tướng.

Sau 8 năm lên nắm quyền sau cuộc đảo chính không đổ máu (năm 1999), nhưng cho đến nay, những cam kết về việc nhanh chóng phục hồi nền dân chủ Pakistan vẫn chưa được Tổng thống Pervez Musharraf thực hiện một cách tích cực. Ngòi nổ cho những cuộc biểu tình chống đối nhằm vào Tổng thống Pervez Musharraf bắt đầu sau khi ông cách chức Chánh án Tòa tối cao Iftikhar Mohammed Chaudhry hồi tháng 10/2006.

Tiếp đến là những chỉ trích ở cả trong và ngoài nước sau khi thỏa thuận an ninh gây tranh cãi với các lãnh đạo bộ tộc ở vùng biên giới với Afghanistan bị sụp đổ. Nhiều người cho rằng, việc theo đuổi chính sách "Hồi giáo ôn hòa" là một trong những nguyên nhân khiến Tổng thống Pervez Musharraf rơi vào tình cảnh hiện nay bởi nó buộc ông phải đối đầu với các lực lượng có tư tưởng Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan.

Về phần mình, cựu Thủ tướng Benazir Bhutto có nhiều khả năng sẽ trở về tham chính trong thời gian tới - tham gia cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống làm chính trị (có bố là Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto), lại từng theo học các trường đại học danh tiếng ở Mỹ (Harvard) và Anh (Oxford) nên bà Benazir Bhutto được đánh giá là một phụ nữ có đầu óc cởi mở, thông thoáng, được phương Tây ưa chuộng và đã trở thành người phụ nữ đầu tiên và cũng là Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Pakistan được bầu làm Thủ tướng khi mới 35 tuổi.

Theo thống kê, đã có tới 4 Hiến pháp được thay đổi kể từ khi Pakistan giành được độc lập đến nay bởi chính quyền luôn bị thay đổi: từ tay dân cử sang quân đội và ngược lại

Quốc Trung
.
.