Pakistan: Thủ tướng Nawaz Sharif trong cơn nguy khốn

Thứ Sáu, 05/09/2014, 20:35

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đang đối mặt với khó khăn lớn trước sức ép từ làn sóng biểu tình phản đối từ phía đảng đối lập do cựu cầu thủ bóng chày Imran Khan dẫn đầu. Có dư luận cho rằng, có thể ông Sharif đang phải trả giá cho những "lỗi lầm" của ông đối với quân đội trong thời gian gần đây.

Cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông Imran Khan và giáo sĩ Muhammad Tahir ul-Qadri tiếp tục bước sang tuần thứ ba.

Ngày 1/9, những người biểu tình tăng cường tấn công các tòa nhà của các cơ quan chính phủ. Đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát. Cảnh sát đã bắn đạn cao su và lựu đạn khói, còn người biểu tình trang bị vũ khí là gậy gộc, gạch đá vỉa hè ném trả.

Đụng độ đã làm ít nhất 3 người chết và khoảng 500 người bị thương. Đây là lần khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong hơn 10 năm qua tại Pakistan.

Ban đầu, cuộc biểu tình diễn ra trong không khí hòa bình, với hình thức biểu tình ngồi để phản đối các kết quả bầu cử năm 2013. Lãnh đạo biểu tình, ông Imran Khan cáo buộc đảng Liên đoàn Hồi giáo của ông Nawaz Sharif (Muslim League-N) đã gian lận trong cuộc bầu cử nên đã giành chiến thắng áp đảo. Khan đã trực tiếp đưa ra lời yêu cầu ông Sharif từ chức nhưng không được đáp ứng.

Chiều 30/8, hàng ngàn người biểu tình đã đổ về vây kín phía trước tòa nhà Quốc hội Pakistan bên trong "Khu Đỏ" - khu vực có nhiều tòa nhà chính phủ, các cơ quan ngoại giao quốc tế ở thủ đô Islamabad, được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt. Sau đó, người biểu tình tiếp tục kéo đến bao vây Dinh Thủ tướng. Đây là động thái leo thang mạnh nhất của những người biểu tình ủng hộ ông Imran Khan và giáo sĩ Qadri.

Bộ trưởng Quốc phòng Khawaja Muhammad Asif cho rằng, Chính phủ Pakistan buộc phải sử dụng vũ lực trấn áp người biểu tình để bảo vệ các tòa nhà chính phủ. Tuy nhiên, việc dùng vũ lực là một động thái mạo hiểm, bởi nó có thể dẫn đến việc leo thang bạo lực và tạo cớ để quân đội can thiệp theo hướng bất lợi cho Thủ tướng Sharif.

Thủ tướng Sharif đã kêu gọi nối lại đối thoại với các lãnh đạo biểu tình, nhưng đã không nhận được sự đáp ứng từ phía ông Khan và giáo sĩ Qadri. Trong các phát biểu trước đám đông biểu tình, ông Khan đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại mục đích cuối cùng của cuộc biểu tình là ông Sharif phải từ chức, và ông sẽ "không ra về tay không" nếu Sharif tiếp tục ngồi ghế Thủ tướng.

Hiện tại, toàn bộ 34 nghị sĩ của đảng PTI đều rút khỏi Quốc hội và yêu cầu tổ chức bầu cử lại. Ông Khan cũng kêu gọi người ủng hộ mình không tiếp tục đóng thuế để phản đối Thủ tướng Sharif.

Ông Sharif tiếp tục khẳng định quan điểm sẽ không từ chức. Một số nhà quan sát độc lập cũng cho rằng với vài ngàn người biểu tình ngoài đường phố, Khan và Qadri sẽ khó lòng đạt được mục tiêu lật đổ ông Sharif. Họ phân tích, mặc dù nhiều người Pakistan không hài lòng về vấn đề thiếu điện và thất nghiệp tăng cao, nhưng không có vẻ gì cho thấy tất cả họ đều tham gia chống đối ông Sharif. Phần lớn các đảng chính trị khác ở Pakistan cũng cho rằng, hãy còn quá sớm để yêu cầu ông Sharif từ chức.

Quân đội Pakistan đã không thể đứng ngoài cuộc khi bạo lực tiếp tục gia tăng. Chiều Chủ nhật 31/8, Tổng tư lệnh quân đội Pakistan, tướng Raheel Sharif, đã triệu tập cuộc họp với các lãnh đạo cấp cao của quân đội để bàn phương án can thiệp. Sau cuộc họp, các lãnh đạo quân đội đã ra tuyên bố kêu gọi các chính khách đối đầu nhau cùng tìm cách giải tỏa những khác biệt, bất đồng để bảo đảm duy trì dân chủ.

Quân đội cũng đã nỗ lực dùng biện pháp ôn hòa là trung gian hòa giải để các bên đối thoại giải quyết các bất đồng, nhưng nỗ lực bước đầu đã không thành công, cuộc nói chuyện đầu tiên giữa Thủ tướng Sharif với ông Khan và giáo sĩ Qadri không mang lại kết quả. Cho đến nay, quân đội vẫn duy trì binh lính canh gác các tòa nhà chính phủ và ngoại giao trong "Khu Đỏ".

Người biểu tình tiếp tục vây kín khu vực quanh các tòa nhà chính phủ Pakistan đòi Thủ tướng Nawaz Sharif từ chức.

Việc quân đội có động thái can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị được hiểu là dấu hiệu của sự nguy hiểm đang đe dọa chiếc ghế của ông Sharif. Đã có nhiều suy đoán được đưa ra trên mặt báo về nguyên nhân sâu xa đằng sau cuộc biểu tình đòi ông Sharif từ chức hiện nay.

Makhdoom Javed Hashmi, cựu Chủ tịch đảng Phong trào Công lý (PTI) của ông Khan, tố cáo ông Khan đẩy cuộc biểu tình leo thang là để đáp ứng yêu cầu của các tướng chỉ huy quân đội Pakistan. Ở đất nước Pakistan, nơi từng xảy ra ít nhất 3 cuộc đảo chính do quân đội tiến hành, những điều suy đoán như thế này dễ khiến cho dư luận âu lo về khả năng quân đội sẽ tiếp tục thực hiện một cuộc đảo chính nữa.

Bản thân Thủ tướng Sharif từng có nhiều "kỷ niệm" không mấy vui vẻ với quân đội. Năm 1993, trong nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên, Sharif đã bị quân đội ép phải từ chức để giải quyết mâu thuẫn với Tổng thống lúc ấy là ông Ghulam Ishaq Khan. Đến năm 1997, Sharif trở lại làm Thủ tướng lần thứ hai, nhưng chỉ 2 năm sau, tháng 10/1999, Sharif lại bị quân đội do tướng Pervez Musharraf lãnh đạo lật đổ. Còn bây giờ, ông Sharif lên nắm quyền sau khi đảng của ông giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 5/2013.

Bước sang năm nay, ông lại có những xung đột mới với quân đội trong một số vấn đề then chốt, như đàm phán hòa bình với Taliban và chính sách đối với Ấn Độ. Sharif cũng chọc giận quân đội khi nhất quyết đưa ra xét xử ông Musharraf và ngăn không cho ông này rời khỏi đất nước. Chính vì vậy, những người ủng hộ ông cho rằng tình hình lộn xộn hiện nay là một phần trong kế hoạch của quân đội nhằm "trừng phạt" ông Sharif

An Châu (tổng hợp)
.
.