Pakistan quyết xử "bác sĩ CIA"

Chủ Nhật, 26/02/2012, 12:15

Vụ xét xử vị bác sĩ người Pakistan làm chỉ điểm cho CIA trong vụ đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi tháng 5/2011 đã trở thành một trong những đề tài tranh cãi giữa Mỹ và Pakistan từ nhiều tháng nay và đang tiếp tục gây căng thẳng trong quan hệ 2 nước. Bất chấp sức ép từ Washington, Islamabad khẳng định sẽ xử tội bác sĩ "phản quốc".

Bác sĩ Shakil Afridi bị Cơ quan An ninh Pakistan bắt giữ khoảng 10 ngày sau khi vụ biệt kích Mỹ tiêu diệt Bin Laden xảy ra.

Ngay trước khi Afridi bị bắt, Pakistan đã thành lập Ủy ban Tư pháp Abbottabad (AJC) để truy xét tất cả các cá nhân liên quan đến vụ việc Bin Laden, trong đó có Afridi. Khi tiến hành điều tra về việc CIA đã tìm ra tung tích và đột nhập, tiêu diệt Bin Laden bằng cách nào, Cục Tình báo liên cơ quan (ISI) của Pakistan đã phát hiện ra vai trò của bác sĩ Afridi với tư cách là một người tham gia thực hiện kế hoạch của CIA nhằm xác định sự hiện diện của Bin Laden ở thị trấn Abbottabad.

Chính bác sĩ Afridi là người đã trực tiếp tiến hành kế hoạch tiêm ngừa vắcxin trá hình nhằm tìm cách thâm nhập vào nơi ở của Bin Laden.

Xuất thân từ tầng lớp bình dân, Afridi tốt nghiệp Trường Y khoa Khyber thuộc tỉnh Peshawar vào năm 1990, sau đó làm việc cho văn phòng đại diện của Cơ quan quản lý các khu bộ lạc Pakistan tại Khyber.

Khi điều tra về các hoạt động của CIA trong vụ Bin Laden, ISI phát hiện một số bất thường trong sinh hoạt và kế hoạch làm việc của Afridi vào khoảng thời gian trước khi CIA tiến hành vụ đột kích Abbottabad.

Đang làm việc tại Khyber, nhưng từ ngày 15 đến 18/3/2011, Afridi bất ngờ đến Abbottabad để thực hiện một đợt tiêm vắcxin ngừa bệnh viêm gan B miễn phí cho người nghèo và cấp phát miễn phí liều vắcxin ngừa uốn ván cho trẻ em nghèo ở khu ngoại ô Nawa Sher của thị trấn Abbottabad. Bác sĩ Afridi đã lôi kéo thêm một số y sĩ, dược sĩ tại các trung tâm y tế địa phương cùng tham gia chiến dịch tiêm vắcxin.

Ngày 21/4/2011, theo đúng phác đồ tiêm ngừa viêm gan B, Afridi trở lại tiêm mũi thứ 2. Điều bất thường chính là ở chỗ thay vì tiếp tục tiêm ngừa tại khu Nawa Sher, Afridi lại đến tiêm ngừa viêm gan B tại khu Bilal Town - một khu vực giàu có của thị trấn Abbottabad. Tại sao một khu giàu có như Bilal Town lại phải được tiêm ngừa vắcxin miễn phí?

ISI phát hiện thêm rằng, trước khi đến Abbottabad, Afridi đã được các điệp viên CIA tại Pakistan tiếp xúc và mời tham gia một chiến dịch truy tìm Osama bin Laden. Và việc chuyển từ Nawa Sher đến Bilal Town để tiêm ngừa là nằm trong kế hoạch khoanh vùng để tiếp cận khu nhà mà CIA nghi là Bin Laden đang ở nhằm xác định xem có đúng như vậy không.

Khi tiếp cận ngôi nhà của Bin Laden, Afridi đi cùng một cô y tá người địa phương tên là Mukhtar Bibi, bí danh Bakhto. Bakhto vào trong nhà để thực hiện việc tiêm ngừa, còn Afridi đứng bên ngoài kiểm soát tình hình.

Mục đích của việc tiêm ngừa là trích lấy mẫu máu phục vụ việc xét nghiệm ADN, từ đó xác định các thành viên trong ngôi nhà có phải là Bin Laden và gia đình của y hay không. Mẫu ADN sau đó được đối chiếu với ADN của một người chị của Bin Laden cư ngụ tại thành phố Boston, bang Massachusetts (Mỹ), và đã qua đời vào năm 2010.

Theo hồ sơ tình báo Pakistan, chiến dịch tiêm ngừa trá hình có vẻ như đã thành công một phần, đã lấy được mẫu máu để xét nghiệm ADN. Phần còn lại là cài máy nghe lén thì dường như đã không thực hiện được bởi cô Bakhto không hiểu ý Afridi (do cô này không hề biết rằng Afridi đang thực hiện một kế hoạch tình báo nhằm vào ngôi nhà của Bin Laden).

Vụ bắt giữ bác sĩ Afridi đã góp phần làm cho quan hệ giữa Mỹ và Pakistan căng thẳng thêm. Suốt từ khi Afridi bị bắt cho đến nay, người Mỹ đã rất sốt ruột và tìm mọi cách để "cứu" ông ta. Giới chức Mỹ đã dùng uy quyền của mình để can thiệp trực tiếp vào tiến trình điều tra xét xử Afridi.

Tháng 7/2011, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã điện thoại trực tiếp cho Tổng thống Asif Ali Zardari yêu cầu can thiệp để Afridi được thả. Cũng trong tháng 7/2011, với tư cách là Giám đốc CIA, ông Leon Panetta (nay là Bộ trưởng Quốc phòng) cũng đã tìm mọi cách can thiệp để Afridi được thả nhưng không thành công.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta quyết liệt yêu cầu Pakistan thả Afridi nhưng không thành công.

Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình CBS, ông Panetta mới chính thức công khai thừa nhận Afridi đã cung cấp thông tin quan trọng giúp CIA thực hiện thành công vụ đột kích tiêu diệt Osama bin Laden, đồng thời yêu cầu Pakistan hãy thả Afridi ngay lập tức vì ông ta có "công trạng" trong việc tiêu diệt trùm khủng bố toàn cầu - một kẻ thù chung của Mỹ lẫn Pakistan.

Song song đó, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ do nghị sĩ Dana Rohrabacher dẫn đầu cũng đã trình một dự luật trao quốc tịch cho Afridi nhằm sử dụng đến quy tắc ngoại giao can thiệp, giải cứu cho Afridi.

Hiện dự luật này đã nhận được sự ủng hộ của hơn 10 nghị sĩ và đang tiếp tục lấy ý kiến của các nghị sĩ.

Ngày 4/2 vừa qua, lãnh đạo quân đội Pakistan và ISI đã chính thức bác bỏ yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta về việc thả Afridi. Afridi hiện đang bị cáo buộc tội "âm mưu chống lại Nhà nước Pakistan và phản quốc cao độ".

Theo giới chuyên gia luật pháp Pakistan, Afridi có thể bị xét xử theo Điều 6 Hiến pháp Pakistan năm 1973, trong đó quy định tội "phản quốc cao độ" (high treason), có thể bị tuyên án tử hình.

Việc xét xử Afridi có thể phải đợi thêm một thời gian sau khi quân đội Pakistan kết thúc cuộc điều tra để xác định CIA đã tuyển mộ Afridi như thế nào, đồng thời làm rõ thêm một số hoạt động của CIA xung quanh vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.