Pakistan: Phấp phỏng chờ hòa bình từ tân Tổng Tư lệnh Quân đội

Chủ Nhật, 08/12/2013, 15:15

Ngày 29/11 vừa qua, tướng Raheel Sharif đã nhậm chức Tổng Tư lệnh Quân đội Pakistan, chính thức trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất nước này. Lịch sử chính trị Pakistan cho thấy việc "chọn mặt gửi vàng" đối với vị trí lãnh đạo đặc biệt cao cấp này chưa bao giờ là dễ dàng.

Như người tiền nhiệm của ông Sharif là tướng Ashfaq Kayani, có thời gian nắm quyền được đánh dấu bằng cuộc chiến đấu của quân đội chống lại Taliban. Nhưng rồi với chủ trương thực hiện những chính sách hai mặt, tướng Kayani vẫn không thể ngăn chặn việc Taliban đã giết hàng chục ngàn người trong các cuộc xung đột còn mối quan hệ giữa Pakistan và Mỹ thì ngày càng trở nên rạn nứt.

Chuyến du hành của ông Kayani giờ đây đã đến chặng dừng chân và cuộc chuyển giao sẽ chỉ còn được tính bằng tháng. Ngài Kayani đã có công giảm thiểu những phe đối lập từng là trung tâm của các xung đột ở Pakistan ngày nay. Là một nhà quân sự kỳ cựu, ông được cựu Tổng thống Pervez Musharraf chọn vào chức vụ này từ năm 2004 để lãnh đạo Cơ quan Tình báo Pakistan sau khi hàng loạt các cuộc ám sát Musharraf được phát giác.

Đối với nhiều người Mỹ, Pakistan là một kẻ lừa dối và hai mặt kể từ khi họ tham gia vào liên minh chống khủng bố cách đây 10 năm. Chủ trương của quân đội nước này, dưới sự lãnh đạo của tướng Kayani đó là “chỉ hợp tác tấn công chủ nghĩa khủng bố một cách chọn lọc” trong khi vẫn nhận hàng tỉ USD hỗ trợ từ Mỹ và sự che chở cũng như hỗ trợ các nhóm phiến quân tấn công quân đội NATO tại Afghanistan.

Việc Pakistan ủng hộ phong trào Taliban vào thập niên 90 thế kỷ trước giúp họ có một tầm ảnh hưởng lớn đối với bộ tộc Pashtun, chiếm tới 42% dân số của Afghanistan. Với tư cách là Tổng giám đốc Cơ quan Tình báo quân sự (ISI), tướng Kayani từng chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc giúp đỡ Taliban của Afghanistan khôi phục lại sau thất bại năm 2001 dưới tay Mỹ và đồng minh.

Qua đó, Pakistan đã giúp và hỗ trợ rất nhiệt tình lực lượng này với hy vọng có thể khiến cho tiến trình hòa bình với lực lượng này diễn ra suôn sẻ.

Một nghiên cứu bí mật của NATO dựa trên 27 nghìn cuộc thẩm vấn đối với 4.000 tên lính Taliban, Al-Qaeda và các binh sĩ khác khi bị rò rỉ đã cho thấy sự hỗ trợ của ISI là hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và khôi phục của Taliban sau năm 2001. Họ đã cung cấp nơi trú ẩn, các trại huấn luyện và cố vấn cũng như giúp đỡ trong việc huy động gây quỹ cho tổ chức này. Qua đó, NATO kết luận rằng "ISI ý thức rất rõ về các hoạt động của Taliban và hành tung của mọi nhân sự bên trong Taliban".

Pakistan phẫn nộ chối bỏ lời buộc tội từ phía Mỹ, nhưng nếu đó là sự thực thì đâu là nguyên nhân và chiến lược để cho Pakistan chơi trò hai mặt. Câu trả lời duy nhất chính là: Pakistan muốn đảm bảo "phần chia" của họ trong tương lai chính trị ở Afghanistan. Chính phủ Pakistan hiểu rằng, một khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan thì tất cả các thế lực trong khu vực sẽ cạnh tranh để lấp đầy khoảng trống quyền lực.

Vì vậy, sự hợp tác giữa ISI và quân Taliban ở Afghanistan vẫn tiếp tục sau khi Kayani được cất nhắc nhưng đến năm 2009, ông phải đối đầu với cơn ác mộng khủng bố thực sự trên chính đất Pakistan, lực lượng Taliban mới, hoạt động tại Pakistan. Lực lượng này đã khiêu khích quân đội của nhà nước, nơi từng nuôi dưỡng và bảo trợ cho các binh sĩ đánh bom cảm tử hàng thập niên qua rằng họ đã quá nhượng bộ và yếu nhược khi nhận tiền của người Mỹ.

Tháng 2/2009, khi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, ông Jim Jones có buổi gặp tướng Kayani về vấn đề các xung đột trong chính sách của Pakistan đối với việc chống khủng bố, Jones đã đề nghị Kayani giải thích các quan hệ phức tạp giữa lực lượng quân đội của ông với các băng nhóm đánh bom liều chết nhưng Kayani chỉ trả lời vòng vo và lái câu chuyện sang hướng xung đột với Ấn Độ.--PageBreak--

Tổng thống Obama đã quyết định không thể tin tưởng Kayani và không nói cho ông ta biết về việc CIA đã tìm thấy Osama bin Laden ẩn náu trong vòng 1 dặm kể từ Học viện Quân sự Kabul, phía tây của Pakistan năm 2011. Đó là một quyết định quan trọng kể từ khi Mỹ viện trợ cho Pakistan hơn 25 tỉ USD và các hỗ trợ kinh tế khác từ sau khi chính thức tuyên chiến với Al-Qaeda.

Ngày nay, Pakistan đang là quốc gia hạt nhân lớn thứ 4 thế giới. Và dưới đế chế của tướng Kayani, Pakistan đã xác định theo đuổi một chương trình đầy tham vọng để phát triển và triển khai các loại vũ khí hạt nhân có thể sử dụng trên chiến trường. Điều này khiến cuộc tranh cãi ngay bên trong nội bộ chính phủ, giữa các quan chức Pakistan trở nên nóng lên hơn lúc nào hết.

Một số cho rằng sự phát triển của các loại vũ khí này là thiết thực để đối đầu với sức mạnh quân đội truyền thống của Ấn Độ. Trong khi số khác cho rằng, nó sẽ làm gia tăng đáng kể các rủi ro an ninh trong việc kiểm soát các loại vũ khí hạt nhân và khó khăn trong việc giảm thiểu nguy cơ lạm dụng chúng trong các cuộc xung đột trong tương lai.

Sau khi cuộc không kích bằng máy bay không người lái giết chết thủ lĩnh Taliban ở Pakistan, rất nhiều chính trị gia đã phải kêu gọi các cuộc không kích cần phải chấm dứt hoàn toàn.

Theo các nhà phân tích, vụ không kích lần này dường như "lợi bất cập hại" bởi nó không chỉ đẩy mối quan hệ Mỹ - Pakistan xuống một vực sâu mới mà còn "chọc giận" tổ chức Taliban khiến tình hình khu vực có thể còn bất ổn hơn trước.

Trước diễn biến như vậy, Thủ tướng Nawaz Sharif đã tỏ ra rất thận trọng trong việc chọn người kế nhiệm ông Kayani. Lần trước khi ông Sharif còn làm Thủ tướng vào năm 1999, chính ông là người đã chọn Musharraf  cho vị trí COAS để rồi chỉ trong vòng vài tháng, Musharraf đã tiến hành cuộc chiến với Ấn Độ ở Kashmir và đẩy Pakistan đến bờ vực của ngày tận thế. Khi ông Sharif muốn sa thải Musharraf thì thay vào đó, chính ông bị quân đội lật đổ và phải chịu lưu vong suốt 10 năm.

Giờ đây, như một trò đùa của số phận, Musharraf lại phải đứng trước bản án phản quốc. Trong lịch sử chính trị Pakistan, không chỉ riêng ông Sharif là nhà lãnh đạo đã lựa chọn sai lầm ứng viên cho chức COAS. Zuflikar Bhutto cũng từng chọn tướng Zia ul Huq làm Tổng tư lệnh quân đội ở những năm 70. Tuy nhiên sau này cũng chính Zia đã lật đổ Zulfi và đem ông ra hành quyết vào năm 1977.

Lựa chọn lần này của Thủ tướng Sharif là tướng Raheel Sharif, tuy cùng họ nhưng hai người không hề có quan hệ họ hàng. Tướng Raheel Sharif sinh năm 1956, trong một gia đình có truyền thống quân sự. Anh trai của ông đã hy sinh trong cuộc chiến với Ấn Độ năm 1971 và trở thành một trong những anh hùng dân tộc của Pakistan.

Bản thân tướng Raheel tốt nghiệp Học viện Quân sự Kakul và từng phục vụ trong học viện với tư cách là một sĩ quan chỉ huy. Tuy không là sự lựa chọn hàng đầu cho vị trí quan trọng này nhưng ông lại là người có thể tiếp tục tiến hành những chính sách quân đội về xây dựng vũ khí hạt nhân trong lúc phải dàn xếp với cả Mỹ và phiến quân Taliban.

Bên cạnh đó, tướng Sharif sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có mối quan hệ căng thẳng với Ấn Độ. Liệu Thủ tướng Sharif có đưa ra được lựa chọn đúng đắn hơn so với sự lựa chọn năm 1999 của mình? Có lẽ người Pakistan sẽ cần nhiều thời gian để trả lời câu hỏi này

Hoàng Cúc (tổng hợp)
.
.